Bùi Thị Thu Thảo

Vô địch ASIAD, Tết này ấm hơn...

Vượt qua nhiều khó khăn với nghị lực phi thường, Bùi Thị Thu Thảo đã chạm tới ước mơ của mình là giành tấm HCV ASIAD 2018 trên đất Indonesia. Tấm HCV danh giá không chỉ giúp Thảo bước lên đỉnh cao của đấu trường châu lục, mà còn đem lại niềm vui vỡ òa cho thể thao nước nhà. Cũng tấm HCV ấy, giúp cho gia đình nhà vô địch đón một cái Tết no ấm, hạnh phúc hơn...

Thu Thảo thi đấu tại ASIAD 2018. Ảnh trong bài | Chi Chi
Thu Thảo thi đấu tại ASIAD 2018. Ảnh trong bài | Chi Chi

Ánh hào quang và ký ức buồn

Bùi Thị Thu Thảo là một trong những cái tên được nhắc tới nhiều nhất của thể thao Việt Nam trong năm 2018. Tấm HCV mà cô gái sinh năm 1992 này giành được ở ASIAD, thật sự là một điều “không tưởng”. Chính Thảo bốn năm trước từng thất bại trong cuộc tranh ngôi vương, và cô quyết tâm đổi mầu huy chương. Sự nỗ lực, nghị lực phi thường đã giúp Bùi Thị Thu Thảo bước lên đỉnh cao nhất của châu lục và trở thành VĐV tiêu biểu của thể thao Việt Nam năm 2018. Đây là tấm HCV quý giá không chỉ đối với riêng Thảo mà còn đối với đội tuyển điền kinh cũng như thể thao Việt Nam. Vượt qua bao khó khăn, thử thách, cuối cùng Thảo cũng đã thực hiện được ước mơ ấp ủ bấy lâu nay. Nhưng với Thảo, khi thành công mới cảm thấy “thấm” những ngày tháng dài khổ luyện. Hành trình đến với điền kinh, rồi những lần thất bại, những lần định bỏ cuộc, hiện ra rất rõ như mới ngày hôm qua.

Vô địch ASIAD, Tết này ấm hơn... ảnh 1


Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê thuần nông ở xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, Hà Nội, Thu Thảo đã sớm làm quen với công việc đồng áng. Nhà Thảo thuộc diện nghèo khó nhất xóm, cho nên khi theo nghiệp thể thao Thu Thảo luôn ước mơ đạt thành tích cao để có tiền thưởng giúp bố mẹ hằng ngày vẫn làm nông. Tuy nhiên, sự khắc nghiệt của điền kinh, không may mắn vì chấn thương hay chế độ thấp... khiến Thảo trải qua một quá trình thi đấu đầy gian nan khi đã từng quyết định bỏ tập luyện để làm phụ hồ tại một công trường xây dựng.

“Năm 2012 tôi bị chấn thương lưng, gối và bàn chân, lúc ấy rất muốn bỏ cuộc. Cũng may được sự động viên từ gia đình, bố mẹ và thầy Nguyễn Trọng Hổ giúp đỡ khích lệ để chữa trị và quay lại tập luyện. Tôi tự nhủ nếu quyết tâm theo đuổi thể thao hãy cố gắng tập luyện thật tốt để mang tấm huy chương cho bố mẹ. Nhiều VĐV nói nghề thể thao này bạc lắm. Nếu có thành tích, có huy chương được người ta tung hô, có tiền thưởng, còn thất bại sẽ không được gì. Tôi thấy cũng đúng, nhưng với riêng tôi, tập luyện mang lại cho mình sức khỏe đầu tiên và giúp mình trưởng thành hơn”, Thu Thảo chia sẻ.

Niềm hy vọng của cả nhà

Thu Thảo cho biết, bố của cô bị thấp khớp 17 năm không làm được gì, mẹ cô ngoài làm nông thì cũng chỉ chủ yếu ở nhà chăm sóc bố. Thảo có hai người anh trai, anh trai cả chưa lấy vợ, anh thứ hai đã có gia đình và ở riêng. Chính Thảo là niềm hy vọng về kinh tế của cả nhà. Cứ mỗi khi Bùi Thị Thu Thảo có HCV ở một giải đấu lớn nào đó, có lẽ bố mẹ ở nhà là người vui mừng hơn cả. Ngoài niềm tự hào về thành công của con gái, mỗi lần như thế, Thảo đều gửi tiền về cho bố mẹ để mua thuốc, hay... trả nợ.

“Bây giờ tôi đã lấy chồng nhưng mỗi tháng vẫn biếu tiền bố mẹ để mua thuốc chữa bệnh cho bố và để lo thêm chi phí sinh hoạt ở nhà, mẹ tôi cũng già, không làm được nhiều. Tôi đi tập luyện có chút tiền thưởng, tiền công thì giúp đỡ bố mẹ bớt cơ cực. Trước khi theo thể thao chuyên nghiệp, gia đình tôi có đấu thầu đất để làm lò gạch. Khu đất ấy toàn là ao hồ nên bố mẹ phải vay mượn nhiều tiền để múc đất, xây lò, thuê người làm công. Sau một thời gian, bố tôi bị bệnh thấp khớp, bị phổi, gan khiến sức khỏe yếu đi nên không làm được và nợ mấy trăm triệu phải vay lãi, đến giờ vẫn còn chưa trả hết nợ”, Thảo nghẹn ngào.

