Cung thủ Lộc Thị Đào

Kỷ lục gia SEA Games & giấc mơ Olympic

2019 có thể nói là một năm thành công nhất trong sự nghiệp thi đấu của Lộc Thị Đào. Tuy nhiên, cung thủ người Bắc Giang chưa bao giờ hài lòng với những gì đã làm được. Sau kỳ nghỉ Tết ý nghĩa bên gia đình, nhà vô địch SEA Games lại lao vào tập luyện để hướng tới mục tiêu chinh phục tấm vé Olympic 2020.

Ảnh: HOÀNG TÙNG
Ảnh: HOÀNG TÙNG

ghi dấu ấn tại SEA Games 30

Ba tấm HCV của môn bắn cung tại SEA Games đều mang dấu ấn của Đào. Hành trình lên ngôi số một ấy giống như một câu chuyện cổ tích, khi có quá nhiều những khó khăn, thử thách, sự đánh đổi và hy sinh, để rồi cái kết thật có hậu. Đến bây giờ, Đào dường như vẫn chưa tin là mình lại có thể giành tới ba tấm HCV SEA Games, điều mà chưa có cung thủ Việt Nam nào làm được?

Nói thật tôi có nằm mơ cũng không nghĩ mình giành cả ba HCV. Trước đó, tôi chỉ đặt mục tiêu giành một đến hai HCV và chỉ biết cố gắng hết sức để thi đấu. Tôi cảm ơn những người đồng đội, các thầy, bố mẹ đã luôn ở bên mình trong những lúc khó khăn.

Đào có thể chia sẻ về những khó khăn mà mình phải đối mặt trên đất Philippines?

Khó khăn đầu tiên chính là tôi phải chiến thắng chính mình. Tôi khá run khi lĩnh ấn tiên phong cho đội tuyển bắn cung Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó tôi dần lấy lại được bình tĩnh. Tôi nghĩ rằng làm sao phải phát huy được tất cả những gì mình đã tập luyện. Để có cơ hội mà không tận dụng được thì thật đáng tiếc bởi không thể lấy lại được nữa. Bản thân mình không thắng được mình thì sao thắng được đối thủ. Nghĩ vậy nên tôi bình tĩnh tập trung làm những gì đã tập luyện nhiều tháng trời trước đó và kết quả đã vượt quá mong đợi.

Trong trận chung kết tôi đã bị đối thủ Myanmar chơi xấu. Tôi dẫn tới 4-0 nhưng bị bật lại thành 4-4. Lúc đấy, tim đập nhanh lắm. Tôi phải tự trấn an rằng không sao cả, khi quay về mốc xuất phát thì không ai hơn ai, coi như mình làm lại từ đầu. Có sự thoải mái và tự tin, tôi đã giành chiến thắng chung cuộc.

Được biết, khi thi đấu Đào đã gặp vấn đề về sức khỏe?

Tôi bị sốt với cảm cúm đau đầu từ mấy ngày trước khi thi đấu. Càng sát ngày đấu tôi càng mệt và đau nhưng sợ uống thuốc vào sẽ còn mệt và buồn ngủ, nên không dám uống. Tôi nghĩ mình chỉ có thể cố gắng vượt qua bài xếp hạng ở vòng loại buổi sáng. Đến buổi chiều, người tôi toát mồ hôi ướt hết mà tay thì nổi da gà và lạnh, đầu nặng đau nhức, kèm theo cả ho. Không chịu được tôi buộc phải uống thuốc liều cao để hạ sốt, sau 30 phút cảm thấy đỡ hơn.

Tôi không dám uống thêm thuốc ho và cảm cúm vì sợ cơ thể phản ứng sẽ không thi đấu được. Nói thật lúc đó cơ thể mệt mỏi rã rời, không nghĩ là mình có thể trụ lại đến cùng.

Gia đình là động lực để cố gắng

Sau một năm tập luyện, thi đấu, hành trang về quê ăn Tết của Đào năm nay có ba tấm HCV quý giá vừa giành được trên đất Philippines. Cảm giác về quê của nhà vô địch thế nào?

Sau SEA Games tôi chưa được về nhà luôn mà phải ở lại đội có việc. Bố mẹ đã thuê ô-tô lên Hà Nội đón tôi. Cả nhà vui lắm, cười nói suốt trên chuyến xe. Vì là con út trong nhà nên bố mẹ rất thương tôi. Mỗi lần về nhà, bố mẹ luôn nấu những món ăn ngon nhất. HCV SEA Games hay không có huy chương cũng đều được bố mẹ chiêu đãi như vậy.

Gần 10 năm thi đấu, có lẽ Đào không thể nhớ hết thành tích của mình, nhưng chắc chắn lưu giữ những tấm huy chương và coi đó là tài sản vô giá?

