Để mầm non nảy chồi

Phát hiện được các em nhỏ có tố chất thể thao đối với từng bộ môn như Aerobic hay thể dục dụng cụ để huấn luyện là điều rất đáng quý. Thế nhưng, để vận động được phụ huynh đồng ý rồi đào tạo thành công một vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp còn khó khăn hơn nhiều. Chuyện những tài năng nhí được phát hiện nhưng cũng đành ngậm ngùi bỏ qua vì gia đình từ chối không phải là chuyện hiếm.

Niềm vui trên sàn tập của các VĐV nhí.
Niềm vui trên sàn tập của các VĐV nhí.

Từ “chăm con mọn”

Sáu giờ tối, khi những đứa trẻ khác đang ở nhà xem ti-vi hoặc được nghỉ ngơi thư giãn sau một ngày học tập vất vả thì bé Lê Như Quỳnh lại được bố mẹ đưa đến phòng tập aerobic ở SVĐ Lạch Tray. Mới được phát hiện và tham gia tập luyện hơn một năm nhưng khi thực hiện những động tác ép dẻo tưởng chừng như phải đau đến phát khóc thì gương mặt cô bé học sinh lớp 5, Trường tiểu học Chu Văn An, Hải Phòng, vẫn tươi rói nụ cười.

Cùng với Quỳnh, phòng tập thể dục của Trung tâm Đào tạo vận động viên thể dục thể thao Hải Phòng hiện có gần 50 em đang miệt mài tập luyện. Những VĐV nhí này đã trải qua quá trình đào thải, chọn lọc khắc nghiệt trên sàn tập, được phát hiện vẫn dựa chủ yếu vào kinh nghiệm của các huấn luyện viên (HLV).

Chín năm trước, lứa của HLV aerobic Nguyễn Tiến Phương và “cô gái vàng” của thể dục dụng cụ Việt Nam - Phan Thị Hà Thanh từng giúp Hải Phòng đứng thứ nhất toàn quốc, nhưng bây giờ nguồn nhân lực trẻ ở địa phương này đang trở nên khan hiếm.

Mỗi kỳ tuyển quân, thầy Phương phải về từng trường mẫu giáo và tiểu học để gặp gỡ ban giám hiệu hay tới từng lớp học để phát tờ rơi tuyển sinh vào mỗi mùa hè. Cũng không ít trường hợp, hiệu trưởng thẳng thừng từ chối rằng học sinh của mình không có nhu cầu tập aerobic. Còn nếu suôn sẻ, thường có khoảng 50% số trẻ đăng ký tham gia.

Thế rồi, những gương mặt triển vọng, sẽ được “nhặt” ra để đào tạo chuyên sâu. Vốn đang tuổi ăn tuổi chơi, công tác huấn luyện cũng chú trọng hơn tới yếu tố hòa nhập từ dễ đến khó.

“Môn nào cũng vậy. Muốn đi đúng hướng phải mất 3-5 năm. Năm đầu tiên phải tạo ra các trò chơi để trẻ nhận biết aerobic là môn gì. Năm tiếp theo sẽ được dành để luyện căn bản nhằm thích hợp với bộ môn thẩm mỹ như aerobic” - Thầy Phương chia sẻ về kinh nghiệm đào tạo lớp VĐV măng non.

Vậy nhưng những ngày đầu mới nhận dạy lớp trẻ, chưa có kinh nghiệm, không kiềm chế được tính nóng, đã có lần thầy quát mắng các em. Có những bé sợ không dám tiếp tục đi tập. “Không đi tập với thầy Phương nữa, tập với thầy sợ lắm”.

Chính từ những kinh nghiệm quý giá này, thầy Phương đã nhiệt tình tương tác với các bé, đa dạng hóa các loại bài tập mỗi tuần nhằm tạo hứng thú và kích thích niềm đam mê của các em. Anh tâm sự với lũ trẻ về những kỷ niệm ngày xưa khi anh thi đấu thành công ở nước ngoài, mang vinh quang về cho đất nước. Để rồi gây dựng niềm đam mê cho những đứa trẻ từng chút một mỗi ngày. Anh kết luận: Dạy lũ trẻ phải để ý tỉ mỉ hết sức như “chăm con mọn” vậy.

Đến nỗ lực đồng hành

“Tìm được các VĐV triển vọng có năng khiếu chuyên môn đã khó, gặp được phụ huynh sẵn lòng ủng hộ đam mê của con mình còn khó hơn gấp bội” - khi nhắc đến vấn đề này, thầy Phương khẳng định ngay. Để vượt qua ngưỡng cửa phụ huynh đầy khó khăn, các HLV không chỉ đơn giản cần thuyết phục họ mà còn phải “đả thông” tư tưởng để họ đồng ý cho con em mình đến trung tâm luyện tập.

Bình thường, các bậc phụ huynh chủ yếu đưa con đi tập để có sức khỏe. Rất hiếm người đồng ý cho con theo thể thao chuyên nghiệp. Các HLV sẽ phân tích với phụ huynh để họ thấy được năng khiếu của các bé. Khi gia đình đã đồng ý cho con tham gia tập luyện ở mức nâng cao, thì sự đồng hành của gia đình và HLV sẽ phải rất gắn kết, trước mắt là tạo điều kiện, thu xếp thời gian song song giữa tập luyện và học văn hóa. Sau khi tan học ở trường, từ thứ 2 đến thứ 7, đội bán chuyên luyện tập từ 5 rưỡi đến 7 giờ, còn đội chuyên nghiệp thì tập lâu hơn đến 10 giờ mỗi tối. Chính vì vậy, nếu gia đình không cho phép thì dù có năng khiếu đến mấy, các HLV cũng không thể làm khác được. Dù biết rằng nhiều tài năng sẽ bị uổng phí nhưng vẫn phải tôn trọng sự lựa chọn của mỗi gia đình.

Không những thế, nhiều gia đình còn nhìn nhận thể thao theo hướng tiêu cực. “Tập khổ cực thế này mai sau con tôi ra đời có được gì không?” Hay, tâm lý theo thể thao thì đánh mất tuổi thơ cũng khiến nhiều bậc phụ huynh đắn đo khi để con mình vào trung tâm huấn luyện.

Nhưng ngay cả khi, yếu tố tâm lý của phụ huynh được giải quyết thì điều kiện tập luyện và các chương trình đầu tư trẻ cũng cần được quan tâm đúng mức. Phải được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, y tế cũng như cần có nguồn kinh phí tốn kém để bảo đảm điều kiện tập luyện hiện đại. Nếu sự cố gắng chỉ đến từ một phía, sẽ rất khó để các VĐV có thể vươn xa, vượt lên chính mình và thậm chí vượt lên hoàn cảnh để mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Chúng ta thường chỉ thấy ánh hào quang của những chiến thắng mà các VĐV đã giành được. Ít ai nhận biết và thấu hiểu hành trình gian nan để chinh phục được những đỉnh cao trong thể thao của mỗi VĐV. Càng khó để biết và ghi công những HLV lặng thầm đã bền bỉ đồng hành chặng đường dài cùng họ, từ những ngày thơ ấu.