Diễn đàn chủ nhật

Xây dựng nếp sống văn minh

NDO - Phong trào xây dựng nếp sống sau đổi mới là nếp sống văn minh từ khi phát động đến nay đã trải qua mấy thập kỷ và lan rộng trong cả nước.

Tuy nhiên nó chưa thật sự thấm sâu vào từng người để biến thành hành động trong cuộc sống. Khi đất nước tiến hành CNH, HÐH, việc xây dựng nếp sống văn minh lại càng cần thiết vì nó chính là cơ sở để góp phần tạo ra tác  phong công nghiệp. Trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, ở đâu cũng rất cần nếp sống  văn minh. Ngay ở nhà cũng cần có nếp sống ngăn nắp, trật tự, vệ sinh, làm việc, sinh hoạt khoa học. Ở công sở đòi hỏi mọi người phải đi làm đúng giờ, giữ lễ tiết, thực hiện nghiêm kỷ luật lao động, làm việc có năng suất, hiệu quả. Ở nơi công cộng phải tôn trọng nội quy, tôn trọng người khác, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, bảo vệ của công, ăn mặc, nói năng, ứng xử lịch sự, văn minh. Khi tham gia giao thông, đòi hỏi mọi người phải thực hiện nghiêm luật đi đường, thực hiện văn hóa giao thông như nhường nhịn nhau, ứng xử có văn hóa, giúp đỡ người già, phụ nữ, trẻ em và những người bị tai nạn... Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội nhằm phát huy giá trị văn hóa cổ truyền, đồng thời bài trừ những hủ tục lạc hậu trong các lĩnh vực này. Quá trình đô thị hóa phát triển nhanh càng đòi hỏi có nếp sống văn minh để bảo đảm trật tự và bộ mặt văn hóa của đô thị. Nếp sống văn minh ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nếp sống chính là biểu hiện cụ thể lối sống của con người. Lối sống tùy tiện nảy sinh từ nền sản xuất nhỏ, lại qua nhiều năm chiến tranh cùng mặt trái cơ chế thị trường và sự thực dụng, tôn thờ đồng tiền đã ảnh hưởng xấu đến công việc xây dựng nếp sống văn minh. Lối sống đó đã khiến cho con người nảy sinh những thói quen tùy tiện, vô ý thức như thản nhiên xả rác bừa bãi khắp nơi; nói tục, chửi thề ngay giữa chỗ đông người; đi đường bất chấp Luật Giao thông; đi làm việc, họp hành thường đến trễ giờ; cưới xin, ma chay  thì cỗ bàn linh đình, ăn uống nhậu nhẹt nhiều ngày; đi lễ hội thì chen lấn xô đẩy, đốt đồ mã vô tội vạ, xả rác gây mất vệ sinh môi trường và cảnh quan... Cho nên, xây dựng nếp sống văn minh trước hết phải tập trung xóa bỏ những thói quen vô ý thức đó. Nếp sống văn minh chỉ hình thành khi xóa bỏ được những thói quen xấu và xây dựng những thói quen mới văn minh, phù hợp với cuộc sống hôm nay. Chúng ta trân trọng và phát huy những thói quen văn minh mới được hình thành như xếp hàng theo thứ tự. Việc từ bỏ thói quen cũ lạc hậu, hình thành thói quen mới là một quá trình đầy khó khăn, phải lặp đi, lặp lại nhiều lần mới thành nếp được. Quá trình đó đòi hỏi mọi người phải có sự quyết tâm và kiên trì thường xuyên. Thí dụ các cuộc họp phải nghiêm túc thực hiện đúng giờ, cứ đúng giờ là họp không phải đợi ai, ai đến muộn lúc đầu tự ngượng, sau đó còn tái diễn sẽ bị phê bình, kiểm điểm. Cứ làm như thế một thời gian chắc chắn mọi người sẽ có thói quen đi họp đúng giờ. Như vậy để hình thành nếp sống văn minh cần có hai điều kiện, trước hết là ý thức của cá nhân thông qua công tác tuyên truyền giáo dục, có nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của việc thực hiện nếp sống văn minh, sau đó là phải có những biện pháp cụ thể bắt buộc mọi người tuân thủ các quy định.

Mục tiêu của xây dựng nếp sống văn minh là xây dựng con người có lối sống, nếp sống phù hợp với nhịp điệu xã hội văn minh hiện đại. Khái niệm nếp sống văn minh rất rộng, nếu chúng ta đề ra nhiều tiêu chí chồng chéo nhau thì rất khó thực hiện, cho nên cần tập trung vào những tiêu chí xây dựng lối sống của con người. Khi con người có lối sống phát huy truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc, tiếp thu những yếu tố tiên tiến của văn minh nhân loại, nhất định sẽ có hành vi, cử chỉ, thói quen thể hiện nếp sống văn minh. Những con người có lối sống như vậy chắc chắn sẽ không bao giờ ăn mặc phản cảm khi đến cơ quan, công sở, khi xuất hiện ở những chỗ đông người, không bao giờ đi đường lại coi thường  Luật Giao thông, sẽ không có những ứng xử vô văn hóa... ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, lối sống văn hóa sẽ điều chỉnh hành vi, ứng xử của mỗi người, hình thành nếp sống văn minh một cách sâu rộng và bền vững.