San lấp những bất đồng

Sau một thời gian lạnh nhạt với khá nhiều mâu thuẫn căng thẳng, các bên đã bắt đầu khởi động để thảo luận về các chương trình hợp tác. Ở rất nhiều điểm nóng, “nhiệt độ” đã bắt đầu dịu xuống, vì những lợi ích chung.

San lấp những bất đồng

1 Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp (S.Lavrov) tuyên bố Mát-xcơ-va (Moscow) ủng hộ đàm phán gia hạn Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tiến công chiến lược mới (START- 3). START- 3 được Mỹ và Nga ký năm 2010, có hiệu lực vào ngày 5-2-2011 và hết hiệu lực tháng 2-2021. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tiến công chiến lược của mình để sau bảy năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực và trong tương lai, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 thiết bị phóng tên lửa đã được triển khai và chưa được triển khai. Hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng hai lần mỗi năm.

Nga coi START mới là “hòn đá tảng đối với an ninh thế giới” và đề cập đến việc gia hạn 5 năm hiệp ước này. Nga tuyên bố đã sẵn sàng và đang đợi phản ứng từ phía Mỹ. Trong khi đó, Đức kêu gọi Nga và Mỹ làm tất cả để gia hạn START-3, tránh nguy cơ chạy đua vũ trang.

2 Đại diện đảng Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng Dân chủ (PD) tại I-ta-li-a (ảnh bên) đã công bố chương trình chính sách chung được xem là nền tảng chính trị cho việc thành lập chính phủ liên minh mới. Chương trình gồm 21 điểm này xem kế hoạch tăng ngân sách trong năm 2020 là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của hai đảng. Theo đó, M5S và PD cam kết sẽ sử dụng ngân sách để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song cũng cam kết kế hoạch này không gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính công.

Ngoài ra, hai đảng cũng cam kết đưa ra mức lương tối thiểu, tránh tình trạng tăng thuế giá trị gia tăng và thúc đẩy chi tiêu cho giáo dục, nghiên cứu và phúc lợi xã hội. M5S cho rằng hiện đang là “thời khắc rất nhạy cảm đối với đất nước”, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung vào lợi ích và nhu cầu của người dân, cũng như của cộng đồng. Đảng này cũng kêu gọi người dân ủng hộ thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh. Thỏa thuận mới đạt được giữa hai đảng đã góp phần đặt dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng chính trị thời gian qua ở I-ta-li-a.

3 Chính phủ Anh đã nhận được phản ứng tích cực từ châu Âu đối với kế hoạch Brexit (Anh rời Liên hiệp châu Âu-EU) sửa đổi và hai bên sẽ thảo luận chi tiết về kế hoạch này. Trong tuyên bố đưa ra ngày 3-9, người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) M.An-đri-va (M.Andreeva) thừa nhận khả năng cao về một kịch bản “Brexit cứng” sẽ diễn ra vào ngày 31-10 tới. Tuy nhiên, EC vẫn tin rằng việc Anh rời khỏi EU trên cơ sở thỏa thuận đạt được giữa cựu Thủ tướng Anh Thê-rê-xa Mây (Theresa May) và giới chức lãnh đạo EU trước đó sẽ là giải pháp tốt nhất.

Cho tới nay, Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn (B.Johnson) vẫn thể hiện quyết tâm đưa nước Anh rời khỏi EU vào ngày 31-10 tới bằng mọi giá. Ông tuyên bố sẵn sàng kêu gọi tổng tuyển cử sớm vào ngày 14-10 nếu các nghị sĩ thông qua dự luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận. Theo luật pháp Anh, cần hai phần ba số phiếu ủng hộ tại Quốc hội để tổ chức bầu cử sớm.

4 Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét (A.Guterres) đã ngỏ ý tổ chức một hội nghị cấp cao về tình trạng hiện tại của rừng A-ma-dôn (Amazon), bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc từ 20 đến 23-9 tới. Trong một tuyên bố chính thức, ông A.Gu-tê-rét nhấn mạnh “tình trạng rừng A-ma-dôn hiện tại rất nghiêm trọng” (ảnh dưới), đồng thời bày tỏ hy vọng “cộng đồng quốc tế vận động mạnh mẽ để hỗ trợ các nước trong khu vực A-ma-dôn chấm dứt các đám cháy một cách nhanh nhất có thể và bằng mọi phương tiện khả thi, rồi sau đó triển khai một chính sách trồng rừng toàn diện”.

San lấp những bất đồng ảnh 1

Trước đó, Viện nghiên cứu không gian quốc gia Bra-xin (Brazil) thông báo ghi nhận được 1.040 đám cháy đang diễn ra tại khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới vốn được mệnh danh là “lá phổi của hành tinh” này. Tính từ đầu năm tới nay, đã có hơn 40.000 đám cháy diễn ra tại rừng A-ma-dôn. Tổng thống Bra-xin G.Bôn-xô-na-rô (J. Bolsonaro) cũng tuyên bố chấp nhận viện trợ quốc tế chống cháy rừng với điều kiện Bra-xin sẽ điều phối các nguồn lực trên, đồng thời ký sắc lệnh cấm đốt rừng làm rẫy trên toàn lãnh thổ trong 60 ngày.