Olga Berggoltz

Tuổi trẻ

LTS - Văn học Nga - Xô-viết nói chung và thi ca Nga nói riêng có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần và thẩm mĩ nhiều thế hệ độc giả Việt Nam. Từ đây tỏa ra ánh sáng thiên nhiên, tâm hồn, tri thức, lòng yêu nước, yêu hòa bình, tinh thần quốc tế vô sản và những giá trị Xô-viết cao cả. Nhiều bài thơ, áng văn đã trở thành hành trang không thể thiếu của những người lính Việt trên đường ra trận; bồi đắp lý tưởng và đánh thức khát vọng nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, xin giới thiệu một chùm thơ của các nhà thơ Nga tiêu biểu và quen thuộc với độc giả Việt Nam.

Nếu rồi đây tôi cất tiếng ngợi ca người

tôi sẽ gọi người là cô bạn hiền yêu quý,

tuổi thanh xuân đã qua đi thầm thĩ

nhanh nhẹn bước chân thanh thoát tay mềm.

Ôi mê hồn rặng anh đào dại ngoại ô hiền,

trụ sở quận đoàn trong hàng giậu ướt,

bên những bức tường nghĩa trang tiếng ghi-ta trầm mượt,

nấp trong mỗi bụi cây những vì sao đợi chờ.

Không thể bỏ đi, không thể lẩn tránh, không thể đem cho

gánh nặng ấy những tội tình trẻ dại,

cảm nhận về số phận mình dữ dội

rất giống như niềm hưng phấn tuyệt vời.

Người thấp thoáng khắp nơi, ơi số mệnh cuộc đời

trên biểu ngữ thời chiến màu vàng ố,

trong to tát đùng đoàng một từ “chiến đấu”,

trong nỗi cô đơn ngắm cảnh chiều tàn.

Những cây dương mùa xuân bông mềm mại vô vàn,

những thao thức ban đêm không gì cưỡng nổi,

buổi bình minh đất trời sao gần gũi!

mà bạn bè thân yêu quá lại xa...

Còn tình yêu? Như ánh sáng và khí trời đâu mới lạ,

như hơi thở giản đơn - luôn ở bên người

tình chẳng hết mà cũng không lối thoát,

ôi chiếc cánh tình yêu xanh thẳm chơi vơi!

Nếu rồi đây tôi cất tiếng ngợi ca người

tôi sẽ gọi người là cô bạn hiền yêu quý,

tuổi thanh xuân đã qua đi thầm thĩ

nhanh nhẹn bước chân thanh thoát tay mềm...

(Thụy Anh dịch)

N.Rubtsov

BẠCH DƯƠNG

Tôi yêu thích khi bạch dương xáo động

Lá bạch dương lả tả bứt rời cành

Tôi nghe bỗng rưng rưng lệ bỏng

Lại tràn mi đôi mắt đã dửng dưng

Tất cả lại dậy về trong ký ức

Lại bồn chồn trong huyết quản, trong tim

Bỗng có gì sướng vui và đau khổ

Như có ai thủ thỉ một niềm thương

Chỉ có điều chuyện đời thường lấn át

Gió tháng ngày ảm đạm xáo trộn lòng

Bởi trên mộ người mẹ tôi yên giấc

Cũng rì rào xáo động một bờ dương

Ðạn đã giết cha tôi trong chiến tranh

Mà bên nhà cạnh bờ rào trong xóm

Mùa lá rụng cũng rì rào, xáo động

Như tiếng ong cùng gió thổi, mưa dầm

Ôi nước Nga, yêu biết mấy bạch dương

Tôi ra đời và lớn lên cùng chúng

Bởi vì thế mà lệ trào nóng bỏng

Ðẫm bờ mi đôi mắt đã dửng dưng.

(Thúy Toàn dịch)

K.Simonov

TẶNG ÐỒNG CHÍ TỐ HỮU, NGƯỜI DỊCH “ÐỢI ANH VỀ”

Tôi biết rằng ở đây bài thơ tôi đã sống

Trong lời dịch tuyệt vời của anh

Và sẽ sống, khi người vợ còn phải đợi

Những người đang hành quân

Một phần tư thế kỷ rồi

Súng nổ còn cứ nổ

Và những người vợ góa vẫn đi thăm mộ

Ðợi chờ những người sống, bài thơ tôi

Còn sống trong lời thơ anh dịch tuyệt vời

Trên con đường dài đến tự do độc lập

Tôi mong năm tháng ấy đến mau

Khi thơ cũng như người kết thúc cuộc hành quân

Trong lời dịch của anh

Mong ngày đó, khi không ai phải đợi

Những người từ tiền phương trở lại

Và thanh bình trong thiên nhiên

Thơ của tôi, thở phào êm ái

Sẽ chết

Trong lời dịch tuyệt vời của anh.

(Hoàng Trung Thông dịch)

E.Evtushenko

NGƯỜI NGA CÓ MUỐN CHIẾN TRANH KHÔNG?

Người Nga có muốn chiến tranh không?

Xin bạn hãy hỏi bầu trời yên tĩnh

Trên bao la luống cày và những cánh đồng

Những hàng dương liễu với bạch dương

Xin hãy hỏi bao người lính ấy

Ðang yên nằm dưới gốc bạch dương

Và hãy nghe cháu con họ nói

Người Nga có muốn chiến tranh không?

Những người lính ngã xuống trong chiến tranh

Ðâu chỉ vì riêng Tổ quốc mình

Vì hết thảy mọi người trên trái đất

Ðược đêm đêm ngon giấc

Trong tiếng xạc xào của lá cây và những tờ áp-phích

Những New York, Paris đang yên ả giấc nồng

Xin hãy để những cơn mơ lên tiếng

Người Nga có muốn chiến tranh không?

Vâng, chúng ta biết cách cầm vũ khí

Nhưng chẳng muốn bao người chiến sĩ

Lại một lần lao vào chiến chinh

Trên dải đất đai phiền muộn của mình

Xin bạn hãy hỏi bao bà mẹ

Xin bạn hãy hỏi vợ tôi kia

Và khi đó, bạn ơi, phải hiểu

Người Nga có muốn chiến tranh không?

(Anh Ngọc dịch)