Nỗ lực bền bỉ

Không có gì thật sự đã kết thúc. Vẫn có những cố gắng không mệt mỏi nhằm vãn hồi hoặc thay đổi những bối cảnh đang xoay chuyển theo hướng tiêu cực. Cho dù, chưa phải nỗ lực nào cũng hứa hẹn sẽ thành công.

Nỗ lực bền bỉ

1 Không chỉ hai “người chơi chính” là Mỹ và CHDCND Triều Tiên, nhiều bên liên quan cũng đang cố gắng “bắc nhịp cầu” đàm phán, tiến tới giải tỏa mối lo ngại về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Sau sự tiếc nuối ngập tràn, dư luận quốc tế lại có hy vọng khi Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump) bất ngờ đảo ngược quyết định hủy kế hoạch gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Ưn (Kim Jong - un) mà trước đó “ông chủ” Nhà trắng đưa ra cũng bất ngờ không kém.

Không thể phủ nhận Triều Tiên đã luôn thể hiện thiện chí, bình tĩnh đối mặt việc bị Mỹ từ chối bằng lời khẳng định sẵn sàng nối lại “sự kiện lịch sử” giữa hai nước, với bất kỳ thời điểm và hình thức nào. Điều này phản ánh sự nghiêm túc của Bình Nhưỡng trong việc giải quyết các khúc mắc với Oa-sinh-tơn (Washington), có thể đã góp phần thúc đẩy lãnh đạo Mỹ đảo chiều quyết định. Tuy nhiên, chuyện điều gì khiến ông Trăm nhanh chóng thay đổi ý định, hay câu hỏi bên nào thật sự “dẫn dắt cuộc chơi” đã không còn quá quan trọng, so với việc hai bên sẽ tiếp tục câu chuyện như thế nào, để cuộc gặp cấp cao Mỹ - Triều diễn ra đúng kế hoạch vào ngày 12-6 tới tại Xin-ga-po (Singapore).

2 Thế giới tuần qua cũng chứng kiến những hành động gấp rút, nhằm cứu bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử đang cận kề bờ vực phá sản. Tại cuộc họp của Nhóm P5+1 ở Viên (Áo), lần đầu sau khi Mỹ rút đi, giới chức năm nước thành viên còn lại cùng I-ran (Iran) tái khẳng định: Phải duy trì thỏa thuận hạt nhân, vì lợi ích của tất cả các bên. Quan điểm này được bàn thảo và nhất trí tại cuộc họp Hội đồng Đối ngoại Liên hiệp châu Âu (EU), cũng như tại cuộc hội đàm giữa Tổng thống Pháp E.Ma-crông (Emmanuel Macron) với Tổng thống Nga V.Pu-tin (Vladimir Putin). Trên cơ sở đánh giá tích cực của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về việc I-ran tuân thủ các cam kết, EU thể hiện rõ quyết tâm duy trì bản thỏa thuận, dù khó khăn.

Các nước cũng tìm cách đối phó các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào I-ran. Tuy nhiên, bất đồng vẫn chưa được giải quyết khi I-ran đòi hỏi được “bù đắp” chỗ trống do Mỹ để lại, bằng một gói hỗ trợ kinh tế.

Nỗ lực bền bỉ ảnh 1

3 Trong khi đó, những nỗ lực thành lập Chính phủ tại I-ta-li-a (Italy), dù bền bỉ và đã có kết quả đầu tiên, lại bất ngờ đi vào ngõ cụt. Năm ngày sau khi được chỉ định làm Thủ tướng, Giáo sư G.Côn-tê (Giuseppe Conte) đã rút khỏi nhiệm vụ này, với lý do “không có khả năng thành lập Chính phủ”. Thực tế, việc ông Côn-tê từ chức là do Tổng thống đã phủ quyết đề cử một nhân vật có quan điểm hoài nghi châu Âu làm thành viên Chính phủ. Kết cục này cho thấy tình thế bấp bênh và sự chia rẽ sâu sắc trên chính trường I-ta-li-a.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Chính phủ hiện nay chỉ là phần nổi, mấu chốt vẫn là sự bế tắc cố hữu trên chính trường I-ta-li-a. Điều này đã được phản ánh qua cuộc tổng tuyển cử hôm 4-3, khi không đảng hoặc liên đảng nào giành đa số phiếu cần thiết để tự lập Chính phủ, dẫn tới tình trạng “Quốc hội treo” và ba tháng trôi qua mà I- ta-li-a vẫn chưa thành lập được Chính phủ mới.

4 Chiều 29-5, toàn bộ hơn 8.000 cửa hàng của chuỗi thương hiệu cà-phê nổi tiếng Starbucks trên toàn nước Mỹ đã tạm dừng hoạt động, và hơn 175 nghìn cán bộ, nhân viên phải tham dự khóa tập huấn “chống phân biệt chủng tộc”. Đây là hệ quả của một sự vụ đáng tiếc xảy ra hồi đầu tháng tư, khi hai thanh niên da mầu bị cưỡng chế rời một quán Starbucks, do không gọi đồ uống khi còn ngồi đợi bạn.

Sự việc đã khơi dậy một luồng dư luận phản ứng gay gắt, và Starbucks buộc phải hành động để vãn hồi thể diện của mình. Ngay khi ấy, Tổng giám đốc của họ, ông K.Giôn-xơn (Kevin Johnson) đã phải tuyên bố: “Động thái đóng cửa chuỗi cửa hàng và tập huấn chống phân biệt chủng tộc chỉ là bước đầu trong hành trình tạo dựng tinh thần cống hiến trong mọi cấp độ nhân viên ở công ty chúng tôi cũng như đối với các đối tác cộng đồng”.