Khi “chạy phủi” lấn sân chuyên nghiệp

Đối với các VĐV “phủi” bây giờ, đường chạy không chỉ còn là những cuộc dạo chơi như trước. Cũng như các VĐV chuyên nghiệp, VĐV nghiệp dư đầu tư rất nhiều công sức, thời gian, tài chính… để cải thiện thành tích và theo đuổi đam mê. Chỉ sau vài năm, khoảng cách giữa VĐV chuyên nghiệp và nghiệp dư dường như đã và đang thu hẹp đáng kể. Hiện thực đó được thể hiện rõ ở giải Việt dã toàn quốc (tổ chức tại Đác Lắc) vừa qua.

Khi “chạy phủi” lấn sân chuyên nghiệp

Từ chuyện một người phụ nữ hiếm có…

Buôn Ma Thuột những ngày cuối tháng Ba trời đẹp, không có mưa, nhiệt độ rất mát mẻ - điều kiện lý tưởng với một cuộc thi chạy. Bởi thế, giải Việt dã toàn quốc năm nay chứng kiến số lượng VĐV đăng ký đông kỷ lục. Điều đặc biệt là ở nội dung “khó nhằn” nhất - marathon (42,195 km) vốn trước đây chủ yếu chỉ VĐV chuyên nghiệp tham dự, thì năm nay các VĐV nghiệp dư có số lượng áp đảo. Năm ngoái, tổng cộng chỉ có 24 VĐV marathon tham gia. Năm nay, số lượng đã tăng gấp gần sáu lần, trong đó số chân chạy nghiệp dư lên tới 120 người. Các VĐV phủi hầu hết đều sinh hoạt theo CLB, để có sự hỗ trợ, học hỏi lẫn nhau.

Nói là “phủi”, nhưng không ít HLV ở đội tuyển quốc gia cũng phải thừa nhận: “Các VĐV chuyên nghiệp còn không bằng”. Hầu hết các VĐV nghiệp dư đều có khả năng tự trang bị kiến thức về chạy cho mình, tự trang bị dụng cụ thi đấu, trong khi VĐV chuyên nghiệp phải ăn, tập cùng thầy. Và có một thực tế là trong khi VĐV chuyên nghiệp thường giải nghệ sớm, thì VĐV phủi có những người đã bước gần hết tuổi trung niên vẫn có thể tham gia nội dung marathon.

59 tuổi, VĐV Nguyễn Thị Thanh Bình chính là người cao tuổi nhất trên đường chạy marathon tại giải Việt dã toàn quốc, khiến tất cả đều khâm phục. Ở cái tuổi ấy, việc đủ thể lực để chạy hơn 40km thật sự là rất hiếm có. “Chân chạy” người Hà Nội đã phải giấu chồng đăng ký cuộc thi. Và ở Buôn Ma Thuột, bà đã hoàn thành phần thi chạy 42,195 km của mình với thời gian 5 giờ 31 phút, thừa 29 phút so với thời gian tối đa cho phép, giành HCB. Cần phải nhấn mạnh, đường chạy marathon tại đây, với dốc cao và gió mạnh, là thử thách khó khăn ngay cả đối với các VĐV nam trẻ tuổi.

Tuy nhiên, điều khiến bà Bình hạnh phúc nhất không phải là đi vào lịch sử làng việt dã nước nhà, mà là cảm giác chiến thắng chính mình. Và không chỉ bà, còn rất nhiều VĐV “phủi” nhiều tuổi khác đã tìm thấy niềm vui mới, ngoài “thú điền viên” quây quần với cháu con.

… Tới câu hỏi cho “dân chuyên nghiệp”

Trong vài năm trở lại đây, phong trào chạy đang lớn mạnh với tốc độ chóng mặt. Không chỉ các giải trong nước, VĐV “phủi” Việt Nam đã bắt đầu thử sức ở những giải đấu khắc nghiệt hàng đầu thế giới. Các CLB chạy có số lượng người tham gia đông nhất hiện nay là SRC, VietRunners & Friends và LDR.

Anh Đào Trung Thành, một thành viên nòng cốt của CLB chạy Sunday Running Club (SRC), đã hoàn thành nội dung marathon với kỷ lục cá nhân mới (4 giờ 08 phút) trong lần đầu tham dự giải chạy Việt dã, chia sẻ: “Chạy bộ đã trở thành niềm đam mê và lối sống của một bộ phận không nhỏ người Việt. Bên cạnh niềm đam mê, CLB chạy bộ còn là nơi kết nối, chia sẻ các kinh nghiệm và trải nghiệm trong việc chạy, và thực hiện các công việc từ thiện. Với nhiều người, chạy bộ còn là mài giũa bản thân, kiên trì theo đuổi các thói quen tốt”.

Dù là nghiệp dư, nhưng thông số, thành tích của các VĐV đang khiến giới chuyên môn điền kinh nước nhà cảm thấy lo lắng và suy nghĩ. Tại giải Việt dã toàn quốc vừa qua, VĐV nghiệp dư Chi Nguyễn gây ấn tượng rất mạnh khi đạt thành tích 3 giờ 19 phút 08 giây. Thành tích của nhà vô địch người Việt giải Hochiminh City International Marathon 2017 thậm chí còn xếp trên cả đương kim vô địch quốc gia Hoàng Thị Ngọc Hoa (Bình Phước - 3 giờ 26 phút 05).

Còn nhớ, trước khi diễn ra cuộc thi chạy Việt dã toàn quốc, nhiều HLV của các VĐV chuyên nghiệp lo ngại tình trạng khi thi chung các VĐV nghiệp dư thường hay… selfie (tự chụp ảnh bằng điện thoại), nghĩa là rất “a-ma-tơ”. Thế nhưng, cuối cùng, các VĐV “phủi” vẫn có thể cạnh tranh sòng phẳng với những đối thủ ăn tập chuyên nghiệp. HLV kỳ cựu Bùi Lương (Bình Phước) thừa nhận: Sự cạnh tranh ấy luôn diễn ra bất ngờ và hấp dẫn, bởi trình độ và thực lực của mỗi người không dễ dàng để đoán trước như các VĐV chuyên nghiệp. Ở chiều ngược lại, các VĐV chuyên nghiệp buộc phải nỗ lực hơn, tập luyện chăm chỉ hơn nếu không muốn thua VĐV “phủi”.

Xét cho cùng, sự phát triển mạnh mẽ đến như vậy của một môn phong trào luôn là điều vô cùng đáng mừng cho bất cứ nền thể thao nào. Nhưng, nếu tạm gác lại niềm vui ấy, thì dấu ấn và sự khác biệt đích thực của “dân chuyên nghiệp - đỉnh cao” cũng cần phải được thể hiện rõ nét hơn.

Trong khi VĐV chuyên nghiệp ở Việt Nam chỉ dự giải marathon là cao nhất, thì với các VĐV “phủi”, họ đã bắt đầu thử sức ở những giải “siêu marathon” có quãng đường hơn 100 km, với địa hình núi đá, dốc, vực… Đó thật sự là những thử thách khắc nghiệt không phải ai cũng có thể vượt qua.