Cảnh báo đỏ

Khi căng thẳng giữa các bên chưa hạ nhiệt, những màn “đấu khẩu” vẫn diễn ra gay gắt, một loạt báo động đỏ đã được đưa ra cho thấy thế giới đang đối mặt các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống nghiêm trọng.

Nhà máy lọc dầu ở A-rập Xê-út.
Nhà máy lọc dầu ở A-rập Xê-út.

1 Nga cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân do chính sách của một số nước phương Tây hủy hoại các cơ chế kiểm soát vũ khí. Thứ trưởng Ngoại giao Nga X.Ri-áp-cốp (S.Ryabkov) cho rằng các nhà ngoại giao phương Tây tránh thảo luận về các vấn đề cấp bách, ngăn chặn các kênh đối thoại, tiếp tục hủy hoại cấu trúc kiểm soát vũ khí và cố tình loại bỏ các cơ chế hiệp ước hiệu quả trong lĩnh vực an ninh và ổn định, đã phát triển qua nhiều thập niên.

Ông X.Ri-áp-cốp chỉ trích Mỹ tránh các cuộc thảo luận về cách tiếp cận đa phương trong kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược, trong khi cũng cần tính đến khả năng hạt nhân của Anh, Pháp và Mỹ, các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, Mát-xcơ-va (Moscow) vẫn tin vào sự sẵn sàng của Oa-sinh-tơn (Washington) trong việc nối lại các cuộc đàm phán chính thức về bảo đảm sự ổn định chiến lược và an ninh toàn cầu. Nga hy vọng có được bảo đảm từ các nước phương Tây về việc không cho phép Mỹ triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên lãnh thổ những nước này.

2 Phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ, Đặc phái viên của LHQ về Y-ê-men (Yemen) M.Gríp-phít (M.Griffiths) cho biết, hiện chưa thể xác định bên nào đứng sau vụ tiến công nhằm vào các cơ sở lọc dầu của A-rập Xê-út (Saudi Arabia) vừa qua, song khẳng định vụ việc đã làm gia tăng khả năng xung đột tại khu vực. Đặc phái viên LHQ nêu rõ việc nhóm An-xa A-la (Ansar Allah), tên gọi chính thức của phiến quân Hu-thi (Houthi) tại Y-ê-men, nhận gây ra vụ việc đã là điều tồi tệ, khiến khả năng xảy ra một cuộc xung đột tại khu vực “trở nên cao hơn”.

Vừa qua, nhà máy lọc dầu ở thành phố Áp-quai-a (Abqaia) và Khu-rai (Khurais) của A-rập Xê-út đã bị tiến công, khiến sản lượng dầu của nước này giảm 5,7 triệu thùng/ngày, tương đương gần 6% nguồn cung dầu thô thế giới. Lực lượng Hu-thi đã lên tiếng nhận tiến hành vụ tiến công, song Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo (M.Pompeo) cho rằng không có bằng chứng cho thấy vụ tiến công bắt nguồn từ Y-ê-men, nơi liên quân do A-rập Xê-út đứng đầu chống Hu-thi hơn bốn năm qua. Ông Pom-peo cáo buộc I-ran tiến công vào các nhà máy lọc dầu này của A-rập Xê-út. Tuy nhiên, Tê-hê-ran (Tehran) đã bác bỏ cáo buộc của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, cho rằng Oa-sinh-tơn đang viện lý do để trả đũa nước Cộng hòa Hồi giáo.

3 Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 giảm 0,8% và gây nhiều thiệt hại hơn trong những năm tới. Người phát ngôn IMF G.Rai-xơ (G.Rice) cho biết những căng thẳng thương mại, trong đó có Mỹ - Trung, bắt đầu tác động đến kinh tế toàn cầu vốn đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó hoạt động chế tạo sụt giảm chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008.

Trong một cuộc thăm dò mới nhất do hãng tin Anh Roi-tơ tiến hành, gần 80% trong số 60 chuyên gia kinh tế được hỏi cho rằng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ duy trì ở mức độ hiện nay hoặc sẽ trở nên tồi tệ hơn trong năm tới. Những chuyên gia kinh tế này cũng cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới trong ít nhất hai năm tới. 45% các chuyên gia được hỏi cho rằng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong hai năm tới và 30% dự báo nguy cơ này trong 12 tháng tới.

4 Hội đồng Khí hậu, tổ chức truyền thông hàng đầu của Ô-xtrây-li-a (Australia) về biến đổi khí hậu, vừa lên tiếng cảnh báo về ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với các hệ sinh thái ở nước này. Báo cáo của Hội đồng trên cho biết thảm thực vật nhạy cảm chưa từng bị hỏa hoạn ở nước này trước đây nay đang bốc cháy, nhiều loài động vật như chồn túi và cáo bay đã bị chết và các lưu vực sông bị mất rừng ngập mặn do các đợt nắng nóng.

Cảnh báo đỏ ảnh 1

Cháy rừng ở Ô-xtrây-li-a.

Để đối phó ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, Hội đồng Khí hậu Ô-xtrây-li-a đã kêu gọi chính phủ liên bang thực hiện các biện pháp bảo tồn quyết liệt hơn để bảo đảm các hệ sinh thái ở Ô-xtrây-li-a có thể chống chọi với thời tiết khắc nghiệt đang xảy ra trên toàn quốc. Ô-xtrây-li-a là nơi cư trú của hơn một triệu loài thực vật và động vật, song từ lâu đã được coi là một trong những quốc gia phát triển dễ bị tổn thương nhất trước những ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, với tỷ lệ tuyệt chủng các loài động vật thuộc loại cao nhất trên thế giới.