Gian nan trước thềm SEA Games 31

Suốt năm 2020 đầy xáo trộn, bắn súng là một trong những môn bị tác động rõ rệt nhất. Ở thời điểm Ðại hội thể thao khu vực (SEA Games) chuẩn bị diễn ra trên sân nhà, các xạ thủ Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu chuyển mình đầy cấp bách.

 Bắn súng Việt Nam tập trung toàn lực hướng tới SEA Games 31.
Bắn súng Việt Nam tập trung toàn lực hướng tới SEA Games 31.

Cúp vô địch bắn súng Thế giới vừa qua là một dấu mốc buồn của bắn súng Việt Nam. Ba xạ thủ, trong đó có niềm hy vọng Trần Quốc Cường, đều đã không thể mang về tấm vé tham dự Olympic. Việc kết quả thi đấu bị ảnh hưởng, đặc biệt do những nguyên nhân khách quan của dịch bệnh, là điều đã được dự tính. Việc thiếu cơ hội cọ xát, chỉ có thể tập bắn "chay", bên cạnh các biện pháp thay thế như các cuộc thi đấu trực tuyến với các liên đoàn trên thế giới chỉ cải thiện được tình thế phần nào.

Trước đây, bắn súng luôn là một trong những ngọn cờ đầu của thể thao Việt Nam, với đỉnh cao là tấm Huy chương vàng (HCV) của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016. Mặc dù vậy, thời điểm từ Asiad 2018 tới SEA Games 2019, sắc vàng lại vắng bóng trên những bảng thành tích môn thể thao mũi nhọn này của chúng ta.

Việc thiếu vắng lực lượng kế cận đủ tốt là vấn đề liên tục được đề cập trong những năm gần đây. Như nhận định của bà Vũ Thị Anh Ðào - phụ trách bộ môn bắn súng Tổng cục Thể dục - Thể thao, ở thời điểm hiện tại, để nhắm tới mục tiêu thành tích, bắn súng Việt Nam vẫn trông chờ vào Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường (nội dung 10 m súng ngắn chậm) và Hà Minh Thành (nội dung 25 m súng ngắn bắn nhanh).

Muốn đào tạo được thế hệ trẻ chất lượng cao cần rất nhiều yếu tố, trong khi bắn súng vẫn chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ. Trường bắn điện tử chỉ mới được thử nghiệm hạn chế tại Trung tâm thể thao quốc gia. Lực lượng các địa phương không có bất kỳ thay đổi nào đáng kể, khi hệ thống các giải đấu trong nước luôn ghi nhận sự vượt trội của đoàn Quân đội và Công an ở những nội dung thế mạnh. Chuyên gia người Hàn Quốc Park Chung Gun khẳng định: "Quá trình huấn luyện một ngôi sao tầm cỡ khu vực hay xa hơn là châu lục cần vô số giờ bắn để trui rèn. Bởi vậy, việc sớm được tập luyện trong trường bắn hiện đại sẽ giúp các VÐV trẻ nhanh chóng bắt nhịp với thể thức thi đấu quốc tế, cũng như cải thiện rõ rệt tâm lý của mỗi cá nhân".

Bản thân bắn súng cũng chưa được xã hội hóa triệt để như nhiều môn thể thao khác. Những khía cạnh đặc thù như dụng cụ tập luyện có giá thành cao khiến việc thành lập các câu lạc bộ trong nước gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự nổi lên mạnh mẽ của đoàn Indonesia cũng như sự xuất sắc của các VÐV Thái-lan khiến kỳ SEA Games 2021 diễn ra trên sân nhà sắp tới tiềm ẩn rất nhiều thử thách.

Theo chia sẻ của huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Thị Nhung, việc chúng ta bảo đảm trọn vẹn các nội dung cơ bản tại Olympic lẫn Asiad sẽ tạo nên sự thông suốt trong quá trình luyện tập và phát triển của các VÐV. Bên cạnh đó, lực lượng trẻ sẽ được sử dụng tối đa tại kỳ Ðại hội này. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh khẳng định sẽ không tham gia SEA Games sắp tới và điều tương tự cũng được Nguyễn Quốc Cường cân nhắc.

Trước mắt, SEA Games 31 dường như sẽ chỉ là "cơ hội thử lửa", nhằm phát hiện những gương mặt triển vọng cho việc đầu tư đường dài. Cụ thể, mục tiêu sắp tới là Việt Nam phải nằm trong nhóm ba quốc gia có thành tích tốt nhất. Với lực lượng bắn súng hiện tại, việc giành từ năm đến sáu HCV không phải là yêu cầu quá khó khăn. Nhiều chuyên gia còn khẳng định: Mức độ này còn vô cùng khiêm tốn. Với số lượng trung bình khoảng 22 nội dung trong các kỳ SEA Games trước đây, xét theo nhiều yếu tố, Liên đoàn bắn súng đang vô cùng thực tế và thận trọng trong các mục tiêu phát triển lâu dài.

Chưa có lực lượng thay thế đủ sức nặng, việc thiếu vắng những xạ thủ kỳ cựu như Hoàng Xuân Vinh sẽ tạo ra khoảng "hẫng" nhất định về thành tích. Ðể tái lập được những kỳ tích khi xưa, bắn súng Việt Nam vẫn cần thêm nhiều thời gian hơn nữa. Cũng cần nhiều sự chuyển mình, nhiều "cửa đột phá" hơn nữa…

Hoàng Duy