V-League 2017

Điểm binh trước giờ xuất phát

Ba mùa bóng trở lại đây, Giải vô địch bóng đá quốc gia (V-League) 2017 có lẽ là mùa bóng êm ả nhất. Trước ngày chính thức khởi tranh, Ban tổ chức (BTC) giải đấu không còn phải lo lắng về chuyện sẽ có đội bóng bỏ cuộc vào phút chót vì những lý do khác nhau, như những mùa giải trước.

Không thể gạt tên Than Quảng Ninh khỏi danh sách ứng viên vô địch V-League mùa này.
Không thể gạt tên Than Quảng Ninh khỏi danh sách ứng viên vô địch V-League mùa này.

Thay vào đó, nỗi lo lắng này được chuyển xuống giải hạng nhất, sân chơi được xem là bước đệm của V-League, khi có tới ba CLB xin không tham dự giải vì nguyên nhân chủ quan. Tuy nhiên, dù thế nào thì việc V-League 2017 bảo toàn được 14 đội bóng cho tới giờ bóng lăn vẫn được xem là thành công đầu tiên của giải đấu.

Tuy V-League 2017 chỉ chính thức khởi tranh vào ngày 7-1-2017, nhưng mùa bóng 2017 thật ra đã bắt đầu từ tuần trước với trận tranh Siêu Cúp Quốc gia 2016 giữa CLB Hà Nội và CLB Than Quảng Ninh (ảnh nhỏ). Màn rượt đuổi tỷ số tưng bừng rồi kết thúc bằng loạt sút luân lưu đầy kịch tính giữa hai đội bóng này báo hiệu mùa giải 2017 sẽ rất nóng bỏng và hứa hẹn.

Tạm biệt những tượng đài

Với bốn chức vô địch V-League, Becamex Bình Dương là đội bóng giàu thành tích số một trong lịch sử giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Nhưng ở mùa bóng năm nay, khi mọi thứ còn chưa kịp bắt đầu, Becamex Bình Dương đã tự loại mình ra khỏi cuộc đua vô địch khi thanh lý một loạt trụ cột và đưa về đội bóng một HLV ở tuổi thất tuần, với mục tiêu duy nhất là trụ hạng.

Đây là sự thay đổi quá lớn của đội bóng từng được xem là “Chelsea Việt Nam”, với khả năng “tiêu tiền không mệt mỏi” ở mỗi mùa bóng. Bốn ngôi vô địch V-League mà họ có được đều phủ bóng của những thương vụ “bom tấn” trên hành trình chinh phục vinh quang. Thế rồi, túi tiền tưởng như vô hạn của Becamex Bình Dương cuối cùng cũng chạm tới giới hạn. Bên cạnh đó, sự thay đổi này cũng phù hợp với xu thế chung của V-League, khi năm nay không còn đội bóng nào đủ khả năng vung tiền để “tạo bão” trên thị trường chuyển nhượng.

Trước Becamex Bình Dương, thế lực một thời của bóng đá Việt Nam khi mới chuyển lên chuyên nghiệp là Long An cũng đã chấp nhận lui xuống đóng vai phụ từ rất lâu. Việc CLB Long An chỉ trụ lại V-League nhờ cánh cửa hẹp là trận play-off với CLB Viettel cho thấy nhà cựu vô địch này sẽ còn tiếp tục “sống mòn” ở V-League trong một thời gian không ngắn nữa.

Không thay đổi chóng mặt như Becamex Bình Dương mà cũng không dần lui vào bóng tối như Long An, Hoàng Anh Gia Lai là một trường hợp khác hẳn. Đội bóng “phố núi” đang sở hữu số lượng đáng kể tài năng trẻ xuất chúng của bóng đá Việt Nam như Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Thanh, Văn Toàn..., nhưng họ lại thiếu quá nhiều yếu tố cần thiết để biến tiềm lực thành thực lực.

