Cuộc chiến không của riêng ai

“Thoạt đầu nhìn thì tưởng đó chỉ là một mảnh túi ni-lông nhỏ, đến khi kéo lên thì theo sau đó là một dải dài các loại rác khác đã ăn sâu xuống mặt đất! Có lẽ tác hại của rác thải nhựa (RTN) cũng đã bám rễ vào môi trường của chúng ta giống như vậy” - chia sẻ của bạn Lê Phương Anh, thành viên của tổ chức Let’s Do It Hà Nội về ấn tượng khó quên trong một lần tham gia dọn rác.

Bé Hà An trên đường “công tác”.
Bé Hà An trên đường “công tác”.

Một ngày đặc biệt!

Sáng 21-9-2019, trời nắng chói chang, hơn 1.000 bạn trẻ Hà Nội từ 7 giờ sáng đã tập trung đông đủ tại ba điểm: đường Phạm Hùng, đường Nguyễn Trãi và xã Dương Liễu, Hoài Đức, để cùng nhau tham gia Chiến dịch công dân toàn cầu lớn nhất thế giới về môi trường - World Cleanup Day. Tuy mới chỉ là năm thứ hai Let’t Do It World thực hiện chiến dịch dọn rác toàn cầu, thế nhưng đã thu hút được sự tham gia của hơn 150 quốc gia với 17,8 triệu tình nguyện viên (TNV), tất nhiên trong đó không thể thiếu Việt Nam và Let’s Do It Hà Nội là một đại diện tiêu biểu.

Trước đó một tuần, TNV đăng ký tham gia đã có buổi tập huấn đầy đủ với năm nội dung: Địa điểm tập trung; Quyền lợi của TNV; Kỷ luật, những điều cần chú ý; Dụng cụ trang bị sẽ được nhận; Điểm tập kết rác cho Việt Nam tái chế. Đến sáng 21-9, các TNV tập trung tại khu vực sẽ nhận được: găng tay, bao tải, đồ gắp rồi cùng nhau ra đường dọn rác.

Nổi bật nhất tại điểm đường Phạm Hùng có lẽ là cô bé áo hồng 5 tuổi Hà An. Bàn tay bé xíu cầm theo chiếc kẹp nhặt từng đầu lọc thuốc lá, túi ni-lông,… bỏ vào bao tải của mẹ, siêng năng làm việc chẳng khác gì người lớn. Mẹ của em - chị Nguyễn Thu Huyền (35 tuổi) kể: “Hà An biết sẽ được cùng mẹ tham gia dọn rác nên háo hức lắm, dậy từ sớm, vì nhà xa nên để đến kịp giờ tập trung hai mẹ con phải đi từ bảy giờ kém. Nhưng con vẫn chăm chú nghe các cô chú, anh chị hướng dẫn, năng nổ lắm! Tôi muốn con hiểu được vứt rác bừa bãi là không tốt, giúp đỡ mọi người là việc nên làm, bảo vệ môi trường là việc của tất cả mọi người”.

Năm nay so với năm ngoái đông TNV hơn, Lê Phương Anh, cô sinh viên năm cuối Trường đại học Ngoại thương, người tham gia Let’s Do It Hà Nội từ những ngày đầu, năm nay vì thế cũng vui vẻ hơn hẳn. “Trước đó, ban tổ chức đã đi tiền trạm, đi thực tế rất nhiều nơi, sau cùng mới thống nhất lựa chọn ba điểm này. Vì một năm chỉ có một ngày nên bao nhiêu tâm huyết ban tổ chức tập trung hết về đây”.

Mới chỉ là bước đầu

Cô Lê Thị Tuyết Hạnh, bán trà đá ở đường vành đai 3 Phạm Hùng này hơn một năm nay, băn khoăn: “Trông các bạn nhiệt tình như thế ai cũng hoan nghênh. Chỉ là các cháu phân bổ người chưa hợp lý, trên đoạn đường ngắn mà tập trung nhiều bạn quá. Thu gom rác là việc lâu dài, và cũng là trách nghiệm của công nhân vệ sinh và người sống chung quanh đây nữa. Chủ yếu là phải đặt nhiều thùng rác để người qua đường người ta có nơi vứt rác”.

Chưa tính cả nước, chỉ riêng tại Hà Nội, mỗi ngày phát sinh 6.500 tấn rác thải sinh hoạt, có đến khoảng 30% lượng rác thải đó chưa được xử lý đúng quy định. Đúng như băn khoăn của cô Hạnh, các bãi rác “tự nhiên” vì thế mọc lên khắp nơi. Vấn đề này lại cần đến các cơ quan quản lý có phương án cụ thể nhằm trang bị đầy đủ thùng rác, bãi tập kết rác hợp vệ sinh trên phạm vi toàn thành phố.

Ít nhất, Chiến dịch World Cleanup Day 2019 cũng cho chúng ta nhìn nhận được những “vùng trắng” thùng rác, đồng thời lan tỏa mạnh mẽ thông điệp bảo vệ môi trường đến xã hội nói chung, các bạn trẻ nói riêng. Có thể với một số bạn trẻ, “sống xanh” chỉ là một “trào lưu”, nhưng những trào lưu tốt xứng đáng tồn tại lâu dài. Môi trường chắc chắn đã khả quan hơn phần nào từ khi những chiến dịch vì môi trường được phát động và nhận thức về vấn đề này cũng được lan tỏa. Nếu trào lưu ấy tiếp tục đi cùng với giới trẻ Việt Nam và góp phần hình thành ý thức chung của một thế hệ mới, tương lai của hệ sinh thái này sẽ được cải thiện.

Cuộc chiến không của riêng ai ảnh 1