Khổ như... “săn vàng” Asiad

Với cánh phóng viên thể thao Việt Nam, mỗi ngày đi “săn (huy chương) vàng” tại ASIAD là một trải nghiệm đáng giá. “Có vàng mắt thì vẫn cứ phải săn bằng được”, bởi khi VĐV Việt Nam bước lên đỉnh cao châu lục trong âm hưởng hùng tráng của bài Tiến quân ca, đó chính là khoảnh khắc đẹp nhất không thể bỏ lỡ.

Khổ như... “săn vàng” Asiad

Tấm HCV “mở hàng” cách 400 km

Những ngày thi đấu chính thức đầu tiên của ASIAD 2018, các phóng viên Việt Nam tủa đi khắp nơi, người di chuyển gần 100 km theo đội tuyển bóng đá, người theo các môn võ, bơi lội… Và mỗi khi có một “niềm hy vọng vàng” nào đó thi đấu, tất cả tập trung rất đông để chờ đợi khoảnh khắc “mở hàng” HCV cho Đoàn TTVN.

Thế nhưng, sân chơi ASIAD đã ngày càng trở nên khắc nghiệt. Năm ngày liên tiếp, hàng loạt niềm hy vọng trắng tay. Cuối cùng, “cơn khát vàng” cũng được giải tỏa, nhờ đội tuyển (ĐT) rowing nữ. Nhưng, thiệt thòi cho các VĐV và cả phóng viên, khoảnh khắc phi thường ấy diễn ra ở môn thi đấu không được đánh giá cao, và đặc biệt là rất xa thủ đô Jakarta. Cách tới 400 km, nên chỉ có vài phóng viên Việt Nam có mặt.

Dẫu vậy, bằng cách này hay cách khác, những hình ảnh, không khí, cảm xúc của tấm HCV đầu tiên của “bốn cô gái vàng rowing” vẫn tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng đêm đó và sáng hôm sau.

Nhịn đói chờ điền kinh, mất ngủ với pencak silat

Tối 27-8, “cơn khát vàng” của giới truyền thông Việt Nam mới thật sự được giải tỏa, với cú nhảy xa 6 m 55 của Bùi Thị Thu Thảo. Đầy đủ hình ảnh, phỏng vấn, các bài ghi nhanh đầy cảm xúc… tuôn trào với nụ cười lẫn nước mắt của cô gái ấy. Thảo đã thét lên: “Tôi làm được rồi!”, và tất cả anh em phóng viên Việt Nam cũng muốn hét lên như thế. Nếu không có những khoảnh khắc kỳ diệu ấy, chuyến vượt biển này có lẽ cũng có thể xem là phí hoài.

Ngày 29-8, pencak silat có 8 trận chung kết (2 biểu diễn, 6 đối kháng). Gần như toàn bộ các phóng viên Việt Nam tụ họp về nơi ấy, để chứng kiến tấm HCV thứ ba của Đoàn TTVN. Cuộc thi đấu diễn ra từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều, hết nội dung này đến nội dung khác, khiến các phóng viên Việt Nam không có thời gian để đi ăn hay tranh thủ giải lao.

Sự kiên nhẫn cuối cùng cũng được đền đáp. Nguyễn Văn Trí (hạng dưới 95 kg) và Trần Đình Nam (dưới 75 kg) đem về 2 HCV trong niềm vui bùng nổ của tất cả những người Việt Nam có mặt tại nhà thi đấu. Trí đã đổ máu, còn Nam bật khóc. Đó đều là những ký ức không thể nào quên, cho một lần “dấn thân theo nghề” cũng không thể nào quên.

ĐT bóng đá nam Olympic Việt Nam không có huy chương ASIAD, nhưng với các phóng viên Việt Nam, theo chân thầy trò HLV Park Hang Seo gian khổ hơn bất cứ môn thi đấu nào. Các phóng viên đã phải di chuyển hàng trăm km mỗi ngày, phải tìm các địa điểm thi đấu, tập luyện trong tình trạng tắc đường thường xuyên, chưa kể có không ít lần bị “việt vị” vì Ban tổ chức bất ngờ thay đổi nơi ở của thầy trò HLV Park Hang Seo.