Năm nào có giải đấu mà đạt thành tích thì không sao, năm nào không có huy chương coi như chẳng có gì. “Lương VĐV của chúng tôi cũng thấp, chế độ cũng không cao lắm. Chế độ đặc biệt chuẩn bị ASIAD tháng được 10 triệu đồng, còn không tôi cũng chỉ được 150 nghìn đồng/ngày với 200 nghìn đồng tiền ăn. Tiền ăn thì được sử dụng hết còn 150 nghìn đồng/ngày chỉ được 26 ngày vì không có tiền công chủ nhật, tính ra mỗi tháng được 3,9 triệu đồng. Những năm trước tiền thưởng cũng chẳng được bao nhiêu, sau khi chi tiêu sinh hoạt, cũng như gửi về nhà mỗi tháng nói chung chẳng còn đồng nào”, Thu Thảo tâm sự.

Tổ ấm trong căn phòng trọ

Lấy nhau được hơn ba năm, vợ chồng Thảo cũng có vài lần to tiếng khi gặp rất nhiều áp lực về tài chính. Lương, thưởng VĐV của Thảo chưa được tới 10 triệu đồng, còn chồng làm công nhân, thu nhập còn thấp hơn. Thế nhưng, sau mỗi lần cãi nhau thì hai người lại càng hiểu, và thương nhau nhiều hơn. Anh Lê Văn Tiến - chồng của Thu Thảo, nhận xét vợ là người rất cá tính, nhưng biết chăm lo cho cuộc sống gia đình, dù rất bận việc tập luyện, thi đấu. Anh Tiến nói vui rằng mình phải cảm ơn vợ rất nhiều vì chỉ khi lấy vợ, anh mới biết đi... máy bay là gì. “Lấy vợ, lần đầu tiên tôi được đi máy bay trong chuyến trăng mật ở Đà Lạt. Ở đó lưu giữ những kỷ niệm đáng nhớ nhất của hai vợ chồng”, anh Tiến tâm sự. Vợ là VĐV điền kinh, nên anh cũng phải tập luyện để làm “quân xanh”. Anh rất nhớ những ngày Tết khi Thảo chuẩn bị dự giải châu Á, phải dậy từ ba, bốn giờ sáng, hai vợ chồng cùng chạy giữa trời tối mù mịt, lạnh cắt da, cắt thịt.

Cũng do kinh tế không được dư dả, hai vợ chồng Thu Thảo từ khi cưới đến nay vẫn phải thuê phòng trọ hay chưa tính tới chuyện con cái, một phần cũng để Thảo tập trung cho việc tập luyện, thi đấu. “Chồng muốn tôi an tâm tập luyện nên đã thuê nhà cách trung tâm huấn luyện hơn một cây số để lúc nào rảnh tôi về với chồng. Căn phòng trọ đồ đạc đơn sơ, nhưng đó lại là nơi làm tôi cảm thấy ấm lòng mỗi ngày. Đó cũng là nơi mà hai vợ chồng tôi chia sẻ những khó khăn, thử thách, để rồi cùng vượt qua. Chồng tôi rất chiều tôi, sẵn sàng giúp đỡ vợ từ việc nhỏ như giặt quần áo, lau nhà, rửa bát, nấu cơm. Tôi sẽ tập đến lúc không còn sức thì nghỉ, lúc đó sẽ trở về dành trọn vẹn thời gian cho gia đình. Nhiều lúc nghĩ thấy thương chồng quá, nhưng biết làm sao được”, nhà vô địch ASIAD cười ấm áp.

Một năm vắt kiệt sức lực tập luyện và thi đấu cũng như phải vật lộn với cuộc sống thường ngày dường như làm Thu Thảo khá mỏi mệt. Thế nhưng, khi nói về Tết, ánh mắt Thu Thảo bừng sáng hơn, bởi đó là dịp mà căn phòng thân thương của hai vợ chồng Thu Thảo lại tràn ngập nụ cười. “Nói thật VĐV chúng tôi là những người thèm Tết nhất. Chúng tôi không có tiền thưởng Tết, nhưng được thưởng thời gian nghỉ ngơi, sum họp với gia đình, đó là điều quý giá nhất”, Thu Thảo rất hạnh phúc khi nói về Tết. Với tiền thưởng từ tấm HCV ASIAD 2018, Tết năm nay với Thảo ấm no hơn. Hai vợ chồng trẻ thường dành một khoản để biếu Tết bố mẹ, cùng đi mua sắm trang trí nhà cửa, mua cành đào, chậu quất để thêm phần hương vị Tết. Những vất vả tập luyện, những lo toan cuộc sống, những chắt chiu hằng ngày sẽ được thay thế bằng sự quây quần, đầm ấm trong không khí ngày xuân...

Thu Thảo cho biết cô không phải là mẫu phụ nữ thích làm điệu, vì đơn giản việc mua sắm quần áo, mỹ phẩm thật sự là xa xỉ. Vì thế, trong tủ áo của Thảo, chỉ có đúng ba bộ váy để cô diện mỗi khi dự đám cưới hay một sự kiện vui nào đó. Còn ngày thường thì Thảo hay mặc đồ thể thao.

Tại ASIAD, Thảo đạt thành tích 6m55, giành HCV nhảy xa. Mục tiêu trong tương lai của VĐV quê Ba Vì chính là cải thiện được khoảng... 25 cm nữa. “Tôi chỉ mong mình có thể nhảy được 6m80 là thành công lắm rồi vì do thể hình, điều kiện không thể phát triển hơn được nữa. Tôi cũng mong thể thao Việt Nam trong tương lai sẽ có nhiều vận động viên nhảy được 6m80 đến 7m”, Thu Thảo chia sẻ.