Tôi nhờ bố đóng cho một chiếc tủ kính để cất giữ huy chương. Chiếc tủ có sáu khay, lúc đầu tôi nghĩ để đủ hai khay là giỏi rồi, nhưng giờ thì đã chật kín. Bố nói sẽ đóng chiếc tủ mới vì tin rằng con mình sẽ còn giành thêm nhiều huy chương nữa.

Đào đến với môn bắn cung như thế nào?

Gia đình tôi có bốn anh em. Anh cả ở nhà trồng rừng với bố mẹ, hai chị là giáo viên. Cả nhà chả ai biết gì về thể dục thể thao cả, bắn cung càng không.

Đang học lớp 8 trường làng thì tôi được gọi vào đội tuyển bóng rổ của tỉnh Bắc Giang, sau ra Hà Nội tập luyện, rồi chuyển sang bắn cung. Lúc đầu bố mẹ đã ngăn cản, nhưng thương con cũng đành đồng ý.

Sau này bố mẹ luôn là chỗ dựa để Đào có động lực phấn đấu?

Đúng vậy. Mặc dù xa nhau nhưng bố mẹ luôn dành cho tôi những lời yêu thương. Mỗi khi thi đấu xong tôi thường gọi cho mẹ đầu tiên. Mẹ cũng hay động viên tôi bằng những tin nhắn rất xúc động, giúp tôi có thêm rất nhiều sức mạnh để vượt qua khó khăn. Tôi thấy mình may mắn và đây cũng là động lực lớn nhất để tôi quyết tâm, cố gắng hơn nữa.

Sau SEA Games, tôi về nhà được một ngày rồi lại phải lên đường sang Hàn Quốc tập huấn. Mẹ nói chưa kịp gặp, chưa hết nhớ đã lại xa con. Tôi biết mẹ rất thương con, lo cho con mệt. Mẹ sợ tôi khóc nên chỉ khi chia tay mới lại nhắn tin động viên. Tôi luôn giữ những tin nhắn của mẹ.

Mỗi lần về nhà bố mẹ lại giục Đào... lấy chồng?

Nhà tôi ở quê nên tầm 22-23 tuổi là bố mẹ giục lắm rồi. Gần như lần nào về nhà là bố mẹ lại hỏi chuyện bao giờ thì lấy chồng, khiến tôi chẳng biết trả lời thế nào. Thật sự thấy mẹ buồn thì mình cũng hơi buồn vì chuyện ấy, nhưng sau nhiều lần tâm sự thì mẹ cũng hiểu, ủng hộ tôi làm những điều mong muốn, miễn sao là cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.

Giấc mơ Olympic

Tập bắn cung gian khổ như nào và có hay gặp chấn thương như những môn đối kháng?

VĐV bắn cung hầu như ai cũng chấn thương vai. Nhìn thì dễ nhưng ít ai biết chiếc cung rất nặng. Tôi cũng gặp vấn đề cả ở gối và khớp chân. Ngày trước, phải tập chạy nhiều, tôi chưa ý thức được nguy cơ dính chấn thương, nhưng quan trọng hơn là cũng chưa có tiền mua giày bảo đảm để tập luyện. Hậu quả là bây giờ đi bộ khớp gối cũng kêu lạch cạch. Ba năm trước, tôi từng bị chấn thương nặng phải sang Trung Quốc điều trị.

Ngoài chấn thương, các VĐV bắn cung cũng phải rèn luyện về tâm lý thi đấu. Đây vẫn làm điểm yếu của các VĐV Việt Nam?

Thời gian đầu tôi bị tâm lý khá nặng nề, bởi cứ khi tập ở nhà đều đạt thành tích rất cao, nhưng mỗi khi thi đấu là kém. Đến gần đây, tôi mới nhận ra nguyên nhân là tôi hay tự tạo ra áp lực cho mình. Vì thế, nếu không thắng được chính bản thân, sẽ không thể thắng được đối thủ.

Mục tiêu trong năm nay của Đào là gì?

Tôi sẽ lên đường sang Đức để tranh cúp thế giới vào tháng 6 tới. Ngoài những đội đã có vé như Mỹ, Hàn Quốc... tốp ba đồng đội có thành tích cao nhất giải đấu này sẽ được tham dự Olympic tại Nhật Bản.

Thương bố mẹ và thương chính mình, tôi tự nhủ phải luôn cố gắng hết sức, giống như cái cách vượt khó trên đất Philippines để mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Xin cảm ơn Đào về cuộc trao đổi!

Kỷ lục gia SEA Games & giấc mơ Olympic ảnh 1

Ảnh: CAO OANH

Tiền thưởng gửi bố mẹ xây nhà mới

Sau ba tấm HCV SEA Games, Lộc Thị Đào đã được thưởng nóng khoảng 100 triệu đồng. Cung thủ sinh năm 1993 cho biết, cô có năm đứa cháu, nên cho mỗi cháu 500 nghìn đồng. Đào chỉ giữ lại hai triệu đồng tiêu vặt, còn lại gửi hết cho bố mẹ để xây lại căn nhà.