Cựu danh thủ Đặng Phương Nam

Cầu nối giữa bóng đá & nghề bình luận viên

Trong lứa thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam, Đặng Phương Nam không nổi như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Hữu Thắng. Tuy nhiên trong khoảng thời gian khoác áo đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) cũng như Thể Công, Phương Nam luôn đạt những dấu mốc quan trọng của mình trên sân cỏ. Cũng giống như ngoài đời, cựu cầu thủ Thể Công đang theo đuổi những mơ ước lớn, mà không phải cầu thủ nào cũng có thể làm được.

Đặng Phương Nam khi còn thi đấu trong mầu áo Thể Công.
Đặng Phương Nam khi còn thi đấu trong mầu áo Thể Công.

Từ cầu thủ tới bình luận viên

12 tuổi, cậu bé Phương Nam đã khóc cạn nước mắt khi đội tuyển yêu thích Liên Xô thất bại trước Hà Lan trong trận chung kết Euro 1988. Tám năm sau đó cũng ở một kỳ Euro tại Anh, thằng bé ngày nào từng khóc nhè đã lần đầu được gọi lên tuyển khoác áo ĐTVN. Và 10 năm sau, một Phương Nam trưởng thành được nhiều người biết đến nhiều hơn trong vai trò bình luận viên bóng đá, cái nghề “xưa nay hiếm” với giới cầu thủ Việt Nam. Những cột mốc đó là quá đủ giúp Phương Nam có những cảm xúc, trải nghiệm với nghề. Anh vẫn nói với mọi người rằng, Phương Nam chính là cầu nối giữa bóng đá về nghề viết, nghề bình luận viên...

Phương Nam tâm sự, cái nghiệp bình luận viên đến thật tình cờ: “Hồi còn làm cầu thủ, bình luận viên Quang Huy hay phỏng vấn, thấy tôi trả lời lưu loát nên mời về cộng tác. Đầu tiên là AFF Cup, sau đó đến giải ngoại hạng Anh, V.League. Đến năm 2009, tôi bắt đầu chuyển hẳn sang làm bình luận viên cho kênh Bóng đá TV và nhận lời viết cho nhiều báo thể thao”. Tình cờ là vậy nhưng Phương Nam đã có những thần tượng từ rất lâu. Từ hồi bé anh đã rất yêu quý và phục các bậc tiền bối đi trước như bác Hoài Sơn, Đình Khải trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau này rất thích Quang Tùng, Quang Huy, Long Vũ.

“Tất nhiên, với công việc không phải sở trường của mình nên lần đầu tiên lên sóng bị run lắm. Tuy nhiên khi đã làm việc cùng những người chuyên nghiệp, mình bị cuốn theo câu chuyện, chỉ tập trung vào việc phân tích tình huống, nên dần thấy tự tin hơn. Ngoài ra, cũng rất may là bố mẹ từng là giáo viên nên tôi cũng học được các phương pháp sư phạm, tạo nên khả năng truyền đạt, diễn đạt dễ hiểu”, Đặng Phương Nam cho biết.

Bố của Phương Nam, ông Đặng Gia Mẫn (biệt danh Mẫn “lùn”) cũng từng một thời là tiền vệ nổi tiếng của các đội Công nhân Nghĩa Bình và Công nghiệp Hà Nam Ninh. Còn nhớ, kỳ World Cup 2010, hai bố con đều được mời lên bình luận chung một trận bóng đá. Cả hai đã tạo nên một “cặp bài trùng” hiếm có trong làng bình luận bóng đá Việt Nam.

Ai nói cầu thủ chỉ “tứ chi phát triển”

Xác định là sẽ rất khó khăn với ngã rẽ mới, nhưng tính Phương Nam vẫn vậy, đã theo đuổi cái gì là theo đến cùng. Theo anh, bước chuẩn bị cho một lần lên sóng chủ yếu là chuẩn bị thông tin trước một trận đấu, giải đấu cụ thể. Chẳng hạn như giải ngoại Hạng cần phải nắm rõ về đội hình, thành tích đối đầu, những thông tin bên lề chung quanh. Bình luận cũng có sự khác biệt giữa trước, trong và sau trận đấu với bình luận cả trận. Tuy nhiên với công việc thường là bình luận về vấn đề chuyên môn như dự đoán chiến thuật, phân tích lối chơi... những cái này thì cựu tiền đạo CLB Thể Công nắm rất rõ.

Cùng với Phương Nam, một đồng đội cũ của anh là Như Thuần cũng trở nên quen thuộc trên sóng truyền hình. Phương Nam cho rằng, một bình luận viên bóng đá sẽ có lợi thế rất nhiều khi từng là cầu thủ. Ngoài chuyên môn tốt, nếu sở hữu khả năng diễn đạt cũng tốt, một cầu thủ hoàn toàn có thể làm một bình luận viên.

Tất nhiên không phải ai cũng nói tốt, nói hay như bây giờ. Nam kể, thời gian đầu anh bị người xem chê nhiều lắm bởi không có nhiều kinh nghiệm trong công việc hoàn toàn mới này. “Bởi vì mình cũng là một trong những trường hợp hiếm hoi trong giới cầu thủ lại theo được nghiệp bình luận viên nên người xem cũng không quá khắt khe, bởi họ cũng đã dành những tình cảm khi mình còn chơi bóng”, Phương Nam kể lại hồi đầu mới theo nghiệp bình luận viên.

