Khởi động hành trình mới

Các cuộc đàm phán được tái khởi động, những ý tưởng mới nhằm thay đổi cục diện quốc gia và thế giới đang được nhen nhóm… Sau khủng hoảng, tất cả lại bắt đầu chuyển động để bước vào hành trình mới, cùng hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Khởi động hành trình mới

1 Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Li-bi (Libya)-UNSMIL thông báo: Các bên xung đột tại quốc gia Bắc Phi này đã nhất trí tái khởi động các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một lệnh ngừng bắn, sau nhiều tuần giao tranh ác liệt tại Thủ đô Tơ-ri-pô-li (Tripoli- ảnh trên). UNSMIL hoan nghênh các bên liên quan nối lại các cuộc đàm phán dựa trên các cuộc họp theo hình thức 5+5 diễn ra trước đó, với sự tham gia của năm sĩ quan cấp cao do mỗi bên chỉ định.

Li-bi rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo M.Ca-đa-phi (M.Gadhafi). Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng. Trong vài tuần gần đây, Chính phủ đoàn kết dân tộc Li-bi (GNA) đã đánh bật lực lượng Quân đội quốc gia (LNA) ra khỏi một số vùng thuộc miền tây bắc và phần lớn khu vực LNA từng kiểm soát ở Tơ-ri-pô-li. Tuy nhiên, đầu tháng 6, quân đội của LNA tuyên bố đã tái chiếm một số khu vực. Hai bên đã thống nhất thiết lập hai lệnh ngừng bắn trong năm nay, song các cuộc pháo kích và xung đột vẫn tiếp diễn.

2 Tuần qua, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm (D.Trump) đã điện đàm với Thủ tướng Ô-xtrây-li-a (Australia) X.Mô-ri-xơn (S.Morrison) để thảo luận về ý tưởng mời nước này tham gia Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) mở rộng (G10, bao gồm các thành viên G7 cùng Ô-xtrây-li-a, Hàn Quốc và Ấn Ðộ). Tổng thống Mỹ cũng mời Thủ tướng Ô-xtrây-li-a tham dự Hội nghị G7 mở rộng sắp tới tại Mỹ.

Trước đó, Tổng thống Ð.Trăm cho biết sẽ lùi thời điểm Hội nghị cấp cao G7 sang tháng 9 hoặc muộn hơn, cũng như mở rộng danh sách khách mời, bao gồm cả Ô-xtrây-li-a, Nga, Hàn Quốc và Ấn Ðộ. Theo thông lệ, nước giữ chức Chủ tịch G7 có thể mời lãnh đạo nước khác tham gia với tư cách khách mời trong hội nghị. G7 hiện gồm Ca-na-đa (Canada), Pháp, Ðức, I-ta-li-a (Italy), Nhật Bản, Anh và Mỹ. Về vấn đề đưa Nga trở lại Nhóm G7, người phát ngôn Chính phủ Anh cho biết, Luân Ðôn không ủng hộ việc kết nạp lại Nga vào nhóm này. Tuy nhiên, Anh tôn trọng quyết định của nước chủ nhà đăng cai hội nghị cấp cao của nhóm về quyết định mời lãnh đạo nào làm khách.

3 Thủ tướng Nga M.Mi-su-xtin (M.Mishustin) đã trình lên Tổng thống V.Pu-tin (V.Putin) kế hoạch khôi phục nền kinh tế quốc gia sau đại dịch Covid-19. Theo đó, chính phủ dự kiến chi khoảng 72 tỷ USD để phục hồi kinh tế sau thời gian phong tỏa đất nước để chống dịch.

Mục tiêu của kế hoạch là đạt tăng trưởng thu nhập thực tế ổn định cho người dân, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 5% và bảo đảm tốc độ tăng trưởng GDP ít nhất 2,5%/năm vào cuối năm 2021. Thủ tướng Nga nhấn mạnh: Việc thực hiện kế hoạch này sẽ giúp xoay chuyển tình hình do hậu quả của đại dịch, đồng thời hỗ trợ những thay đổi cấu trúc lâu dài của nền kinh tế. Theo kế hoạch trên, từ tháng 10-2020, Nga dự kiến sẽ thiết lập một mức giờ làm tối thiểu khi sử dụng lao động bán thời gian trong tối đa ba tháng. Biện pháp này nhằm đối phó với tình trạng thuê lao động chui và cũng nhằm bảo vệ lợi ích của người sử dụng lao động và nhân viên bán thời gian.

4 Ðơn vị tổ chức Giải đua xe công thức 1 (F1) Grand Prix (ảnh dưới) tại Áo thông báo hai chặng đua không khán giả ở nước này sẽ diễn ra vào ngày 5 và 12-7, trước khi sáu chặng đua khác diễn ra tại các nước châu Âu khác. Theo Ban tổ chức Giải đua xe F1, sẽ có khoảng 15 đến 18 chặng đua trong mùa giải năm nay và dự kiến mùa giải sẽ hoàn tất vào tháng 12-2020.

Việc khởi động lại Giải đua xe F1 dù không có khán giả đã mở ra triển vọng sáng sủa cho các giải thi đấu thể thao khác trong bối cảnh cả thế giới cùng chiến đấu chống đại dịch Covid-19. Cũng như nhiều sự kiện thể thao khác, nhiều nước đã buộc hủy hoặc hoãn Giải đua xe F1 do ảnh hưởng của đại dịch. Hà Lan và Ô-xtrây-li-a đã hoãn Giải đua xe F1 năm nay tới năm 2021.

Khởi động hành trình mới ảnh 1