Bước chạy đà thiết yếu

Trượt băng nghệ thuật là bộ môn đòi hỏi kỹ thuật, sự khéo léo, phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Bên cạnh việc thúc đẩy phong trào tập luyện nhằm tìm kiếm những gương mặt trẻ triển vọng, cần xây dựng một hệ thống đào tạo và thi đấu bài bản, giúp “ươm mầm” tối ưu cho các tài năng trẻ.

Trần Khánh Linh là một trong số những tài năng trẻ có tuổi thơ gắn liền cùng trượt băng nghệ thuật.
Trần Khánh Linh là một trong số những tài năng trẻ có tuổi thơ gắn liền cùng trượt băng nghệ thuật.

1 Đam mê trượt băng nghệ thuật từ những chương trình truyền hình nhưng phải đến năm 9 tuổi, bé Trần Khánh Linh mới có cơ hội làm quen với sân băng khi lần đầu tiên Hà Nội có một sân trượt tiêu chuẩn. Thấu hiểu được niềm khát khao ấy, gia đình chị Trịnh Thu Trang đã quyết tâm đầu tư cho con.

Ban đầu, chị Trang chỉ muốn con mình rèn luyện sức khỏe. Nhưng sau một thời gian ngắn, cô bé sinh năm 2005 đã bộc lộ tài năng, xử lý linh hoạt các động tác khó một cách thuần thục. “Gia đình đã phải tìm thầy dạy cho con, phải chuyển cả nhà để con ở gần sân tập. Trượt băng nghệ thuật còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên việc tập luyện của con còn gặp nhiều khó khăn”.

Những năm gần đây, phong trào trượt băng ở nước ta phát triển mạnh, nhiều bạn trẻ đã và đang theo đuổi môn thể thao này vô cùng nghiêm túc. Kết quả là các vận động viên (VĐV) nhí của chúng ta đã giành được nhiều huy chương tại các giải đấu quốc tế ở Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin, Thái-lan, Ô-xtrây-li-a…

Mặc dù vậy, vì Việt Nam chưa phải thành viên của Liên đoàn Trượt băng thế giới (ISU) nên có nhiều giải các em không được tham dự hoặc tham gia với tư cách không chính thức. Điển hình như Á vận hội Mùa đông 2018 diễn ra tại Sapporo (Nhật Bản), Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh tích cực chuẩn bị lực lượng và đăng ký tham gia nhưng Ban tổ chức cũng từ chối. Tiêu chí quan trọng còn thiếu khi ấy là cần phải có Liên đoàn Trượt băng quốc gia.

2 Sau một thời gian dài vận động, ngày 3-11-2018, Liên đoàn Trượt băng Việt Nam (VSF) đã chính thức được thành lập. Chủ tịch nhiệm kỳ I (2018-2023) là bà Chu Thị Thanh Hà (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần viễn thông FPT-Telecom). Liên đoàn đặt mục tiêu đến năm 2021, Việt Nam sẽ là thành viên của ISU. Sự ra đời của VSF hứa hẹn góp phần phát triển mạnh mẽ cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ VĐV và HLV trên cả nước.

Đều đặn tháng 7 hằng năm, mùa trượt băng thế giới sẽ bắt đầu. VSF được thành lập nhanh chóng mang đến cơ hội cho những VĐV tài năng như Trần Khánh Linh, Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Linh Chi, Trần Phương Thảo… Đó là giải Junior Grand Prix cùng chương trình tập huấn chính thức của ISU cho HLV và VĐV hạng mục khiêu vũ trên băng khu vực châu Á vào tháng 8 tại Hàn Quốc, giải vô địch trượt băng mở rộng châu Á cũng trong tháng này tại Trung Quốc…

Đặc biệt, Junior Grand Prix mùa 2019-2020 sẽ đánh dấu lần đầu các VĐV nước ta có cơ hội góp mặt trong một giải trượt băng tầm cỡ gồm hơn 32 nước trên thế giới tham dự. Trong tổng số bảy sự kiện xuyên suốt, Việt Nam được quyền tham dự ba: Junior GP số 2 tại Lake Placid (từ ngày 28 đến 31-8, Mỹ), Junior GP số 4 tại Che-li-a-bin-xcơ (từ ngày 11 đến 14-9, Nga) và Junior GP số 6 tại Da-gờ-rép (từ ngày 25 đến 28-9, Crô-a-ti-a).

Những giải mở rộng trong khu vực sẽ là những bước chạy đà cần thiết hướng tới các giải đấu lớn thuộc hệ thống ISU. Quan trọng hơn cả, đó là mục tiêu tham dự Á vận hội Mùa đông 2021 và Thế vận hội Mùa đông 2022.

3 Chỉ trong 30 năm trở lại đây, trượt băng đã phát triển vô cùng mạnh mẽ ở các nước châu Á và các VĐV nơi đây cũng ngay lập tức thể hiện tài năng của mình ở mỗi giải đấu lớn. Được tập hợp bởi những tổ chức, cá nhân tâm huyết cùng sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp, VSF hy vọng sẽ là đầu tàu thúc đẩy, khiến trượt băng được biết đến rộng rãi hơn tới người hâm mộ Việt Nam.

Để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia đi trước, cần phải tháo gỡ vô vàn khó khăn từ khâu nhận thức, cơ sở vật chất tới việc thiếu thốn chuyên gia cùng hệ thống đào tạo ở Việt Nam.

Như ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Thể thao thành tích cao, Tổng cục Thể dục - Thể thao nhận định: “Dù có thể đi tắt đón đầu qua việc cử các VĐV đi tập huấn nước ngoài, muốn trượt băng thật sự phát triển, cần phải có một hệ thống đào tạo trong nước thật tốt. Không thể không có tổ chức đào tạo nghiêm túc mà lại có người giỏi được”.

Trượt băng tuy không đòi hỏi thể hình cao lớn, quá nhiều tốc độ và sức mạnh nhưng phải có sự khéo léo cũng như kỹ thuật cá nhân điêu luyện. Vì vậy, nếu thiếu đi những chuyên gia giỏi, chúng ta sẽ không thể đào tạo nên một lứa VĐV ưu tú được. VSF sẽ là cầu nối quan trọng, tạo điều kiện cho các mầm non tài năng trong nước tiếp cận với các HLV có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trên thế giới.

Đối với bộ môn còn mới mẻ này, quan trọng nhất vẫn là thúc đẩy phong trào tập luyện, lan rộng tình yêu với trượt băng trên cả nước để tìm kiếm những gương mặt trẻ triển vọng. Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống đào tạo VĐV, tổ chức hệ thống thi đấu cũng cần được đẩy mạnh, để các VĐV trẻ được thi đấu, cọ xát và xác định trình độ. Một hệ thống đào tạo bài bản sẽ là “cái nôi”, nơi “ươm mầm” tối ưu, cũng là các bước chạy đà để các em có thể tự tin tỏa sáng.