Khi niềm tin giảm sút

Những thách thức mới đã xuất hiện trong bối cảnh việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn đang làm mất cân bằng cán cân quyền lực trong nhiều lĩnh vực, từ an ninh tới kinh tế, môi trường… Khi lòng tin giữa các quốc gia bị giảm sút, việc giải quyết các thách thức này luôn là những "bài toán nan giải".

Khi niềm tin giảm sút

1 Tại Hội nghị quốc tế "Quốc phòng và an ninh ở Tây Á" diễn ra tại thủ đô Tê-hê-ran (Tehran) của I-ran (Iran) với sự tham gia của đông đảo các quan chức quân sự, an ninh cấp cao nước này cũng như của 40 quốc gia khác, Bộ trưởng Quốc phòng I-ran A-mi Ha-ta-mi (Amir Hatami) tuyên bố: Tê-hê-ran sẽ không giữ "im lặng" trước các cuộc tiến công của I-xra-en (Israel), trong đó có cuộc tiến công nhằm vào cơ sở hạ tầng không gian mạng của quốc gia Hồi giáo này. Ông Ha-ta-mi cũng chỉ trích việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký hồi năm 2015 giữa Tê-hê-ran và nhóm P5+1, đồng thời cho rằng Oa-sinh-tơn (Washington) đang tìm cách làm suy yếu chủ quyền của các quốc gia độc lập.

Về phần mình, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao I-ran A-li Sam-kha-ni (Ali Shamkhani) nhận xét: Mỹ đã phải chịu một thất bại chiến lược ở Xy-ri (Syria) và không giữ cam kết về an ninh với Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan). Ông nhấn mạnh: Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc "cuối cùng, các lực lượng Mỹ sẽ buộc phải rời khỏi vùng Vịnh".

2 Quyết định của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Dim I-âng Kim (Jim Yong Kim - ảnh trên) từ chức khi còn tới hơn ba năm nữa nhiệm kỳ hiện nay mới kết thúc được cho là sẽ làm nổ ra cuộc chiến gay gắt giữa Mỹ với các nước vốn chỉ trích việc Oa-sinh-tơn "kiểm soát" WB - thể chế phát triển tài chính lớn nhất thế giới. Tổng thống Ðô-nan Trăm (Donald Trump) phải chọn ra một ứng cử viên có thể giành được sự ủng hộ của hầu hết cổ đông. Tuy nhiên, trong suốt hai năm cầm quyền, với chính sách "Nước Mỹ trước tiên", Tổng thống Trăm đã làm "phật lòng" hàng loạt đồng minh của Oa-sinh-tơn trong WB, vì vậy, sẽ rất khó khăn để ứng cử viên do Mỹ đề cử nhận được sự ủng hộ cao.

Hiệp hội nhân viên WB cho rằng đang có sự bất mãn cao trong số 15.000 nhân viên của thể chế, đồng thời khẳng định WB đang đối mặt với "cuộc khủng hoảng lãnh đạo", kêu gọi chấm dứt "các thỏa thuận ngầm" về việc kiểm soát thể chế này. Theo kế hoạch, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Xti-vân Nu-chin (Steven Mnuchin) sẽ làm việc với các thống đốc ngân hàng nhằm tìm ra một ứng cử viên. Giám đốc điều hành WB Cri-xta-li-na Goóc-gie-va (Kristalina Georgieva) sẽ giữ chức Chủ tịch lâm thời sau khi ông Dim I-âng Kim rời nhiệm sở vào ngày 1-2 tới.

3 Kết quả cuộc khảo sát của hãng tin Nhật Bản Kyodo vừa tiến hành cho thấy tâm lý kinh doanh của các công ty Nhật Bản hoạt động ở châu Á có thể sẽ xấu đi trong năm nay do cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, 43,3% số người được hỏi đang làm việc cho các công ty của Nhật Bản ở Trung Quốc dự đoán về một cuộc suy thoái kinh tế.

Trong khi đó, Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản, nhóm vận động kinh doanh lớn nhất đất nước "Mặt trời mọc", cảnh báo: Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang dần gây tổn hại cho cả nền kinh tế toàn cầu. Người đứng đầu Liên đoàn Hi-rô-a-ki Na-ca-ni-si (Hiroaki Nakanishi) cho biết, ông cảm thấy rõ một số tác động từ cuộc chiến về thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ðồng thời, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản A-ki-ô Mi-mư-ra (Akio Mimura), thừa nhận cơ quan này chưa có biện pháp nào để giảm bớt tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, cũng như việc Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), đối với nền kinh tế Nhật Bản.

4 Tình trạng bão tuyết tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều nước khu vực Trung và Nam Âu và sẽ kéo dài đến ít nhất là cuối tuần này. Ðã có nhiều trường hợp thương vong mất tích, nguy cơ lở tuyết rất lớn. Bão tuyết đã gây hỗn loạn tại nhiều khu vực, cản trở giao thông và khiến các trường học, khu nghỉ dưỡng phải đóng cửa.

Tại khu vực miền nam nước Ðức, trước tình trạng tuyết rơi dày đặc, một thị trấn thuộc bang Bay-en (Bayern) đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp, trong khi tất cả trường học trong khu vực đóng cửa đến hết tuần. Tại Áo, bão tuyết và tuyết lở đã khiến năm người thiệt mạng, đồng thời khiến nhiều khu vực vùng núi bị cô lập. Lớp tuyết đo được tại miền trung và miền bắc nước Áo đã lên đến 1,5 m. Bão tuyết cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực tây-bắc Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nhiều chuyến bay tại I-xtan-bun (Istanbul) - thành phố lớn nhất nước này, bị hủy bỏ.