U22 Việt Nam và giấc mơ còn dang dở

Dù phải đối mặt với lịch thi đấu dày đặc tại bảng B môn bóng đá nam SEA Games 30 diễn ra cuối tháng 11, nhưng U22 Việt Nam vẫn rất quyết tâm hoàn thành giấc mơ “vàng” còn dang dở.

U22 Việt Nam hướng tới chiếc HCV SEA Games 30 đầu tiên. Ảnh | Nguyên An
U22 Việt Nam hướng tới chiếc HCV SEA Games 30 đầu tiên. Ảnh | Nguyên An

Tấm HCV bóng đá nam SEA Games luôn là khát khao của bóng đá Việt Nam. Sau 29 kỳ đại hội, Thái Lan đã có 15 tấm HCV, trong khi hơn nửa thế kỷ sau chiếc HCV SEA Games 1959 (giải đấu tiền thân của SEA Games), bóng đá Việt Nam chưa có thêm một lần lên ngôi. Tính từ năm 2001 khi giải đấu này giới hạn lứa tuổi dưới 23, Việt Nam ba lần vào đến chung kết nhưng lần lượt thua Thái Lan (2003 và 2005), Malaysia (2009), chưa kể tuyển quốc gia một lần thua Thái Lan cũng ở SEA Games 1995. Sau những lần về nhì giải U23 châu Á hay bán kết ASIAD 18, tứ kết Asian Cup 2019 và nhất là chức vô địch AFF Cup 2018, lần đầu tiên, chúng ta đặt mục tiêu săn vàng SEA Games 30, chứ không chỉ đơn thuần là vào chung kết.

Tại SEA Games 30, U22 Việt Nam nằm ở bảng B “tử thần” với năm đội gồm U22 Thái Lan, U22 Indonesia, U22 Lào, U22 Singapore và U22 Brunei. Theo lịch thi đấu, U22 Việt Nam sẽ lần lượt gặp các đối thủ từ “nhẹ ký” như U22 Brunei và U22 Lào ở những lượt trận đầu, sau đó mới đụng độ đối thủ cạnh tranh trực tiếp ngôi nhất bảng là U22 Thái Lan và U22 Indonesia. Tuy nhiên, kết quả này có phần tương tự SEA Games 2017, khi đó chúng ta cũng nằm chung nhóm với người Thái và Indonesia. Năm đó, dù có khởi đầu khá thuận lợi bằng những chiến thắng liên tiếp trước các đối thủ yếu nhưng đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng vẫn thảm bại 0-3 trước Thái Lan ở trận cuối cùng vòng bảng và không giành quyền vào bán kết. Nhờ “cú tát” điếng người này, bóng đá Việt Nam có cuộc trở mình mạnh mẽ dưới triều đại của “phù thủy” Park Hang-seo.

Nếu muốn hiện thực hóa giấc mơ dang dở với HCV SEA Games, HLV Park Hang-seo sẽ phải tính toán rất kỹ. Người Thái đã được nhận lệnh phải thắng Việt Nam để bảo vệ “vàng”. Không chỉ đánh bại đối thủ, U22 Việt Nam cần bảo đảm tình trạng thể lực sung sức của các cầu thủ với mật độ thi đấu dày đặc trung bình hai ngày/trận. Đây là nhiệm vụ khó khăn vì ban tổ chức chỉ cho các đội đăng ký 20 cầu thủ, tính luôn hai suất đặc cách dành cho hai tuyển thủ trên 22 tuổi (U22+2).

Ở đội tuyển U22 hiện tại, ngoài lứa Quang Hải, Văn Hậu, Tiến Dũng, Tiến Linh, Đức Chinh và Thành Chung, hầu hết số còn lại là những cầu thủ trẻ lứa U20, ít kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Tuyến giữa có thể là nơi HLV người Hàn không yên tâm nhất. Việt Hưng, Hoàng Đức hay Thái Quý vẫn chưa chứng minh được vai trò, minh chứng rõ nhất là trận hòa 1-1 mới đây trước U22 UAE, hàng tiền vệ U22 Việt Nam thi đấu thiếu kết dính và thiếu một nhạc trưởng đích thực.

Như vậy hai tuyển thủ trên 22 tuổi thi đấu đa năng từ hai vị trí trở lên sẽ được ưu tiên và có thể đắp vào những vị trí yếu nhất. Việc còn lại sẽ phụ thuộc vào “bàn tay phù thủy” của HLV Park Hang-seo. U22 và U23 Việt Nam chưa nhận thất bại nào ở mười trận đã qua trong năm 2019 tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, lúc này thầy Park có vẻ đã và đang tự làm bản thân kiệt sức, kiệt trí khi phải ôm quá nhiều việc cho bóng đá Việt Nam. Lắp ghép đội hình U22 Việt Nam như thế nào để nó vận hành theo đúng những gì ông muốn là điều không hề đơn giản. Chưa kể, ban huấn luyện và các cầu thủ U22 Việt Nam đang phải đánh vật với mặt sân cỏ nhân tạo, khi môn bóng đá sẽ diễn ra trên các sân cỏ nhân tạo tại Philippines. So với sân cỏ tự nhiên, mặt cỏ nhân tạo cứng hơn khiến tốc độ và việc xoay xở của các cầu thủ trở nên khó khăn và dễ gặp chấn thương. Chính vì thế mà lần sang Philippines này, HLV Park Hang-seo cần nhiều chuyên gia thể lực, bác sĩ và chăm sóc viên, đó là sự chuẩn bị cần thiết với một giải đấu mà bóng đá Việt Nam đặt mục tiêu cao nhất.