Thời gian và sự tồn tại nhân bản trong thơ Trương Đăng Dung

TRƯƠNG ĐĂNG DUNG TIẾP XÚC VỚI VĂN HỌC PHƯƠNG TÂY TỪ RẤT SỚM, ÔNG ĐÃ TRUYỀN THỤ TRI THỨC CHO BAO THẾ HỆ HỌC TRÒ. ĐẾN KHI ÔNG CẦM BÚT VIẾT NÊN THƠ THÌ ĐÓ LÀ NHỮNG VẦN THƠ CHẮT LỌC TỪ CON TIM VÀ KHỐI ÓC CỦA MỘT NGƯỜI SUỐT ĐỜI LÀM NGHỆ THUẬT.

Thời gian và sự tồn tại nhân bản trong thơ Trương Đăng Dung

Nhận xét về tập thơ kỷ niệm tưởng tượng Trương Đăng Dung, (NXB Những của Thế giới in năm 2011, NXB Văn học tái bản năm 2014), nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy cho rằng: “Thơ Trương Đăng Dung là thơ thời gian, thời gian ở bên trong con người, thời gian là chính con người, so với thời gian Thơ Mới là thời gian ở ngoài con người, và Trương Đăng Dung là con người của hiện tại”. Đó là một phát hiện chính xác về tập thơ.

Qua tập thơ này, nhà thơ Trương Đăng Dung bộc lộ những suy tư về thời gian và cuộc đời, qua số phận, sự sống, tình yêu và sự tồn tại của con người. Thời gian nuôi nấng mọi vật, bao bọc, ôm chứa mọi vật, và cũng đẩy vạn vật đến sự lụi tàn. Anh không thấy thời gian trôi, điệp khúc ấy của tập thơ đã dẫn tới nỗi buồn và niềm luyến tiếc sâu xa đối với tồn tại.

Hai mươi lăm bài thơ trong Những kỷ niệm tưởng tượng gom góp được tư tưởng, tình yêu và nỗi đau của một đời thơ Trương Đăng Dung. Tập thơ ám ảnh, bàng bạc một nỗi buồn day dứt, khắc khoải, bất an về thân phận con người. Cái thật nhất, chân thực nhất là cái nằm sau hiện thực, là cái linh hồn của mọi vật nằm sâu trong bản thể.

Thơ Trương Đăng Dung riêng biệt ở chỗ, nó định vị sự tồn tại, thấu hiểu và đi qua sự tồn tại để đến với chung cuộc. Đồng thời là sự cảnh báo với con người về cuộc đời ngắn ngủi và tàn bạo, để ta biết sống cho đúng nghĩa con người. Điểm nhìn nghệ thuật của ông thật độc đáo, tâm thế ông luôn đứng bên ngoài con người, nhưng lại là chính con người để nhìn nhận và đồng hành cùng cuộc sống. Ngôn từ chắt lọc, giản dị, biểu cảm, chân thật và tinh tế.

Một khía cạnh rất nhỏ nhưng có giá trị và rất đáng chú ý trong tập thơ là đề tài tình yêu. Trương Đăng Dung là một nhà thơ rất đa tình và tinh tế. “Anh chiếm chỗ bóng đêm” theo tôi là một bài thơ tình hay.

Anh nghe bóng đêm tan trên cơ thể em

bóng đêm chạy trốn.

Những khoảnh khắc trong đêm

những đường cong như sóng vươn về phía trước

hơi thở như gió đắm say và gấp gáp.

sâu lắng và bí ẩn.

Con người sống bằng các tế bào mà tổ tiên truyền lại, cưu mang trong mình nòi giống, đam mê, tình yêu. Nhưng tình yêu chỉ hoàn thiện khi có được anh và em, nếu thiếu khuyết đi một, nhầm lẫn đi một, thì tình yêu không còn. Một tình yêu như thế là tuyệt diệu, nhưng ở đây nhà thơ đặt nó trong thời gian, thiên nhiên tàn nhẫn, tình yêu hiện sinh mà không thắng được cái hữu hạn đời người. Cho dù, cuộc đời là hữu hạn, con người vẫn ham muốn và khao khát được chiếm hữu tình yêu, vẫn tin vào sự tồn tại, vẫn đấu tranh không ngừng nghỉ để chiến thắng tàn phai và cái chết.

Cái gợi sự chú ý trong thơ Trương Đăng Dung chính là tứ. Cái tứ sâu xa, sắc sảo, chân thành, thành khẩn với chính mình, đối thoại với chính mình và muốn loan truyền cùng thế giới thông điệp hãy yêu thương để cứu lấy sự tồn tại. Tên tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng, có thể từ thời gian hiện tại, ta tưởng tượng ra những kỷ niệm; có thể những kỷ niệm đã từng diễn ra trong quá khứ của ta cũng chỉ là tưởng tượng mà thôi. Từ đó, nó có muôn vàn nghĩa. Đây là sự suy tưởng trên cái nền thời gian về sự tồn tại của con người theo chiều dài của thời gian, sự sống. Dòng thời gian lặng lẽ, thiên nhiên vô tư, trong khi đó tình yêu là bến bờ cho con người nương tựa để đi qua hành trình thống khổ, đến với cái chết.

