Xã hội hóa thể thao

Con đường đã mở...

Trong suốt nhiều năm, ngành thể thao nói chung và các liên đoàn nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, bế tắc trong công tác xã hội hóa nhằm tìm kiếm các nguồn thu đầu tư về tài chính. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019, với Luật Thể thao sửa đổi-bổ sung, Chính phủ đã mở cho ngành thể thao một cơ chế rất “mở”, theo xu thế chung của thế giới là thể thao dịch vụ.

Con đường đã mở...

1 Thể thao - ngành “công nghiệp không khói” thực thụ, với doanh thu khổng lồ nếu đi đúng hướng - là lĩnh vực được ưu tiên xã hội hóa từ rất sớm tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau nhiều năm, mới chỉ có liên đoàn bóng đá hay một số liên đoàn khác như bóng chuyền, cầu lông, cờ… là tự chủ được tài chính, thu hút được nguồn đầu tư “tạm ổn”, còn lại hầu hết vẫn không phát huy được hết tiềm năng. Từ sự hạn chế đó, có khá nhiều trường hợp đặc biệt như kỳ thủ Lê Quang Liêm, tay vợt Nguyễn Tiến Minh… tạo được dấu ấn cá nhân, nhưng là bằng nguồn thu nhập của VÐV chuyên nghiệp, hoặc tự bỏ tiền túi của mình.

Vì sao hơn 20 năm tiến hành công tác xã hội hóa mà thể thao Việt Nam vẫn không thể chuyển mình mạnh mẽ? Câu trả lời nằm ở lỗ hổng trong việc định hướng của các cơ quan quản lý trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư. Các doanh nghiệp hầu như không tham gia vào việc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo trẻ… mà chủ yếu chi tiền cho việc tài trợ, quảng bá, chuyển nhượng để lấy thành tích nhanh, dẫn đến hệ quả là rất nhiều địa phương có truyền thống về thể thao cứ ngày một sa sút, thất bại về xã hội hóa.

2 Trong Luật thể thao sửa đổi - bổ sung được ban hành từ ngày 1-1-2019, đã có nhiều điểm mở cho doanh nghiệp và tư nhân khi đầu tư vào thể thao. Ðây chính là điểm tựa để mỗi môn thể thao có một lối đi riêng, theo đặc thù của mình.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Ðức Phấn cho biết: Với luật mới, các doanh nghiệp được ưu đãi về thuế, bên cạnh đó là chính sách của các địa phương. Ðặc biệt, công tác xã hội hóa thể thao theo xu hướng thể thao dịch vụ, phát triển thể thao theo nhu cầu, thị hiếu của xã hội.

Với cơ chế mới, thể thao ngay lập tức ghi dấu ấn trong sự phát triển chung cùng các lĩnh vực khác. Vừa qua, một doanh nghiệp quyết định “đầu tư lớn” để đưa môn đua xe công thức một (F1) về Hà Nội trong 10 năm. Ðiều đặc biệt là giải đấu lớn tầm thế giới này được tổ chức bằng 100% xã hội hóa, không dùng ngân sách nhà nước, dù kinh phí được dự đoán là “khổng lồ”. Ðây là một sự thay đổi chưa từng có, nhưng lại là tất yếu.

Con đường đã mở... ảnh 1

3 Ông Trần Ðức Phấn nhấn mạnh: “Nhiều năm qua, luật có những hạn chế nhất định, nhưng giờ đã khác, theo hướng hiệu quả và sáng tạo hơn, đột phá hơn. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư, trong khi bản thân các liên đoàn cũng phát huy được sức mạnh của mình, không bị bó buộc bởi cơ chế. Hiện tại Việt Nam đang có 30 liên đoàn thể thao, mục tiêu là tiến tới năm 2020 có thêm 10 liên đoàn nữa, nhưng phải thực chất chứ không hình thức. Chúng ta có luật bổ sung-sửa đổi theo thực tiễn rồi, nhưng vai trò của các liên đoàn vẫn phải là trọng tâm”.

Mục đích lớn nhất của chủ trương xã hội hóa không nhất thiết là chia sẻ gánh nặng tài chính với ngân sách nhà nước, mà là để thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực được xã hội hóa. Hy vọng là sau một năm với rất nhiều khởi sắc của bóng đá cũng như các môn khác, thể thao Việt Nam sẽ thật sự hướng tới một sân chơi chuyên nghiệp, phát triển bài bản trên tầm nhìn dài hạn, để từ đó thu hút được những nhà đầu tư có tiềm lực, tâm huyết, cũng như phát huy hết sức mạnh vốn có của mình.

Với một đất nước yêu thể thao như Việt Nam, những sự phung phí về tiềm năng đã là quá đủ rồi.

Liên đoàn Bóng đá kiếm tiền chưa tương xứng với môn thể thao vua

Trong bốn năm của khóa 7 (2014-2018), công tác tiếp thị và vận động tài trợ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã đạt nguồn thu tăng hằng năm, và đạt tổng số tiền vào khoảng 341 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này vẫn còn rất hạn chế so với sức thu hút của môn bóng đá. Ngay cả năm 2018 với rất nhiều sự kiện lớn, nhiều thành tích ngoài mong đợi, Liên đoàn bóng đá cũng chỉ thu được hơn 15% so với kế hoạch năm, khoảng 92,8 tỷ đồng. Công tác tìm kiếm tài trợ cho bóng đá không còn cảnh “giật gấu vá vai”, “liệu cơm gắp mắm”, nhưng rõ ràng chưa thể tạo ra sức bật mang tính đột phá từ tài chính.