Taekwondo Việt Nam hướng tới Olympic 2020

Gian nan đường trở lại

Từng là môn thể thao đầu tiên của Việt Nam giành huy chương ở đấu trường Olympic, nhưng kể từ kỳ Thế vận hội 2000 tới nay, taekwondo chưa thể tái lập được thành tích của mình. Thậm chí, ở kỳ đại hội năm 2016, môn võ mũi nhọn của Việt Nam không có một suất nào vượt qua vòng loại sân chơi lớn nhất hành tinh ấy. Tất cả đang tạo nên áp lực vô cùng lớn với các nhà quản lý, HLV, VĐV trước thềm vòng loại Olympic Tokyo 2020.

Chất lượng VĐV đang là mối lo lớn nhất đối với taekwondo Việt Nam.
Chất lượng VĐV đang là mối lo lớn nhất đối với taekwondo Việt Nam.

Như thừa nhận của Chủ nhiệm bộ môn taekwondo Hà Nội Hồ Anh Tuấn, trên mặt bằng chung, các võ sĩ của Việt Nam đang ở khoảng cách khá xa so các võ sĩ quốc tế. Những thành tích đáng chú ý gần đây chỉ là tấm HCV của Hồ Thị Kim Ngân ở Giải vô địch trẻ thế giới 2016, HCB của Trương Thị Kim Tuyền tại giải VĐTG 2017, HCV ở sân chơi Đại hội sinh viên thế giới 2017… Ngoài đấu trường khu vực, thì ở những sân chơi lớn như ASIAD, Giải vô địch châu Á, Giải vô địch thế giới… các VĐV Việt Nam thường “rơi rụng” ngay từ vòng loại.

Sự đi xuống của môn võ này đã được những nhà quản lý nhìn nhận một cách nghiêm túc. Đặc biệt là ở Olympic 2016, sau 16 năm tham dự, taekwondo đã không có nổi một VĐV nào vượt qua vòng loại. Đó thật sự là một nỗi đau, bởi chính taekwondo lại là môn thể thao đầu tiên giành huy chương ở đấu trường Olympic (HCB của Hiếu Ngân năm 2000).

Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra cho sự đi tụt dốc của taekwondo, từ chuyện trang bị giáp điện tử thiếu đồng bộ, cho đến khâu tuyển chọn - nhằm tìm ra những gương mặt giỏi nhất và chế độ đãi ngộ để VĐV yên tâm theo nghiệp.

Giữa rất nhiều khó khăn, taekwondo Việt Nam vẫn mạnh dạn đặt mục tiêu có ít nhất hai VĐV tham dự Olympic 2020. Một cánh cửa mở ra với môn võ này, là việc nội dung quyền đang được Ủy ban Olympic quốc tế cân nhắc đưa vào chương trình thi đấu ở Olympic. Nếu như các VĐV đối kháng của Việt Nam có trình độ thua kém rất xa so các đối thủ hàng đầu, thì ở nội dung quyền chúng ta lại sở hữu những gương mặt từng nhiều lần giành HCV Giải vô địch thế giới.

Vấn đề ở chỗ, taekwondo cần có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ, để sẵn sàng đón đầu cơ hội nếu Ủy ban Olympic quốc tế thông qua việc này. Nhưng theo một lãnh đạo Liên đoàn Taekwondo Việt Nam, những kế hoạch thi đấu hay tập huấn - vốn đã rất hạn chế so với các môn khác - lại đang chưa biết có thực hiện được hay không, do vấn đề kinh phí.

Trong năm 2019, taekwondo Việt Nam tham dự hơn 10 giải đấu quốc tế, gồm giải ở Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất - UAE (từ ngày 20 đến 25-2), Philippines (tháng 4 và tháng 11), Anh (từ ngày 10 đến 15-5), Italia (tháng 5 và tháng 7), Kazakhstan (tháng 6), Mexico (tháng 8), Bờ Biển Ngà (tháng 9), Nga (tháng 12)... Nhưng, không phải giải nào Việt Nam cũng có thể cử VĐV tham dự.

Theo ông Hồ Anh Tuấn, với cả nội dung đối kháng và quyền, thì việc được tham dự các giải đấu lớn chính là cơ hội để tích điểm lấy vé Olympic. “Muốn giành suất tham dự Thế vận hội, trong năm 2019, tháng nào Việt Nam cũng phải đưa quân đi thi đấu tích điểm, các võ sĩ phải đạt thứ hạng cao, giành được huy chương mới nuôi hy vọng dự đấu trường thể thao lớn nhất thế giới”.

Bên cạnh đó, để taekwondo có tính kế thừa khi các VĐV đỉnh cao giải nghệ, môn thể thao này cần sớm xây dựng tiêu chí, cách thức tuyển chọn VĐV vào đội tuyển quốc gia, xác định rõ thời điểm tổ chức tuyển chọn để địa phương xây dựng kế hoạch và có nguồn kinh phí chủ động thực hiện.

Nhưng thực tế, giữa bộ môn taekwondo thuộc Tổng cục Thể dục - Thể thao (TDTT) và Liên đoàn chưa bao giờ có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất kế hoạch sử dụng, tận dụng nguồn nhân lực cũng như nguồn kinh phí địa phương trong việc cử VĐV tập huấn và thi đấu quốc tế.

Taekwondo đang gặp khó từ những bài toán rất cũ liên quan kinh phí, cách làm và sự quyết tâm. Trong bối cảnh ấy, giấc mơ Thế vận hội lại mỗi lúc một thêm xa vời.

Yếu cả về… trọng tài

Một quan chức bộ môn taekwondo (Tổng cục TDTT) thừa nhận: Ngay cả số lượng trọng tài taekwondo Việt Nam cũng đang giảm đi trông thấy ở những giải đấu lớn tầm thế giới. Việc có các trọng tài tham gia chấm điểm không chỉ tạo ra lợi thế nhất định khi xảy ra những tranh cãi, mà còn giúp các VĐV có thêm sự tự tin, tâm lý thoải mái trong thi đấu.

Được biết, cho đến hiện tại, chỉ có ông Nguyễn Thanh Huy, Phó Chủ tịch Hội đồng kỹ thuật Liên đoàn Taekwondo Việt Nam, là trọng tài quốc tế duy nhất của Việt Nam tham dự khóa Đào tạo và tuyển chọn trọng tài cho Olympic Tokyo 2020.