Nhà vô địch điền kinh trẻ châu Á Lê Tú Chinh:

“Cuộc sống của tôi là ở bên đường chạy!”

Ngay sau tấm HCV giải trẻ châu Á trên đường chạy 200 m, tài năng 19 tuổi Lê Tú Chinh tiếp tục khẳng định vị thế “nữ hoàng tốc độ” mới của điền kinh Việt Nam, khi “độc chiếm” vinh quang trên cả hai cự ly 100 m, 200 m cá nhân, rồi cùng các đồng đội đăng quang trên đường chạy tiếp sức 4 x 100 m tại Giải vô địch quốc gia. Trải lòng với Nhân Dân Cuối tuần, dường như chính Tú Chinh cũng bàng hoàng với những gì mình vừa đạt được.

“Cuộc sống của tôi là ở bên đường chạy!”

- Chinh nghĩ gì khi trở thành người giải “cơn khát” HCV trên đường chạy ngắn cho điền kinh TP Hồ Chí Minh sau 21 năm, tại một giải đấu đỉnh cao trong nước. Chưa kể, lại còn là thành công ở cả hai cự ly 100 và 200 m?

- Thật sự, trước giải tôi chỉ tâm niệm làm sao để thể hiện được hết mình chứ chưa dám nghĩ đến thành tích, vì mới lần thứ hai tham dự, phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ mạnh cùng áp lực rất lớn. Phải đến lúc được mọi người chúc mừng về “chiến thắng kép”, tôi mới biết rằng mình đã làm được một điều có ý nghĩa đối với điền kinh TP Hồ Chí Minh, qua những tấm HCV trên đường chạy ngắn sau 21 năm. Càng tuyệt vời hơn khi người đánh dấu cột mốc của 21 năm trước lại chính là HLV của tôi bây giờ, cô Nguyễn Thị Thanh Hương.

- Nghiệp điền kinh của Chinh đã đến như thế nào? Chắc hẳn cô Hương - người mà Chinh luôn nhắc đến - đóng một vai trò đặc biệt trong hành trình vươn lên của chị?

- Tôi bén duyên điền kinh hoàn toàn ngẫu nhiên. Hồi lớp 5 tôi được thầy giáo dạy thể dục đăng ký cho đi thi giải chạy cấp trường, rồi bất ngờ giành giải nhất. Đam mê và thói quen rèn luyện bắt đầu từ đó. Thế nhưng phải đến năm 2008, trong một đợt tuyển quân của điền kinh TP Hồ Chí Minh ở quận 8, khi lọt vào mắt xanh của HLV Nguyễn Thị Thanh Hương, tôi mới bước vào con đường “ăn tập”.

Chắc chắn nếu không có cô Hương, HLV và cũng là người mẹ thứ hai, tôi sẽ không có được ngày hôm nay! Cô không chỉ phát hiện, tìm ra đúng điểm mạnh mà còn theo sát từng buổi tập, chăm lo cho từng bữa ăn giấc ngủ của tôi. Chính nhờ có cô luôn ở bên như một chỗ dựa tinh thần cũng như chuyên môn vững chắc, tôi mới vượt qua được thời điểm khó khăn nhất: tưởng như phải chia tay đường chạy sớm.

- Thật vậy ư, Chinh từng suýt phải giải nghệ sớm?

- Năm 2001, lần đầu tôi giành được một tấm huy chương quốc gia: HCĐ giải trẻ toàn quốc. Sau thành tích quan trọng ấy, tôi đã lao vào tập luyện miệt mài trong sự hứng khởi và quyết tâm cao độ. Chỉ có điều, chính sự “máu lửa” ấy đã khiến tôi bị nứt xương cánh tay, trong lúc gắng sức hoàn thiện một bài tập trong thời gian chuẩn bị cho Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2012. Tôi rất lo sợ và nản lòng vì diễn biến khó lường của chấn thương. Song, cô Hương đã truyền cho tôi niềm tin, cũng như đề ra một phương pháp hồi phục kết hợp với tập luyện hợp lý.

Đến giờ mỗi khi gặp khó, tôi đều nhớ đến những ngày ấy, với hình ảnh mình một tay bó bột vẫn duy trì tập luyện ngày hai buổi, để tự nhắc nhở và động viên bản thân, rằng không thử thách nào không thể vượt qua.

- Một năm trở lại đây, Chinh đã liên tiếp gặt hái những thành quả sáng giá trên các đấu trường. Chinh ấn tượng nhất với thành tích nào?

- Với tôi, thành tích giành ba HCV tại Giải vô địch quốc gia mới đây là một cột mốc vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, tấm HCV tại Giải điền kinh trẻ châu Á hồi tháng 6 mới là đặc biệt nhất. Có lẽ bởi vì nó đánh dấu bước trưởng thành cả về chuyên môn lẫn bản lĩnh thi đấu của tôi.

Để hụt mất huy chương ở cự ly 100 m, song tôi đã không nhụt chí, và vẫn cố gắng phát huy tốt nhất khả năng để chinh phục thành công ngôi đầu nội dung 200 m (với thông số 23’94). Thông số này cũng giúp tôi giành luôn suất tham dự Giải vô địch điền kinh trẻ thế giới vào năm tới.

- Chinh nghĩ gì khi mình được coi là một “truyền nhân” mới ngời ngời triển vọng của “tượng đài” Vũ Thị Hương? Chinh đặt ra mục tiêu phấn đấu cho mình như thế nào?

- Được đánh giá như vậy, tôi thấy vừa tự hào vừa lo lắng. Tôi xác định nghiệp đấu của mình còn cả một chặng đường dài phía trước, với những cơ hội và thách thức, đòi hỏi phải luôn quyết tâm nỗ lực tối đa. Tôi cũng hiểu rằng so với nhiều bạn cùng trang lứa (chứ chưa dám so với chị Hương), mình không có điểm nổi trội nào về năng khiếu mà chỉ có thể bù lại bằng sự siêng năng, bền bỉ.

Tôi mơ ước một ngày mình sẽ được đứng trên đỉnh cao nhất của châu Á hay SEA Games như chị Hương. Còn trước mắt, tôi sẽ phấn đấu để có thể lần đầu giành huy chương ở SEA Games 2017.

- Nhiều người muốn biết: Cuộc sống của Chinh sau khi trở thành nhà vô địch trẻ châu Á và quốc gia, rồi được ví như một “nữ hoàng tốc độ” mới có gì đổi khác không?

- Nhiều niềm vui, thêm động lực song không có gì đổi khác. Tôi đã lại trở về ngay với lịch trình với hai buổi tập mỗi ngày. Nói chung, từ nhiều năm nay, cuộc sống của tôi là ở bên đường chạy.

- Xin cảm ơn. Chúc Tú Chinh tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công nữa trong sự nghiệp.