Vị trí của các đội bóng Việt

Theo bảng xếp hạng (BXH) FIFA mới nhất được công bố đầu tháng 4, đội tuyển Việt Nam nhận tin vui khi tăng một bậc lên hạng 98 thế giới, vẫn giữ vị trí 16 bảng xếp hạng các đội tuyển châu Á và dẫn đầu tại khu vực Đông - Nam Á. Song, nhìn vào BXH các CLB xuất sắc nhất châu Á tháng 3-2019, chúng ta lại không khỏi chạnh lòng về thứ hạng của các CLB Việt Nam.

CLB Hà Nội (áo tím) liệu đã buông AFC Cup. Ảnh: FOXSPORT
CLB Hà Nội (áo tím) liệu đã buông AFC Cup. Ảnh: FOXSPORT

1 Trang web chuyên về thống kê footyrankings.com đã công bố BXH các CLB hàng đầu châu Á. Với các CLB ở khu vực Đông - Nam Á, có thứ hạng cao nhất là Johor Darul Ta’zim (Malaysia) hạng 28, xếp sau là Buriram United (Thái-lan) hạng 31 và Ceres Negros (Philippines) - hạng 32. CLB của Việt Nam xếp hạng cao nhất là đương kim vô địch V.League CLB Hà Nội hạng 71. Các đội bóng khác là Becamex Bình Dương (hạng 88), FLC Thanh Hóa (hạng 99), Sông Lam Nghệ An (hạng 108) và Than Quảng Ninh (hạng 128). BXH này dựa trên thành tích của các CLB Việt Nam ở đấu trường châu Á những năm qua. Và những thứ hạng trên cho thấy một nghịch lý trớ trêu của bóng đá Việt. Hơn một năm qua, các cấp độ đội tuyển Việt Nam liên tục thể hiện sức mạnh đáng khen ngợi, không chỉ trở thành “vua” của khu vực, mà còn đang mạnh mẽ vươn tầm châu Á. Song, ở khía cạnh CLB, bóng đá Việt lại tụt hậu một cách lạ kỳ và vô cùng ảm đạm.

Người ta phê phán nặng nề thất bại của Hà Nội trước Yangon United (Myanmar) trong lượt trận vòng bảng AFC Cup 2019 tối 2-4. Đội bóng đương kim vô địch V.League đã có một trận đấu đáng thất vọng trước đối thủ kém mình toàn diện, nhiều cầu thủ trụ cột đã bất ngờ chơi sa sút để lại điều tiếng xấu. Được ví là tuyển Việt Nam thu nhỏ với không ít những gương mặt đang là nòng cốt tuyển quốc gia, CLB Hà Nội không chỉ thi đấu cho mình mà còn có sứ mệnh làm bộ mặt cho bóng đá nước nhà ra châu lục. Chính vì thế, họ bị chỉ trích cũng là dễ hiểu. Hay trước đó vài tuần, B.Bình Dương thất bại 1-3 trước Ceres Negros (Philippines) cũng trên sân nhà với những sai lầm ngớ ngẩn từ thủ thành Tấn Trường.

2 Nếu xét ở bình diện đội tuyển quốc gia thì Việt Nam không ngại bất kỳ đội tuyển nào ở khu vực, nhưng ở cấp CLB thì mọi thứ lại hoàn toàn khác. Dấu ấn lớn nhất mà các CLB Việt Nam để lại ở sân chơi châu lục chính là việc CLB Bình Dương vào tới bán kết AFC Cup 2009. Trước đó, SHB Đà Nẵng cũng từng tiến đến tứ kết năm 2010 và lần gần nhất là năm 2014 khi CLB Hà Nội (lúc đó còn là Hà Nội T&T) và Xi-măng The Vissai Ninh Bình (đã giải thể) đứng trong tám đội mạnh nhất. Bóng đá Việt Nam cấp CLB đang cho thấy sự chững lại so với các đối thủ trên trường châu lục. Đáng chú ý là với thể thức của AFC Cup, vòng bảng là cuộc cạnh tranh của các CLB trong từng khu vực. Đây tưởng chừng sẽ là lợi thế cho các đại diện của Việt Nam khi chỉ phải đối đầu với các đội cùng khu vực Đông - Nam Á, nhưng kết quả thực tế lại hoàn toàn trái ngược.

Còn tại AFC Champions League, mặc dù đã có nhiều sự đầu tư, các CLB Việt Nam cũng chẳng thể tiến xa hơn vòng loại khi luôn chịu thua đậm trước các đại diện của Hàn Quốc, Trung Quốc... Năm 2004, AFC cho Việt Nam hai suất dự Champions League. Sau hơn chục năm góp mặt “miễn cưỡng”, bóng đá Việt Nam chỉ còn 1,5 suất từ năm 2015 và hiện nay giảm còn... nửa suất, đồng nghĩa với việc các CLB Việt Nam chỉ có thể được thi đấu ở sân chơi “hạng hai” AFC Cup. Bên cạnh đó, các đội dự AFC Cup lại được dùng đến bốn ngoại binh, một trong số này gốc Á. Trong khi V.League giới hạn mỗi CLB chỉ được đăng ký ba ngoại binh và một cầu thủ nhập tịch. Như vậy các đội Việt Nam không thể trả lương cho một ngoại binh chỉ để đá vài trận châu Á.

Có lẽ, vừa tốn kém, lại không giành được kết quả tốt tại AFC Champions League và AFC Cup nên các CLB Việt Nam thường chỉ tham gia theo kiểu cho có, đi cọ xát chứ không hề có tham vọng tiến sâu. Và người hâm mộ dù có khát khao giấc mơ AFC Cup đến đâu, nhưng điều họ chờ đợi lại là các đại diện Việt Nam sẽ chọn điểm dừng nào để tránh tiêu tốn ngân sách cũng như giữ được lực lượng tốt nhất để tranh tài ở mặt trận quốc nội.