Khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

Dấu ấn một nhiệm kỳ rất đáng tự hào

Khai mạc ngày 24-3, dự kiến bế mạc ngày 8-4, kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV này có một ý nghĩa đặc biệt, với nhiều nhiệm vụ đặc biệt quan trọng: Tổng kết, đánh giá nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; kiện toàn bộ máy lãnh đạo cấp cao của đất nước; chuẩn bị, bảo đảm những điều kiện tốt nhất tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ÐBQH) khóa XV sắp tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp. Ảnh: Trần Hải
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp. Ảnh: Trần Hải

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: "Ðến thời điểm này, chúng ta có quyền tự hào về những thành quả đạt được trong cả nhiệm kỳ. Suốt chặng đường gần 5 năm qua, Quốc hội đã nỗ lực, đoàn kết cùng Chủ tịch nước, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan hoàn thành trọng trách được giao, tạo nên sức mạnh tổng hợp để cùng toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước…".

Vượt qua mọi khó khăn, 6,8% đã trở thành chỉ số ấn tượng về tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2019; bình quân 5 năm 2016 - 2020 ước đạt khoảng 5,99%, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (5,91%), đưa Việt Nam vào nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Cùng đó, trong nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XIV đã tập trung ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật (72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật) để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Ðảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống…

Phân tích nguyên nhân làm nên những thành tựu, các chuyên gia lập pháp và cử tri cùng đánh giá cao nhân tố con người, chất lượng ÐBQH và sự thống nhất, đoàn kết trong toàn hệ thống chính trị. Ở nhiệm kỳ này, mô hình tổ chức phù hợp, phương thức hoạt động không ngừng được đổi mới, bảo đảm sự lãnh đạo của Ðảng, mối liên hệ chặt chẽ với cử tri được giữ vững và mối quan hệ phối hợp công tác được chú trọng - là những nhân tố quyết định hiệu quả, góp phần tạo nên những dấu ấn trong hoạt động của Quốc hội. Trên tinh thần cầu thị, tuân thủ nguyên tắc căn bản, Quốc hội đã có nhiều đổi mới quan trọng về quy trình xây dựng luật, pháp lệnh; các hội nghị ÐBQH hoạt động chuyên trách được tăng cường, ngày càng đi vào nền nếp; các hình thức thảo luận, lấy ý kiến đối với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết được tích cực đổi mới, đa dạng, bảo đảm đúng quy trình, có chất lượng cao, tiết kiệm thời gian. Công tác giám sát của Quốc hội được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai tích cực, đóng góp quan trọng vào thành công chung của công tác đối ngoại của Ðảng và Nhà nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong đó, điểm nhấn là việc đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26), Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Ðại hội đồng lần thứ 41 của Hội đồng liên Nghị viện các quốc gia ASEAN (AIPA 41),…

Dấu ấn một nhiệm kỳ rất đáng tự hào -0

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Ðức Anh 

Dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV còn thể hiện ở sự gắn bó mật thiết, phối hợp nhịp nhàng, xây dựng mô hình tổ chức phù hợp, phương thức hoạt động không ngừng được đổi mới, bảo đảm sự lãnh đạo của Ðảng, đồng thời giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri. Trong Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến những bài học kinh nghiệm. Trọng tâm là, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trong nhiệm kỳ này, Chủ tịch nước đã phối hợp chặt chẽ, tham gia đóng góp những ý kiến xác đáng với Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Ðồng thời, Chủ tịch nước cũng đã chỉ đạo tổng kết phương thức lãnh đạo của Ðảng về cải cách tư pháp, mô hình hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương qua các thời kỳ; chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, "không để oan sai, bỏ lọt tội phạm và thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước bị thất thoát, tham nhũng".

Về nhiệm vụ điều hành, quản lý kinh tế - xã hội (KT-XH), trình bày Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các cơ quan hành chính nhà nước đã tích cực tiến hành đổi mới phương thức làm việc gắn với xây dựng Chính phủ điện tử; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo động lực cho phát triển KT-XH; quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân; chủ động, quyết liệt, ứng phó kịp thời, ngăn chặn, kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai,…

Chính phủ nhận thức rằng, những kết quả chủ yếu đạt được, những ưu điểm, hạn chế và bài học kinh nghiệm được đánh giá, rút ra cũng như một số kiến nghị về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới không chỉ là tổng kết, kiểm điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ, mà còn là cơ sở để Chính phủ nhiệm kỳ tới và các cơ quan trong hệ thống hành chính, chính quyền các cấp nghiên cứu, tham khảo trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Có thể nói, đây là kỳ họp mang tính cầu nối, góp phần quan trọng vào việc chuyển giao nhiệm kỳ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Chính vì thế, cử tri và nhân dân tin tưởng, các ÐBQH sẽ tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ tập thể, cùng xem xét thấu đáo, đánh giá, nhìn nhận lại những thành tựu, kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và các mặt công tác khác. Từ đó phân tích rõ nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm, làm cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ tới, góp phần quan trọng tạo thế và lực mới cho đất nước phát triển.

Khúc Hồng Thiện