Sau này khi đã “có nghề”, được nhiều đài mời bình luận, Phương Nam bị cuốn hút vào công việc mới của mình. Các kỳ World Cup hay Euro, các đài mời liên tục, ngày nào cũng hai trận bình luận, mệt rã rời. Thời gian nghỉ tranh thủ ăn uống, cập nhật thông tin và “chạy sô” giữa đài này, đài kia.

Giờ thì Phương Nam chính thức đầu quân cho VTVcab, không chỉ bình luận mà còn chuẩn bị kịch bản, chịu trách nhiệm nội dung... với khối công việc như thế, rất khó có thời gian thảnh thơi những dịp World Cup hay Euro.

Khi được hỏi “Vì sao lại thích nghề bình luận viên”, Phương Nam cười trả lời thật thà: “Trước đây quan niệm của nhiều người thường cho rằng cầu thủ chỉ biết băm bổ đá bóng, thậm chí là “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển”. Tôi đã quyết tâm theo nghề bình luận viên để mọi người thay đổi tư duy đấy. Cầu thủ có thể làm mọi thứ, nếu có đam mê và chịu khó học hỏi”.

Theo đuổi đến cùng

Mỗi dịp cuối tuần, khi Viettel - hậu duệ của CLB Thể Công lẫy lừng, thi đấu trên sân Hàng Đẫy, Phương Nam lại xuất hiện. Giờ đây, người hâm mộ vẫn sẽ thấy một Đặng Phương Nam nhưng không phải ở trong khu vực kỹ thuật, quần áo huấn luyện mà là một chuyên gia với trang phục chỉn chu trên sóng truyền hình. Đôi khi chính Phương Nam cũng là MC của trận đấu, với những câu quen thuộc phát trên loa khắp sân như: “Chào mừng quý vị đến với trận đấu...”, hay “kết quả chung cuộc, đội Viettel đã giành chiến thắng... Xin được chúc mừng các chàng trai áo lính”.

Ngày 19-9-2018, Ban tổ chức giải hạng Nhất quốc gia thông báo CLB Viettel chính thức xin rút tên HLV phó Đặng Phương Nam khỏi thành phần ban huấn luyện đội bóng. Từ đó tới nay, Phương Nam đầu quân hẳn cho Tổng công ty truyền hình cáp Việt Nam. Chia sẻ về quyết định đầy khó khăn của mình, Phương Nam nói: “Sau rất nhiều ngày suy nghĩ, tôi đã quyết định xuất ngũ và chuyển công tác với nhiệm vụ sản xuất, tư vấn, bình luận các chương trình thể thao, đặc biệt là bóng đá. Một ngã rẽ mới nhưng tình yêu với bóng đá vẫn nguyên vẹn. Tất nhiên, khi rời bỏ công việc huấn luyện chuyên môn thì tôi cũng hụt hẫng, luyến tiếc với học trò, với đội bóng. Nhưng ngay khi sang VTVcab, tôi được giao rất nhiều việc và guồng công việc ấy đã cuốn mình vào, đòi hỏi mình phải suy nghĩ nhiều hơn, tập trung nhiều hơn, để góp phần làm cho các chương trình chất lượng hơn trước”.

Phương Nam thừa nhận, công việc của anh không dễ như nhiều người nghĩ. Nếu không có sự kiên nhẫn, không ngừng học hỏi để tự hoàn thiện bản thân, rất khó có thể trụ lại được. “Đây là một môi trường làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, cường độ làm việc của anh em thật “kinh khủng”, phải thường xuyên làm đêm, ca kíp để biên tập tin và sản xuất. Mỗi tuần, từng tốp, từng tốp tỏa đi khắp cả nước để làm V.League, hạng Nhất, Cúp quốc gia rồi Ngoại hạng Anh...”, cựu cầu thủ Thể Công cho biết.

Còn rất nhiều thách thức nhưng với “vốn” làm nghề gần chục năm, lại có kiến thức chuyên sâu về bóng đá, Phương Nam tự tin sẽ theo đuổi nghề tới cùng, để ngày càng ghi dấu đậm nét với người xem truyền hình. Những ai yêu quý Đặng Phương Nam đều tin rằng, với bản lĩnh của người lính cộng với tinh thần luôn khao khát vươn lên, chinh phục những thử thách mới, chàng bình luận viên vui tính, sâu sắc, sẽ phát huy được những thế mạnh về chuyên môn để tạo ra chất riêng không thể lẫn mỗi khi xuất hiện.

Cầu nối giữa bóng đá & nghề bình luận viên ảnh 1

Và là một bình luận viên. Ảnh trong bài: D.C

Theo Phương Nam, sự kết hợp giữa bóng đá và truyền hình mang tới nhiều cảm xúc: “Khi làm về bóng đá, mình đã có thể nghĩ ngay đến việc thể hiện trên truyền hình như thế nào. Cũng có người am hiểu về bóng đá nhưng lại chưa biết thể hiện như thế nào trên truyền hình và ngược lại. Thế nên cái sự kết hợp giữa bóng đá và truyền hình là một cái duyên của tôi và tôi đang cố gắng tận dụng điều đó”.