Gò cương bên miệng vực

Rất nhiều biến động đã sẵn sàng trở thành thảm họa, để cuốn phăng những thiết chế kinh tế - chính trị vào dông bão. Tuy nhiên, đến cuối cùng, nhận thức về giá trị của sự ổn định đã trở thành những chiếc phao cứu sinh kịp lúc.

Gò cương bên miệng vực

1 Ðó chính là lý do được đưa ra, khi Chính phủ Pháp quyết định hoãn việc tăng thuế nhiên liệu - điều đã khiến thủ đô Pa-ri (Paris) ngập chìm trong khói lửa thịnh nộ của những người biểu tình thuộc phong trào "Áo gi-lê vàng" suốt gần ba tuần, và khiến hàng chục nghìn lượt cảnh sát trật tự phải huy động làm nhiệm vụ.

"Không có thứ thuế nào xứng đáng để mạo hiểm với tinh thần đoàn kết dân tộc" - Thủ tướng Pháp Ê.Phi-líp (Eduard Phillipe) khẳng định. Ngoài chuyện tạm hoãn tăng thuế nhiên liệu sáu tháng, Chính phủ Pháp còn áp dụng thêm nhiều biện pháp nhằm hạ nhiệt căng thẳng dư luận, như hoãn kế hoạch siết chặt việc đánh giá tiêu chuẩn kỹ thuật đối với ô-tô đời cũ, hoãn tăng giá khí ga và điện trong vòng ba tháng mùa đông (bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2019).

Dĩ nhiên, tất cả mới chỉ là "hoãn" chứ chưa phải là "hủy bỏ". Những mâu thuẫn cốt lõi trong tâm trạng xã hội Pháp cũng chưa được giải quyết triệt để, và vẫn cần các biện pháp tháo gỡ. Song, dù sao, trước mắt, nước Pháp cũng đã tránh được nguy cơ tự hủy hoại chính mình trong chia rẽ và bất bình.

2 Một phần các cảng trên biển A-dốp (Azov) thuộc U-crai-na (Ukraina) đã được phía Nga mở lại, đó là xác nhận từ Bộ trưởng Cơ sở Hạ tầng U-crai-na V.Ô-mê-ly-an (Volodymyr Omelyan), ngày 4-12 (theo Reuters). Ông nói rõ: "Các cảng Bơ-đi-an-xcơ (Berdyansk) và Ma-ri-u-pôn (Mariupol) đã được mở lại một phần. Các tàu đã được phép đi qua eo biển Kếch (Kerch), hướng tới các cảng của U-crai-na".

Ðây là một động thái mang rất nhiều thiện chí từ phía Nga, nhất là sau khi Ðiện Krem-li (Kremlin) lên tiếng bác bỏ những cáo buộc từ phía U-crai-na, rằng Nga muốn thiết lập một hành lang trên đất liền, nối bán đảo với Crưm (Crimea) với miền Ðông U-crai-na, do phe ly khai kiểm soát. Cuộc xung đột trên eo biển Kếch cũng đã tạo nên những xung đột gay gắt trong mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước, từ cuối tuần trước, và hệ quả là sự gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ ngoại giao của nước Nga với nước Mỹ.

3 Theo AFP, I-ta-li-a (Italia) đã sẵn sàng cho một dự thảo ngân sách sửa đổi mới cho năm 2019, nhằm tránh bị Liên hiệp châu Âu (EU) phạt vì mức thâm hụt quá cao. Thủ tướng I-ta-li-a, G.Côn-tê (Giuseppe Conte) chia sẻ: "Mục tiêu của tôi là tránh để I-ta-li-a bị phạt theo cách gây thiệt hại cho đất nước chúng ta, cũng như có nguy cơ gây tổn hại cho châu Âu".

Từ cuối tháng trước, giới chức EU đã liên tục kêu gọi I-ta-li-a điều chỉnh, hạn chế chi tiêu công để đáp ứng mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách trong năm tới, nhằm tránh các biện pháp trừng phạt. Thậm chí, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) V.Ðôm-brốp-xkít (Valdis Dombrowskis) còn nhận xét rằng kể cả khi cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 2,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm tới thì "chắc chắn vẫn là không đủ".

4 "Cơ hội then chốt" dành cho tiến trình tìm kiếm hòa bình cho đất nước Y-ê-men (Yemen) sau bốn năm xung đột đã ló dạng, với vòng hòa đàm do Liên hợp quốc bảo trợ, sẽ diễn ra tại Thụy Ðiển trong thời gian tới.

Cuộc chiến ở Y-ê-men, như đánh giá của các chuyên gia thuộc Liên hợp quốc, đang "đứng trước bờ vực một thảm họa kinh khủng". Kể từ khi liên minh quân sự các nước A-rập do A-rập Xê-út (Saudi Arabia) dẫn đầu can thiệp vào cuộc nội chiến ở Y-ê-men năm 2015 khiến xung đột leo thang, kéo theo cả những hành động của I-ran (Iran), đã có khoảng 10 nghìn người thiệt mạng.

Hiện tại, có khoảng 14 triệu dân thường đối mặt với nguy cơ lâm vào nạn đói, khi nội chiến tiếp diễn. Kinh khủng hơn, theo những số liệu thống kê từ tổ chức nhân đạo Cứu lấy trẻ em (Save the Children), đã có khoảng 85 nghìn trẻ em Y-ê-men dưới 5 tuổi bị cướp đi mạng sống, vì đói, vì bệnh tật, vì bom rơi đạn lạc khi kẹt giữa những cuộc giao tranh.

Gò cương bên miệng vực ảnh 1