Bên bóng núi Chư Prông

Chia tay làng, những người "chở tình lên biên giới" sẽ phải vượt hành trình hơn 700 km để trở về với cuộc sống thường nhật, nhưng mỗi thành viên trong đoàn đều cảm thấy ấm áp, bởi phía sau họ, hàng trăm người dân đã được khám bệnh và nhận thuốc miễn phí, cùng nhiều món quà tình nghĩa, thiết thực. Phía chân núi Chư Prông (Gia Lai), mùa con ong đi lấy mật năm nay sẽ ngọt lành hơn!

Ðại tá Tô Danh Út và đồng chí Nguyễn Hoàng Ân trao quà cho bà con người dân tộc Gia Rai nghèo diện chính sách ở Gia Lai.
Ðại tá Tô Danh Út và đồng chí Nguyễn Hoàng Ân trao quà cho bà con người dân tộc Gia Rai nghèo diện chính sách ở Gia Lai.

Con gà ngoài bìa làng Ring gáy canh ba, cũng là lúc bà Siu Nhên vác gùi lên Ủy ban nhân dân xã Ia Mơ (huyện Chư Prông). Ðường núi xa lắc, đi bộ mấy vạt đồi, may sao bà quá giang được xe máy của một chú bộ đội biên phòng tuần tra về, đến xã đã 10 giờ sáng. Người bác sĩ ra toa xong cho bà Siu Nhên, và nhắc nhở: "Bà bị thiếu máu nhiều, phải ăn nhiều loại thịt và rau củ quả như cà-rốt, dền lá… Thêm nữa phải tẩy giun để cơ thể khỏe mạnh. Bà cứ xem theo số thứ tự trong toa mà tôi ghi theo ngày mà uống thuốc, sau hai tuần sẽ hết đau nhức cơ, và bớt hoa mắt chóng mặt nhá". Nghe qua, bà Siu Nhên quên cả mỏi mệt, lay lay tay vị bác sĩ tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh nói: "Mình cảm ơn cán bộ, cán bộ đi xa đến biên giới để thăm sức khỏe cho mình và bà con, lại còn cho thuốc uống, mình quý cái bụng lắm, mình ưng cái bụng nhiều. Lâu lâu lại về thăm làng, bác sĩ ơi!".

Vừa bước ra khỏi "phòng mạch" dã chiến với một bao thuốc trong tay, bà Siu Nhên liền được Ðại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh giữ lại. Ðích thân ông Út trao cho bà một túi quà gồm đường, sữa, mì chính, dầu ăn, nước mắm, bánh kẹo… "để biếu bà dùng cho vui với tấm lòng của lính biên phòng". Cứ như thế, lần lượt từng nhóm bệnh nhân nghèo là gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng ở khu vực biên giới Chư Prông được khám bệnh, phát thuốc miễn phí, sau đó còn được nhận những phần quà ân cần từ những người lính quân hàm xanh và thầy thuốc chữ thập đỏ đến từ thành phố mang tên Bác. Trong một ngày làm việc, đã có gần 300 lượt người bệnh được khám và phát thuốc miễn phí.

Theo Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Ân, chương trình công tác gắn kết giữa Hội Chữ thập đỏ và Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội tại các vùng biên giới đã phát huy tác dụng rất hữu ích. Ðoàn Thầy thuốc tình nguyện của Hội luôn sẵn quân số, luôn đầy đủ thuốc chữa bệnh và máy móc y khoa kỹ thuật cao, còn lực lượng biên phòng lại có sẵn xe chuyên dụng đi các vùng khó khăn, có nhân lực bảo đảm hậu cần và luôn đưa các y, bác sĩ, mạnh thường quân đến đúng nơi cần đến những vùng biên giới xa xôi ít ai đến được. Vì vậy mà trong giai đoạn 2012-2018, hai bên đã cùng tuyên truyền Luật Biên giới quốc gia; Luật Biển Việt Nam;… kịp thời phát hiện, điều chỉnh các luồng thông tin trái chiều, định hướng dư luận, góp phần giúp nhân dân khu vực biên giới, hải đảo ổn định tư tưởng, yên tâm phát triển sản xuất, không để xảy ra điểm nóng; tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên chữ thập đỏ và cán bộ, chiến sĩ biên phòng đẩy mạnh thực hiện việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với thực hiện nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng Ðảng.