Thêm vào đó, với tình hình tài chính không thật sự khả quan của tập đoàn mẹ, nhiều khả năng CLB Hoàng Anh Gia Lai sẽ lại tiếp tục không được đầu tư lớn cho V-League. Và bởi thế, cơ hội để họ “phất cờ nổi dậy” ở mùa bóng năm nay là cực kỳ khó khăn.

Điểm binh trước giờ xuất phát ảnh 1

Tiếp tục kỳ vọng ở những thế lực mới

Trong bối cảnh các tên tuổi một thời như Becamex Bình Dương, Long An hay Hoàng Anh Gia Lai chỉ còn là cái bóng của chính mình, cuộc đua vô địch ở V-League được dự báo sẽ là “chuyện nội bộ” của những thế lực mới nổi như CLB Hà Nội (tên cũ là Hà Nội T&T), Than Quảng Ninh hay FLC Thanh Hóa.

Đây là những đội bóng vừa có tiềm lực tài chính, đồng thời lại rất giàu tham vọng. Tiêu biểu nhất hẳn phải là CLB Hà Nội - đội bóng vừa sở hữu hệ thống đào tạo trẻ cực kỳ chất lượng mà cũng vừa lôi kéo được rất nhiều nhà tài trợ giàu có tham gia tài trợ. CLB Hà Nội là đội bóng đầu tiên ở V-League ký được hợp đồng tài trợ trang phục với một nhãn hàng từ châu Âu, và họ cũng là đội bóng đầu tiên của V-League lôi kéo được sự hợp tác của một nhà tài trợ dạng “khủng” từ nước ngoài. Với chừng ấy yếu tố, sẽ không ngạc nhiên nếu như CLB Hà Nội kết thúc mùa giải ở một trong ba vị trí đầu tiên, như truyền thống của họ ở V-League suốt từ năm 2010 cho tới nay.

So với CLB Hà Nội, Than Quảng Ninh hay FLC Thanh Hóa không sánh được về chiều sâu lực lượng cũng như bề dày truyền thống. Song, hai đội bóng này lại có khát khao của “người mới”, những kẻ chinh phục chưa từng chạm tới đỉnh vinh quang sau vài lần lỡ hẹn, nên yếu tố này có thể giúp họ bù đắp thiếu hụt về chuyên môn trong cuộc đua cùng CLB Hà Nội.

Xét về lý thuyết, sẽ là sai lầm nếu không điền tên Hải Phòng - á quân V-League 2016 vào danh sách những kẻ thách thức. Nhưng dựa theo tình hình thực tế, đội bóng đất cảng khó lòng được xếp vào hàng ngũ ứng viên. Nguyên nhân là bởi năng lực tài chính của họ không quá ấn tượng (nếu không nói là dưới mức trung bình), và đội ngũ nhân sự trong tay HLV Việt Hoàng cũng khó có thể được xem là “tinh nhuệ”.

Tinh thần chiến đấu là lợi thế của đội bóng ấy, nhưng không một đội bóng nào chỉ dựa vào yếu tố tinh thần mà có thể lên ngôi, nhất là với một cuộc đua đường trường khốc liệt như V-League. Vì thế với Hải Phòng, duy trì được một vị trí trong nhóm năm đội dẫn đầu chung cuộc của V-League 2017 cũng đã có thể xem là một thành công.

Tuy nhiên, bởi vì bất ngờ là bản chất của bóng đá, mọi phân tích lý thuyết đều có thể dễ dàng sụp đổ theo nhịp bóng lăn trên sân cỏ. Người hâm mộ của bất cứ đội bóng nào tham gia V-League 2017 cũng đều ôm ấp những ước vọng thành công, dù thể hiện rõ ràng hay âm thầm chờ đợi. Và chiếu theo những gì vừa diễn ra ở mùa giải năm ngoái, cơ hội vẫn mở rộng cho tất cả mọi đối thủ trên đường đua.