Nhìn từ ASIAD 2018

Sau niềm vui còn nhiều trăn trở

Dù để vuột tấm Huy chương đồng (HCĐ) đầy nuối tiếc ở môn bóng đá nam, song có thể khẳng định: Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) đã có một kỳ ASIAD thành công, với nhiều thành tích, gương mặt đột phá. Tuy nhiên, cùng đó còn là những thất bại, bước lùi, thậm chí sự tụt hậu ở một số tuyển thủ xuất sắc, nội dung hay môn thi từng là thế mạnh. Đây là những vấn đề cần được nhìn nhận và phân tích, mổ xẻ một cách nghiêm túc.

VĐV Nguyễn Văn Trí - HCV pencak silat hạng dưới 95 kg.
VĐV Nguyễn Văn Trí - HCV pencak silat hạng dưới 95 kg.

Hai kỳ Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) trước, Đoàn TTVN đều chỉ giành được vỏn vẹn 1 HCV. Lần này, thành tích đã nhân lên gấp bốn lần. Nhưng quan trọng hơn, lần đầu tiên, hai trong số 4 HCV là ở hai môn có trong chương trình thi đấu Olympic: điền kinh và rowing. Trong đó, kỳ tích của Bùi Thị Thu Thảo trên hố nhảy xa có thể coi như một cột mốc lịch sử. Bên cạnh đó, Đoàn TTVN cũng có bước tiến rõ rệt cả về số đầu môn, số tuyển thủ, số huy chương, cả chất và lượng so với các kỳ Đại hội trước.

Ngoài tấm HCV nhảy xa lịch sử của Bùi Thị Thu Thảo, điền kinh Việt Nam còn có một kỳ ASIAD rực sáng, với 1 HCB cùng 2 HCĐ nữa. Trong khi đó, bất chấp việc Ánh Viên thất bại, bơi Việt Nam vẫn tạo dấu ấn mới với một hiện tượng gây chấn động châu lục: Nguyễn Huy Hoàng. Kình ngư 18 tuổi ấy, ngay lần đầu tham dự đã giành được 1 HCB, 1 HCĐ.

Một điểm nhấn đặc biệt ở kỳ Đại hội này chính là hành trình lọt vào tới tận bán kết của đội tuyển (ĐT) bóng đá Olympic. Trận tranh hạng ba, các học trò của HLV Park Hang Seo đã chỉ chịu thua trong loạt sút luân lưu, sau một màn trình diễn có thể nói là trên chân đối thủ Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE). Lứa cầu thủ trẻ chất lượng, được đào tạo bài bản, giàu khát vọng, đầy triển vọng về kỹ - chiến thuật ấy đã thật sự đưa bóng đá Việt Nam nâng tầm, tạo nên niềm cảm hứng và sức lan tỏa đặc biệt đối với người hâm mộ.

Đó là những thành quả mang tính kết đọng của sự chuyển hướng chiến lược với một nhận thức rõ ràng được triển khai mạnh mẽ từ nhiều năm nay: Phân cấp và tập trung cao cho các môn Olympic giàu tiềm năng.

Nhưng, cũng còn đó những dấu ấn không mấy vui vẻ.

Xạ thủ vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh, siêu kình ngư Ánh Viên, tài năng trẻ đang lên Lê Tú Chinh đều đã thất bại (thậm chí là thảm bại). Nhiều “niềm hy vọng vàng” khác như võ sĩ wushu Dương Thúy Vi, võ sĩ karatedo từng vô địch cúp thế giới Nguyễn Thị Ngoan, quán quân xe đạp Nguyễn Thị Thật cũng đã gây thất vọng tại ASIAD. Hiện tượng này một lần nữa phơi bày các điểm yếu trầm trọng trong khâu đào tạo, chuẩn bị và dự báo của ngành thể thao.

Cũng chưa có kỳ ASIAD nào nhóm các môn võ (ngoại trừ pencak silat lần đầu được đưa vào chương trình), lại tụt hậu cả về thành tích lẫn nền tảng như lần này, điển hình như taekwondo. Môn võ từng là thế mạnh số 1 của TTVN tại đấu trường ASIAD thậm chí không đoạt nổi huy chương nào ở nội dung đối kháng.

Dù số HCV tăng gấp bốn so với hai kỳ Đại hội trước, Đoàn TTVN cũng chỉ tiến được vài bậc trên bảng xếp hạng, vẫn chỉ đứng thứ 17 toàn đoàn. Chúng ta vẫn còn nằm ở nhóm trung bình khá, kém xa nhóm dẫn đầu, thậm chí còn đang đứng trước nguy cơ ngày càng tụt hậu. Nhìn nhận một cách sòng phẳng, nếu không có sự xuất hiện lần đầu của môn pencak silat, Đoàn TTVN sẽ chỉ có 2 HCV. Chưa kể, tấm HCV rowing, ngoài tài năng nỗ lực phi thường của các tuyển thủ, phần nào đó còn mang dấu ấn may mắn khi tránh được đối thủ vượt trội Trung Quốc.

Có thể thấy, TTVN vẫn chưa hội đủ các yếu tố để phát hiện, lựa chọn, tạo nên những ứng viên vô địch gắn với một số nội dung, môn thế mạnh, có thể tranh chấp ngôi đầu sòng phẳng trước mọi đối thủ và tình thế. Thất bại tâm phục khẩu phục của Thạch Kim Tuấn ở hạng 56 kg môn cử tạ đã cho thấy sự thật phũ phàng về “những niềm hy vọng vàng” theo kiểu 50-50, hay 40-60, và thấp hơn.

Hành trình thay đổi và vượt ngưỡng vẫn mới chỉ ở chặng xuất phát.

Phó Tổng Cục trưởng TDTT Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn TTVN tại ASIAD 2018.

Qua ASIAD 2018, những người làm thể thao cũng đã hiểu rõ mình đang ở đâu và cần phải làm gì. Thể thao Việt Nam sẽ phải phấn đấu nhiều hơn nữa, phải tiếp tục đổi mới quyết liệt hơn nữa mới có thể nâng cao vị thế, thành tích, tránh nguy cơ tụt hậu ở đấu trường đỉnh cao châu lục. Chúng ta phải đầy nỗ lực và rất khó khăn mới giành được 4 HCV mà cũng chỉ có thể đứng thứ 17, đủ biết mặt bằng trình độ của các nước, nhất là nhóm dẫn đầu và nhóm hai, cao như thế nào.

Ngay sau đây, ngành thể thao sẽ xác lập một kế hoạch tổng thể, dài hạn, với các giải pháp đột phá để chuẩn bị cho ASIAD 2022, liên thông với Olympic 2020. Chắc chắn, chuyện lựa chọn môn, nội dung, VĐV trọng điểm và cách đầu tư trọng điểm sẽ phải thay đổi từ căn bản.