Vượt qua thử thách

Năm 2020 đầy sóng gió chuẩn bị khép lại. Tuy nhiên, ở rất nhiều nơi trên khắp thế giới, một bầu không khí lạc quan và tự tin vẫn đang được củng cố từng ngày, khi không ít gian nan thách thức đã ở lại sau lưng. 
 

Nền kinh tế Ô-xtrây-li-a đã bứt vọt để vượt qua một năm vô cùng khó khăn.
Nền kinh tế Ô-xtrây-li-a đã bứt vọt để vượt qua một năm vô cùng khó khăn.

1. Kể từ cuộc Ðại suy thoái năm 1930, chưa từng có năm nào nhiều những biến động lớn đến như vậy diễn ra với nền kinh tế Ô-xtrây-li-a (Australia).

Từ cuối năm 2019, Ngân hàng Dự trữ Ô-xtrây-li-a (RBA) đã buộc phải cắt giảm lãi suất chính thức xuống tới mức thấp kỷ lục 0,75%, khi đất nước này còn đang bị tàn phá bởi những đợt cháy rừng dữ dội, và những tin tức đầu tiên về đại dịch Covid-19 toàn cầu bắt đầu ập tới. Ngay đầu năm 2020, Ô-xtrây-li-a đã buộc phải đóng cửa biên giới quốc gia, RBA buộc phải hạ tiếp lãi suất xuống mức "không tưởng" 0,25% cùng "các chính sách tiền tệ bất bình thường" khác. Ðồng thời, Ô-xtrây-li-a chứng kiến thị trường chứng khoán sụt giảm tới 37% giá trị (từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 3), 600.000 việc làm biến mất trong vòng 30 ngày đó, và nền kinh tế sụt giảm 7% tăng trưởng trong quý II, chính thức rơi vào tình trạng suy thoái.

Song, với những nỗ lực điều tiết của nhà nước, những gói cứu trợ liên tiếp được bơm vào nền kinh tế cùng sự chung tay của mọi thực thể (đặc biệt là khối các ngân hàng thương mại), đến tháng 12, Ô-xtrây-li-a đã có thể ngẩng cao đầu. Quý III - 2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 3,3%, vượt xa mọi dự đoán lạc quan nhất, và chính là mức tăng trưởng GDP theo quý cao nhất trong vòng 45 năm qua.

2. Ngày 15-12, Chính phủ Nhật Bản thông qua gói ngân sách bổ sung thứ ba trị giá 21.840 tỷ yên (khoảng 210 tỷ USD) cho tài khóa 2020, sau hai gói với tổng trị giá 2.200 tỷ USD đã từng được sử dụng. Cũng như Ô-xtrây-li-a, quý III-2020 đánh dấu bước vượt thoát đáng chú ý của nền kinh tế Nhật Bản khỏi tình trạng suy thoái do những tác động nặng nề của dịch bệnh - điều đã khiến mức tăng trưởng ở quý II-2020 "mất mát" tận 28,8%.

Chưa phải là thành tựu quá lớn lao, cũng không đủ để giới chuyên môn đưa ra những dự báo lạc quan cho việc nền kinh tế Nhật Bản sẽ phải mất bao lâu để trở lại được như thời kỳ thịnh vượng, nhưng việc tăng được 5% so quý trước cũng đã chặn đứng đà lao dốc, từ đó tạo nên những niềm tin cần thiết cho tiến trình hồi phục trong tương lai gần.

3. Ngày 15-12, theo tuyên bố của Bộ trưởng Y tế Nga M.Mu-ra-skô (Mikhail Murashko), nước Nga chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, chỉ hơn một tuần sau khi Thủ đô Mát-xcơ-va (Moscow) mở đầu. Dự kiến, sẽ có khoảng 480.000 liều vắc-xin Sputnik V - loại vắc-xin đầu tiên trên thế giới được cấp phép lưu hành, và được phía Nga tự tin giới thiệu rằng có khả năng ngừa dịch bệnh trong hai năm - sẽ được tiêm ngay trong tháng này.

Vượt qua thử thách -0
Nước Nga đã sẵn sàng cho việc triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên toàn quốc. 

Theo ông Mu-ra-skô, giới chức Nga đã kiểm tra kỹ lưỡng mạng lưới vận chuyển để bảo đảm vắc-xin được phân phối an toàn. Hiện tất cả các vùng trên toàn quốc đều đã nhận được vắc-xin, sẵn sàng triển khai. Nga cũng sẽ sớm cấp phép lưu hành cho loại vắc-xin ngừa Covid-19 thứ hai trong những ngày tới.

4. Trong một động thái rất đáng chú ý, ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu xác nhận tổng thống mới của cử tri đoàn nước Mỹ, Tổng thống I-ran (Iran) H.Ru-ha-ni (Hassan Rouhani) tuyên bố trong một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp: I-ran sẵn sàng trở lại tuân thủ những cam kết hạt nhân của nước này theo Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015, nếu các bên khác của thỏa thuận tuân thủ những cam kết liên quan.

Ông cũng hối thúc chính quyền Mỹ sắp tới tham gia trở lại JCPOA và thực hiện những cam kết đã từng được ký kết - những điều mà trong nỗ lực gia tăng tối đa sức ép với I-ran, đương kim Tổng thống Mỹ Ðô-nan Trăm (Donald Trump) từng phủ định, thậm chí rút khỏi JCPOA. Nhà lãnh đạo I-ran, khi cảm nhận được những cơ hội từ sự "thay triều đổi đại" của nước Mỹ, cũng không quên nhấn mạnh: Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Tê-hê-ran (Tehran) là "không thể thương lượng", và "Tổng thống Mỹ đắc cử G.Bai-đơn (Joe Biden) nhận thức rõ điều này".