Trương Đăng Dung viết rất sâu đậm về thân phận con người. Về mặt nào đó, tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng như là một lời tự vấn, hoài nghi, đi sâu vào tâm hồn, trưng bày cuộc đời dở dang, sự tồn tại, như ảo ảnh. Câu hỏi không mệt mỏi về sự tồn tại đã tạo ra nội dung, môi trường và phong cách của tập thơ.

Hình ảnh trong tập thơ rất gần gụi và chân thành xuyên suốt, ngôn từ chắt lọc tinh tường, thấm đẫm chân thiện mỹ. Bài thơ Những kỷ niệm tưởng tượng là một trong những bài thơ hay của Trương Đăng Dung. Trong cơn đi vô định của con người, ngoài thân phận họ chẳng còn gì nữa cả.

Đêm đầu tiên ta nghe những tiếng động đầu tiên

những chú chuột ăn cắp tã vá của ta làm áo choàng

vào bệnh viện

chúng sờ lên mặt ta tìm môi ta liếm liếm

rồi chúng ra đi, ta hồi hộp nằm chờ...

Trên tất cả là một tình yêu thiết tha đối với cuộc sống:

Kìa hoàng hôn rạng rỡ mặt trời

kìa đồng cỏ phập phồng ngực thở

em đã đến thổi màu vào ngọn lửa

ba mươi năm hay ba triệu năm rồi…

(Ba mươi năm hay ba triệu năm rồi)

Trong những vần thơ Trương Đăng Dung, ta thấy hiện lên rất nhiều vết thương, xương máu, tội ác của con người; ta thấy nỗi buồn nỗi đau của tồn tại; thấy con người Trương Đăng Dung rất kiêu hãnh nồng nàn trong một tình yêu rộng lớn là tình yêu đối với con người. Thơ ông là hiện sinh tư duy và tồn tại, nhưng ông không ảo tưởng mộng mơ về thế giới bên kia. Đôi khi thơ ông chân thực hiền lành như một lời khuyên nhủ với bạn bầu.

Con người tác giả luôn suy tư đi tìm chân lý, luôn đứng trên tầm cao tư duy để nhìn về cuộc sống, thương yêu con người, thông cảm, chia sẻ, đồng hành với con người, hướng dẫn cho con người, bằng sự trải nghiệm, hiểu biết và nỗi đau của chính mình. Tập thơ xuất hiện nhiều hình ảnh, nhiều liên tưởng đến độ phi lý, khó hiểu, như một bức tranh sinh động bởi màu sắc, đường nét, ngôn từ nghệ thuật. Những cảm nhận rất chân thực song cũng rất cao xa về cuộc sống và thân phận con người, với tấm lòng hiền từ, dịu dàng. (Tôi thức với trái tim/những ý nghĩ lang thang trong lồng ngực/không còn đủ sức/chạy theo con tàu - Đêm ở Rôma). Có thể trong ngàn vạn bối cảnh, con người vẫn không hiểu nhau và cô đơn trong thời gian tuyệt cùng (Nơi thi sĩ đến). Cuộc đời và nghệ thuật là một màn trình diễn tương đối và phi lý của con người trong cuộc tồn tại. Thơ Trương Đăng Dung đã hé lộ nhiều bí mật đắng cay của tồn tại, để hòa vào tâm thức bất an của thời đại. Thế giới tự do vô biên về tinh thần con người, nên rất bấp bênh và đầy rẫy nguy cơ. Cuộc sống là những thỏa thuận, thỏa hiệp, mở ra ngàn vạn con đường. Người ta sống được vì thỏa thuận với cuộc đời, với con người và thỏa thuận với chính mình để sống và triển khai cuộc sống (Thỏa thuận). Hai mươi lăm bài thơ là hai mươi lăm mệnh đề tỏa ra muôn vàn đường hướng, muôn vàn ý nghĩa, tạo ra một phong cách thơ Trương Đăng Dung.

Những kỷ niệm tưởng tượng được giới chuyên môn và bạn đọc đánh giá cao về sự độc đáo trong bút pháp và sáng tạo. Và mới đây tác phẩm và dư luận đã được Nhà xuất bản Văn học tập hợp và ấn hành, bao gồm những bài viết mới nhất về tập thơ nói trên. Nó chứng tỏ một điều rằng, không phải bạn đọc thờ ơ với thơ, mà quả thực là chúng ta đang cần và đang thiếu những tập thơ hay.