Sự trở lại của bóng ma tiêu cực

Khi mà giới truyền thông và người hâm mộ đang bay bổng với những chiến tích từ các đội tuyển Việt Nam. Thì, ở một số giải đấu lại xuất hiện những biểu hiện “bất thường” khiến cho bóng đá nước nhà quay trở lại mặt đất, tiếp tục sống chung với sự hoài nghi.

Tình huống Văn Quân phản lưới nhà dấy lên sự hoài nghi. Ảnh: DƯƠNG THU
Tình huống Văn Quân phản lưới nhà dấy lên sự hoài nghi. Ảnh: DƯƠNG THU

Những ngày đầu tháng 4, bóng đá trong nước dậy sóng với pha dứt điểm thẳng vào lưới nhà của trung vệ Nguyễn Văn Quân (Cần Thơ) ở trận gặp Bình Phước tại Cúp Quốc gia 2019. Dù bàn thắng này không được công nhận theo luật FIFA nhưng đó là vết gợn cực lớn về hành động “bất thường” này. HLV Nguyễn Thanh Danh ra sức bảo vệ cậu học trò khi nhận định rằng Văn Quân không có ý phản lưới nhà, do lỗi kỹ thuật, phối hợp với thủ môn không ăn ý và gió lốc xoáy quả bóng ngược vào lưới. Bản thân Văn Quân cũng nói tình huống ấy đơn thuần là lỗi chuyên môn, không có tiêu cực. Cầu thủ này đã bị CLB tước băng đội trưởng và treo giò ba trận. Sau đó, Ban kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ra phán quyết rất nặng: treo giò hết lượt đi giải hạng Nhất 2019 và phạt 20 triệu đồng. Cách đấy không lâu, thủ môn Tấn Trường của CLB B.Bình Dương mắc hai sai lầm tại AFC Cup 2019 khiến đội nhà thua thảm. Thủ môn này bị “treo găng” nội bộ hết giai đoạn lượt đi và để lại điều tiếng rất xấu.

Một trong những kênh quan trọng giúp VFF đưa vào danh sách những trận đấu bị nghi ngờ là báo cáo của Sportradar - công ty nổi tiếng thế giới có trụ sở tại Thụy Sĩ, chuyên phát hiện tiêu cực dựa trên những phân tích dữ liệu thể thao. Trong văn bản gần đây nhất gửi VFF và VPF, Công ty Sportradar đã thống kê một vài CLB có nghi ngờ dàn xếp tỷ số ở giải giao hữu trước khi V.League 2019 khởi tranh. Hay một số trận tại vòng loại U19 quốc gia cũng bị Sportradar đưa vào diện có vấn đề như Bình Định gặp HAGL ngày 20-2, Bến Tre gặp Tây Ninh ngày 22-2, Bình Định gặp Khánh Hòa ngày 25-2, Phú Yên gặp Lâm Đồng ngày 2-3.

Tại giải U19 Quốc gia 2019 vừa kết thúc cuối tháng 3, trong trận đấu vòng bảng giữa U19 Hà Nội và U19 Phú Yên đã xảy ra hành vi “phản cảm”. Đội Phú Yên sau 80 phút đầu chơi rất hay, kiên cường phòng ngự và khiến đối thủ bế tắc thì bỗng nhiên Hà Nội có bàn thắng dễ còn hơn lấy đồ trong túi sau sai lầm của thủ môn. Nhưng ngạc nhiên hơn cả là sau bàn thua, trong 10 phút cuối trận, các cầu thủ Phú Yên lại thể hiện thứ bóng đá phản tinh thần thể thao, dù bị thua nhưng chỉ chuyền bóng cho nhau ở phần sân nhà chờ hết giờ. HLV trưởng đội Phú Yên sau đó đã giải thích rằng, vì đối thủ mạnh hơn nên các cầu thủ không dám tấn công, sợ thua đậm hơn.

Bóng đá Việt Nam đã từng có nhiều vụ tiêu cực gây chấn động mà phải nhờ sự can thiệp của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, ngoài những vụ quá lớn, hầu hết những vụ việc đều rộ lên một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Nó chỉ như phần nổi của tảng băng chìm và gần đây có dấu hiệu bùng phát trở lại, thường xảy ra ở các giải bị cho là không quan trọng, ít được chú ý. Và có “mùi” hay không thì chỉ có những người trong cuộc mới rõ nhất.

Những vụ việc vừa qua là rất đáng báo động cho những người làm bóng đá Việt phải luôn tập trung đề phòng tiêu cực vì nó sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền bóng đá. Chưa biết là cầu thủ vô ý hay không, nhưng nếu trình độ của các cầu thủ kém như thế thì tại sao vẫn có thể chơi bóng chuyên nghiệp nhiều năm đến vậy. Còn nếu có tiêu cực thì nhất định phải xử phạt nặng để làm gương cho phần còn lại. Một trong những lý do để “bóng ma” tiêu cực vẫn tồn tại là quy định kỷ luật và cách xử lý của VFF vẫn còn lỏng lẻo. Nếu những nhà quản lý bóng đá Việt Nam không quyết liệt, làm mạnh tay, dứt khoát và uy tín hơn nữa, thì hình ảnh đẹp mà các đội tuyển quốc gia thời gian qua mang lại sẽ bị vấy bẩn vì những vụ lợi cá nhân.