Bốn bề "lửa cháy"

Ở nhiều quốc gia và khu vực, đối với từng doanh nghiệp và cả người dân, các vấn đề an ninh phi truyền thống đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, khó khăn không chỉ đến từ thiên tai, mà còn đến từ những căng thẳng, bất đồng của những "người trong cuộc".

Bốn bề "lửa cháy"

1 Cuộc chiến chống cháy rừng A-ma-dôn (ảnh trên) phải đối mặt khó khăn nhiều hơn, khi Bra-xin (Brazil) từ chối khoản hỗ trợ 20 triệu USD của Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) để dập lửa. A-ma-dôn, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, đang phải hứng chịu số các vụ cháy kỷ lục, trong đó phần lớn các đám cháy xảy ra tại phần rừng thuộc lãnh thổ Bra-xin (tính đến thời điểm này, hơn 950.000 héc-ta rừng đã bị thiêu rụi). Cháy rừng tại Bra-xin đã lan qua biên giới sang rừng Chi-quy-ta-nô (Chiquitano) của Bô-li-vi-a (Bolivia). Dư luận quốc tế vô cùng lo ngại khi lửa ngày càng lan rộng bất chấp các nỗ lực cứu hỏa, đồng thời chỉ trích chính quyền Bra-xin đã không mạnh tay với nạn phá rừng.

2 Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, cuộc khủng hoảng di cư Vê-nê-xu-ê-la (Venezuela) không còn là vấn đề của riêng khu vực mà đã mang cấp độ toàn cầu. Trong số những người di cư Vê-nê-xu-ê-la tới Cô-lôm-bi-a (Colombia) có phụ nữ mang thai, trẻ em suy dinh dưỡng và người khuyết tật, và đó chính là gánh nặng cho quốc gia tiếp nhận người tị nạn.

Cuộc di dân từ Vê-nê-xu-ê-la đang diễn ra ồ ạt và Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã cảnh báo sẽ vượt mốc tám triệu người vào cuối năm 2020. Ðây có thể là làn sóng tị nạn lớn nhất thế giới, vượt con số 6,7 triệu người di cư khỏi Xy-ri (Syria). Theo số liệu của UNHCR, khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê (Caribbe) đang tiếp nhận 80% trong số 4,3 triệu người Vê-nê-xu-ê-la rời bỏ đất nước trong những năm gần đây, trong đó Cô-lôm-bi-a là quốc gia tiếp nhận người tị nạn Vê-nê-xu-ê-la nhiều nhất với 1,4 triệu người.

3 Sau một loạt các sự cố, tai nạn đáng tiếc và các vụ khiếu kiện gần đây, hãng sản xuất máy bay Boeing lại đối mặt một vụ kiện dân sự mới liên quan dòng máy bay 737 MAX. Công ty cho thuê máy bay Avia Capital Services (ACS), một chi nhánh của tập đoàn quốc gia Rostec (Nga) vừa xác nhận đã đệ đơn kiện hãng chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) nhằm hủy hợp đồng mua 35 máy bay 737 MAX. Ðây là lần đầu tập đoàn chế tạo máy bay của Mỹ phải đương đầu với một vụ kiện dân sự liên quan đến dòng máy bay 737 MAX. ACS cáo buộc Boeing cẩu thả trong các hợp đồng bán dòng sản phẩm bị coi là "chưa hoàn hảo" này và yêu cầu bồi thường thiệt hại lên tới 115 triệu USD.

Bốn bề "lửa cháy" ảnh 1

Máy bay 737 MAX của Boeing đã bị đình chỉ hoạt động vô thời hạn sau khi liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn liên quan đến dòng máy bay này tại In-đô-nê-xi-a (Indonesia) và Ê-ti-ô-pi-a (Ethiopia) trong vòng sáu tháng, khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng. Boeing đã công bố báo cáo cho biết hãng này lỗ 2,9 tỷ USD trong quý II vừa qua, mức thua lỗ lớn nhất từ trước đến nay.

4 Thách thức từ biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán, lũ lụt đang gia tăng với Thái-lan (ảnh dưới). Do vậy, Chính phủ Thái-lan ngày 27-8 đã thông qua một khoản ngân sách trị giá 15,8 tỷ bạt (hơn 516 triệu USD) do Bộ Nội vụ và Cục Ngân sách đề xuất để giải quyết các vấn đề hạn hán và lũ lụt tại 76 tỉnh nước này. Theo đó, 74 tỉnh sẽ nhận được 200 triệu bạt mỗi tỉnh và hai tỉnh ở vùng đông bắc bị ảnh hưởng nặng nề của hạn hán là Xu-rin (Surin) và Bu-ri Ram (Buri Ram) sẽ nhận được 500 triệu bạt mỗi tỉnh.

Trước đó, Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia Thái-lan cho biết sẽ yêu cầu một khoản ngân sách trị giá 180 tỷ bạt cho việc thực hiện các dự án phòng chống hạn hán trong năm tài khóa 2020. Theo đó, các tỉnh phải trình lên các kế hoạch quản lý hạn hán và lũ lụt trước ngày 30-9, đồng thời phải bảo đảm rằng những kế hoạch này nhận được sự ủng hộ của người dân và có thể được thực hiện nhanh chóng. Tình hình hạn hán tại Thái-lan đang diễn biến nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê, trong sáu tháng qua, Thái-lan đã điều động 4.214 chuyến bay tạo mưa nhân tạo tại các tỉnh vùng đông bắc của nước này.