Nỗi lo về sự quá tải

Có lẽ, thứ duy nhất có thể ngăn cản Quang Hải ra sân thi đấu là chấn thương. Không may, điều đó đã xảy ra tại SEA Games 30. Nhưng sự thật là Quang Hải cũng đến lúc cần được nghỉ ngơi.

Quang Hải dính chấn thương sau pha va chạm với Irfan U22 Singapore. Ảnh: D.P
Quang Hải dính chấn thương sau pha va chạm với Irfan U22 Singapore. Ảnh: D.P

Nguyễn Quang Hải là cái tên mà không một người hâm mộ bóng đá Việt Nam nào không biết. Với tài năng và sự khéo léo của mình, Quang Hải thường bị đối phương “chăm sóc” đặc biệt. Những pha vào bóng trên mức cần thiết, thậm chí chặt chém xảy ra như cơm bữa, nhưng ta vẫn thấy Hải khéo léo né tránh được. Dù đau đớn trong phút chốc, ta lại thấy Hải bật dậy thoăn thoắt trên sân sau vài phút. Song, dù có những phẩm chất khác người như đôi bàn chân số 42 ngoại cỡ so với chiều cao hay nguồn năng lượng tưởng như đốt không bao giờ cạn... Hải vẫn là một cơ thể sinh học bình thường. Cơ thể ấy vẫn phải mệt mỏi, vẫn phải loạng choạng và vẫn biết đau. Con người không phải cỗ máy, dù ý chí mạnh đến cỡ nào và thể lực bền bỉ đến đâu, rồi cũng đến lúc đôi chân không thể nghe theo chỉ đạo của não bộ. Và trong lượt trận vòng bảng SEA Games 30 gặp U22 Singapore, sau pha va chạm không phải quá quyết liệt với Irfan Fandi, thủ quân của U22 Việt Nam đã ngã xuống đau đớn và phải ra sân ít phút sau đó.

Quang Hải bị rách cơ nhị đầu đùi trái, cần hai tuần nghỉ ngơi, hồi phục bằng vật lý trị liệu. Chấn thương này như là hệ quả tất yếu, nếu chúng ta thấy mật độ thi đấu dày đặc mà Hải đã chơi trong vòng hai năm qua. Chặng đường vươn vai của bóng đá Việt Nam thời gian qua in đậm dấu ấn của ngôi sao sinh năm 1997. Tài năng của Hải được khai thác triệt để và chuyện quá tải là điều ai quan tâm đều nhận thấy.

Năm 2018, theo thống kê Quang Hải đã thi đấu 54 trận cho cả CLB Hà Nội và các ĐTQG. Con số này trong năm 2019 thậm chí cao hơn, lên tới 57 trận chưa tính các trận đấu tại SEA Games 30. Cụ thể, Quang Hải chơi 42 trận cho CLB Hà Nội ở các đấu trường V.League, AFC Cup và Cúp Quốc gia; 15 trận cho các ĐTQG gồm Asian Cup, King’s Cup, Vòng loại U23 châu Á và Vòng loại World Cup 2022. Và dấu hiệu quá tải của Quang Hải bắt đầu từ nửa lượt đi V.League 2019, chúng ta không còn thấy Hải bùng nổ nhiều nữa. Đó là hệ quả của chuỗi ngày thi đấu quá nhiều, “chán bóng” là điều mà những ai tinh ý sẽ nhận ra khi xem Hải thi đấu gần đây. Hai trận đấu gần nhất của Hải trong mầu áo tuyển Việt Nam trước UAE và Thái-lan diễn ra thiếu điểm nhấn và điều đó kéo dài cho đến cả SEA Games. Quang Hải chưa tỏa sáng, một phần là vì chiến thuật giữ quân của ông Park, nhưng phần khác bởi tự thân Hải không ở trạng thái thăng hoa, đang có dấu hiệu bị bắt bài. Tuy nhiên, phong độ có lên xuống nhưng ít nhất Hải vẫn thi đấu ở mức tròn vai. Tại SEA Games 30, HLV Park Hang-seo đã “giữ” Quang Hải tối đa khi cất anh trong trận đầu với Brunei, chỉ vào sân hiệp hai đấu với Lào và trận gặp U22 Indonesia mới là lần đầu Quang Hải phải bung hết sức. Nhưng tới trận đấu với Singapore thì Quang Hải không tránh khỏi số phận hẩm hiu.

Cách đây hơn nửa năm, trung vệ trẻ tài năng Trần Đình Trọng bị đứt dây chằng gối sau tình huống vấp chân. Dù được tiến hành phẫu thuật cấp tốc, nhưng vẫn lỡ hẹn với SEA Games 2019. Kết luận thời điểm đó cho biết Đình Trọng bị quá tải, dẫn đến đôi chân không còn đủ độ bền, tự gây ra chấn thương. Và hiện tại đến lượt Quang Hải. Còn nhiều đồng đội cùng chinh chiến với Hải là Văn Đức, Xuân Trường, Văn Thanh... cũng lần lượt chấn thương trong thời gian dài. Đây là lời cảnh tỉnh cho việc vắt sức cầu thủ trẻ của chúng ta bởi bóng đá Việt Nam sẽ vẫn phải tiếp tục trông chờ vào thế hệ này. Nhưng nếu họ liên tục bị quá tải như vậy thì sẽ là thảm họa với cá nhân các cầu thủ và triển vọng của tuyển Việt Nam ở các giải đấu quan trọng tiếp theo.