Mặt trời lên đến đỉnh đầu. Mang theo niềm vui "vừa được chữa bệnh, nhổ răng, vừa được xe đạp cùng cặp sách mới", thằng bé Ksor Hùng vừa đạp chiếc xe mới về, vừa huýt sáo khe khẽ. Ðến đoạn đổ dốc, do chưa quen tay, chiếc xe bon nhanh rồi ngã vật vào bụi cúc dã quỳ ven đường. Thấy đám bạn cười trêu chọc, Ksor Hùng chống chế: "Chúng mày không có xe, bác sĩ cho tao thuốc và bánh, bộ đội còn cho tao xe, chúng mày chỉ được quà bánh mà không có xe mới, hê hê!". Ðám nhỏ thôi cười, Ksor Hùng cũng dựng xe lên, phủi phủi bụi rồi tiếp tục vừa đi vừa huýt sáo. Ðứng trông theo đến khi thằng bé khuất dạng, anh chiến sĩ biên phòng địa bàn người Gia Rai với đôi mắt thăm thẳm nói: "Tội nó, bố nó là thương binh trong chiến tranh biên giới, mãi mới lấy vợ rồi mãi mới sinh ra nó oặt ẹo. May mà đoàn hôm nay giúp nó cái xe, để nó học chăm hơn mà".

Ðại tá Tô Danh Út cho hay, các năm qua, Hội Chữ thập đỏ và Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh đã thực hiện trên địa bàn biên phòng thành phố và các tỉnh biên giới Tây Nguyên, Tây Nam nhiều công trình dân sinh, nhiều chương trình an sinh xã hội với tổng giá trị hơn
12,6 tỷ đồng, bao gồm các công việc rất gần dân, dân rất cần như: tặng quà gia đình chính sách, tặng bồn chứa nước inox cho dân giữ rừng, tặng hộp thuốc sơ cấp cứu cho thuyền viên, xây tặng cầu giao thông nông thôn, tặng nhà tình thương; trao tặng xe đạp, học bổng, thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo; và đặc biệt là hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho 3.526 lượt người. Qua khám bệnh kèm theo siêu âm, đo điện tim, điện não đồ, test nhanh ung thư, test tiểu đường, còn phát hiện và hướng dẫn nhiều người bệnh nặng đến các cơ sở y tế ở TP Hồ Chí Minh để khám chuyên sâu. Và qua các chuyến khám, chữa bệnh, còn vận động được hàng trăm lượt cán bộ, hội viên, chiến sĩ hiến máu cứu người. Hai bên còn tổ chức nhiều chuyến công tác xã hội đến nước bạn Campuchia, Lào với các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, cấp thuốc cho 2.706 lượt người với trị giá hơn một tỷ đồng.

Nắng đã ngả sau chân núi Chư Prông. Khoảnh sân của UBND xã cũng đã vắng bóng người. Ðâu đó phía bìa rẫy khoai mì, lửa đang được nhóm lên, rượu ghè đã đặt sẵn mươi chóe với những chiếc cần cong vít xuống. Ngày làm việc của biên phòng và bác sĩ đã kết thúc tại xã nhưng ngày vui mừng nhà mới của bà Siu Lem chỉ mới bắt đầu. Ai cũng khen nhà bà Lem đẹp, lại rộng và mát. Bà Siu Lem thì nói nhờ trai làng bỏ công dựng nhà miễn phí, nhờ biên phòng và bác sĩ vận động, thì nhà tài trợ là Tổ chức Giáo dục Adam Khoo Education mới về làng cho bà căn nhà. "Giờ thì mát mẻ rồi, hết sợ mưa bão rồi, cảm ơn cái biên phòng và cái bác sĩ, cảm ơn làng, cảm ơn tất cả, cảm ơn Giàng", bà Siu Lem cười mà rưng rưng giọng. Cả cuộc đời quanh quẩn nơi biên giới, bên bóng núi Chư Prông, dù được Nhà nước hỗ trợ các chế độ, nhưng một căn nhà khang trang, với bà và bà con trong làng, là rất khó!