Nghị quyết 23 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Con người luôn là yếu tố quan trọng nhất

Nghị quyết số 23-NQ/TW xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HÐH), cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm ba nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang gặp phải hai “nút thắt” lớn, cản trở việc hiện thực hóa mục tiêu đặt ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại triển lãm quốc tế về phát triển công nghiệp thông minh. Ảnh: Trần Hải
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại triển lãm quốc tế về phát triển công nghiệp thông minh. Ảnh: Trần Hải

Trên nền tăng trưởng kinh tế ngoạn mục 8,44% của năm 2005 so với năm trước, Ðại hội X của Ðảng đã đặt mục tiêu trong 5 năm 2006 - 2010, mức tăng trưởng GDP bình quân đạt từ 7,5 đến 8%/năm, phấn đấu đạt hơn 8%/năm, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Khi đó, chúng ta mong muốn tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và CNH, HÐH.

Tuy nhiên, những năm sau đó, do khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005 - 2010 không đạt mục tiêu, có năm chỉ đạt 5,32% (2009) nhờ vào gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ. Cơ cấu kinh tế chậm chuyển đổi. Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng đầu kỳ là 41,53% thì cuối kỳ giảm còn 40,79% GDP. Tỷ trọng của nông nghiệp tăng từ 20,97% đầu kỳ lên 22,02% GDP mà khi đó, chúng ta coi nông nghiệp là “bệ đỡ” của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán đã chạm đáy 235 điểm trong phiên 2-1-2009 sau khi VN-Index xác lập mức kỷ lục 1.170,67 điểm trong phiên giao dịch ngày 12-3-2007 và phải nhiều năm sau mới dần phục hồi. Ðây cũng là giai đoạn nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành tràn lan, làm ăn thua lỗ, trở thành gánh nặng của nền kinh tế.

Giai đoạn 2011-2015, nhờ đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng, kinh tế có xu hướng phục hồi rõ nét kể từ năm 2013, tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm mạnh tỷ trọng của nông nghiệp, tăng tỷ trọng của công nghiệp, dịch vụ do các ngành công nghiệp chế biến, năng lượng, xây dựng tăng trưởng khá, khoảng trên 10%/năm.

Vốn FDI thực hiện 2011-2015 đạt 59,96 tỷ USD, vốn cấp mới và tăng thêm đạt 96,39 tỷ USD, đều vượt mục tiêu đề ra nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, phí và hải quan... Chất lượng cuộc sống của người dân dần được cải thiện qua chỉ số GDP bình quân đầu người tăng hơn 40%, từ 1.532 USD/người năm 2011 lên 2.171 USD/người năm 2015.

Trong bối cảnh giai đoạn 2016-2020 có nhiều đổi khác so với trước khi hội nhập đã chuyển sang một giai đoạn mới về chất, vì thế, Việt Nam phải tăng tốc cơ cấu lại nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Theo nghị quyết của Quốc hội, cơ cấu lại ngành công nghiệp vẫn tiếp tục được xác định là trọng tâm của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn này với tám mục tiêu định lượng, bao gồm: Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng đạt từ 30 đến 35%GDP, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế; tỷ trọng hàng công nghiệp chế tạo chế biến đạt từ 85 đến 90% tổng kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng năng suất lao động trong ngành công nghiệp hằng năm cao hơn 5,5%… và hai mục tiêu định tính như: Hình thành thí điểm một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong các ngành công nghiệp ưu tiên; thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh với ASEAN-4.

Lúc này, tuy bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều yếu tố bất ổn như điều kiện tài chính toàn cầu kém thuận lợi hơn, bảo hộ và xung đột thương mại, giá cả hàng hóa thế giới tăng nhẹ, rủi ro địa chính trị, thách thức an ninh phi truyền thống, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến ngày một cực đoan… nhưng các động lực phát triển của Việt Nam vẫn được duy trì do những nỗ lực cải cách và cam kết ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện điều kiện kinh doanh. Các chỉ số quan trọng theo đánh giá của các định chế toàn cầu công bố như chỉ số phát triển bền vững (SDG Index), chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII Index), chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đều tăng bậc và trong tháng 7 vừa qua, Việt Nam vẫn đứng đầu bảng xếp hạng PMI ngành sản xuất ASEAN, chứng tỏ số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất tiếp tục tăng.

Ðể hoàn thành mục tiêu như Nghị quyết số 23/NQ-TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị đã nêu thì ngoài những yếu tố mang tính vĩ mô và bối cảnh kinh tế thế giới, có lẽ vấn đề lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt vẫn là chất lượng nhân lực chậm được cải thiện và trình độ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Ðây có thể được coi là hai yếu tố hoàn toàn mang tính chất chủ quan đang cản trở nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Cũng có người cho rằng, tăng trưởng năng suất lao động thấp và chủ yếu tăng do tăng cường độ vốn cũng là một nguyên nhân. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, năng suất phải xuất phát từ chất lượng lao động và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất công nghiệp. Chính do tốc độ gia tăng thâm dụng vốn tăng và công nghệ lạc hậu nên ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp, năng suất lao động thấp, tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, trình độ công nghệ sản xuất thấp, tỷ lệ nội địa hóa thấp, ngoại trừ các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng trưởng ở nhóm doanh nghiệp FDI.

Do đó, muốn có một nền kinh tế CNH, HÐH thì phải có các doanh nghiệp lớn. Mà doanh nghiệp lớn chỉ có thể hình thành trên cơ sở nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ hiện đại. Ngay cả công nghệ hiện đại cũng phải xuất phát từ ý tưởng và trí tuệ của con người hiện đại. Muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao thì ngoài các cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực, chất lượng cơ sở đào tạo, môi trường lao động sáng tạo, chế độ thu hút, đãi ngộ, phúc lợi thì nền tảng văn hóa, đạo đức, kỷ luật, kỷ cương xã hội là không thể thiếu được.

Nhớ tới lời dạy của Bác Hồ, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết, cần có những con người xã hội chủ nghĩa, còn đối với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta dứt khoát phải có những con người mới với tác phong công nghiệp, trí tuệ và hiện đại.

Hiện nay đầu tư của xã hội, của doanh nghiệp vào lĩnh vực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vẫn còn thấp so với tiềm năng và một phần là do các cơ chế, chính sách cho hai lĩnh vực này chậm được hoàn thiện.