Vẫn gian nan với mục tiêu Olympic

Nhằm tuyển chọn vận động viên (VĐV) xuất sắc để tập trung huấn luyện, chuẩn bị tham gia thi đấu SEA Games 31 ở Việt Nam và Olympic Tokyo vào năm 2021, Giải Điền kinh vô địch quốc gia 2020 đã khép lại thành công trên sân vận động Mỹ Đình với sự tham gia của 458 VĐV tranh tài ở 50 nội dung.

Nguyễn Thị Oanh (số 22) và Phạm Thị Hồng Lệ (số 49) cùng phá kỷ lục quốc gia ở cự ly 10.000 m nữ.
Nguyễn Thị Oanh (số 22) và Phạm Thị Hồng Lệ (số 49) cùng phá kỷ lục quốc gia ở cự ly 10.000 m nữ.

1. Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều giải đấu thể thao trong nước và quốc tế buộc phải tạm hoãn. Công tác tuyển chọn, tập luyện và đào tạo VĐV cũng vì thế gặp vô vàn khó khăn. Ở bộ môn điền kinh, không nhiều “chân chạy” có cơ hội được tham gia thi đấu, cọ xát. Chính vì vậy, Giải Điền kinh vô địch quốc gia 2020 được xem như một trong những sự kiện thể thao lớn của đất nước, là bệ phóng cho mục tiêu giành từ 17 đến 19 Huy chương vàng (HCV), nhằm giữ vững ngôi nhất toàn đoàn của Điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31.

Ông Dương Đức Thủy, Trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục Thể dục - Thể thao), chia sẻ: “Năm nay, dịch bệnh đã làm đảo lộn tất cả kế hoạch. Phải đến giải này, các VĐV trong nước mới được tham dự đầy đủ. Đây là cuộc thi quan trọng để kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo của các địa phương và quan trọng hơn hết chính là phong độ của các VĐV, nhất là những cá nhân ưu tú của đội tuyển. Bên cạnh đó, điền kinh Việt Nam cũng có thêm cơ hội tuyển chọn các tài năng trẻ xuất sắc để tập trung đào tạo, chuẩn bị tham gia thi đấu các giải đấu lớn như SEA Games 31 trên sân nhà và Olympic Tokyo vào năm 2021”.

Đã rất lâu rồi kể từ năm 2012, Giải Điền kinh vô địch quốc gia mới trở lại địa điểm thi đấu quen thuộc. Không chỉ tạo điều kiện giúp các VĐV cọ xát nâng cao trình độ, sự kiện lần này cũng nhằm kiểm tra chất lượng đường chạy tại sân vận động Mỹ Đình. Nơi đây sẽ là “trái tim” của Đại hội thể thao khu vực, khi được chọn để tổ chức lễ khai mạc, thi đấu môn điền kinh cùng các lượt trận bán kết, chung kết môn bóng đá nam. Dự án nâng cấp, sửa chữa Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình là hạng mục quan trọng nhằm chuẩn bị cho công tác đăng cai kỳ SEA Games 31 tới.

2. Năm nay, hầu hết các “đầu tàu” điền kinh vẫn thể hiện được sự vượt trội, phong độ cao cùng bản lĩnh thi đấu xuất sắc của mình. Lê Tú Chinh, Nguyễn Thị Oanh hoàn tất giải đấu thành công rực rỡ với lần lượt năm và bốn HCV. Nguyễn Văn Lai tiếp tục thống trị ngôi vô địch đường chạy nam ở cự ly 5.000 m và 10.000 m. 

Bên cạnh đó, nhiều tài năng trẻ đã tạo nên những cuộc lật đổ ngoạn mục. Ở cự ly 1.500 m nam, nhà vô địch SEA Games 30 Dương Văn Thái đã vuột mất HCV vào tay Trần Văn Đảng (Hà Nội). Nội dung 400 m nữ cũng bất ngờ chứng kiến Nguyễn Thị Huyền kết thúc ở vị trí thứ hai với khoảnh khắc Quách Thị Lan nỗ lực bứt tốc để rồi phải nằm sân sau vạch đích. Gương mặt 17 tuổi Phùng Thị Huệ cũng gây ấn tượng khi liên tiếp vượt qua nhiều đàn chị như Lê Thị Mộng Tuyền, Nguyễn Thị Oanh. Tất cả đều là những nhân tố mới bổ sung nguồn lực đáng kể cho Đội tuyển quốc gia (ĐTQG) hướng tới SEA Games 31.

Ba kỷ lục quốc gia mới được thiết lập. Ngoạn mục nhất phải kể đến VĐV Nguyễn Thị Oanh khi cô gái quê Bắc Giang phá sâu kỷ lục cũ ở đường chạy 10.000 m nữ dù không phải cự ly sở trường. Thành tích 34 phút 08 giây 54 của Oanh nhanh hơn kỷ lục cũ do đàn chị Trúc Vân lập năm 2003 (34 phút 48 giây 28) tới gần 40 giây. Trong trận chung kết, VĐV Phạm Thị Hồng Lệ (Bình Định) dù xuất sắc về đích với thành tích 34 phút 39 giây 61 nhưng chỉ đành ngậm ngùi giành tấm HCB.

3. Mặc dù vậy, vẫn còn đó sự loay hoay trong câu chuyện sắp xếp nội dung thi đấu và căn bệnh thành tích ở mỗi địa phương. Theo danh sách đăng ký tại giải lần này, các VĐV trọng điểm tham dự rất nhiều nội dung. Điều này đi ngược lại mong muốn của ĐTQG khi chỉ chú trọng đầu tư cải thiện ở một số nội dung sở trường. Vấn đề cố hữu này cũng là nguyên nhân khiến sức lực của các VĐV bị bào mòn cũng như tăng nguy cơ chấn thương cho các “chân chạy”.

Bên cạnh tham vọng giữ vững ngôi nhất toàn đoàn tại SEA Games 31 trên sân nhà, điền kinh Việt Nam đang hướng tới mục tiêu giành vé tham dự Olympic Tokyo trong năm tới. Tuy nhiên, thành tích của các VĐV điền kinh hàng đầu Việt Nam còn khá xa so chuẩn Olympic. Lúc này, niềm hy vọng lớn nhất đã hướng về nội dung tiếp sức hỗn hợp 4 x 400 m khi các thành viên ĐTQG chỉ cần vươn lên một bậc nữa (top 16 đội mạnh nhất thế giới) là có thể góp mặt tại Olympic Tokyo. 

HLV Nguyễn Thị Bắc, người dẫn dắt tổ 400 m, chia sẻ: “Qua Giải vô địch quốc gia 2020, thông số của Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Hằng đã tốt hơn SEA Games năm ngoái, hai bạn nam Trần Nhật Hoàng và Trần Đình Sơn cũng tương đối ổn định. Từ nay đến ngày 5-7-2021, tôi nghĩ các em hoàn toàn có thể bứt phá khỏi vị trí thứ 17 để giành vé tham dự Thế vận hội”.