Trong nỗi bất lực của quyền lực

Nỗi tuyệt vọng của người dân Y-ê-men (Yemen) bột phát thành một lời kêu gọi thống thiết, một lời khẩn cầu day dứt. Song, chính đề nghị đó cũng chỉ là một tiếng kinh cầu vô vọng, và đó là vấn đề mà không chỉ quốc gia ấy phải đối mặt bao năm qua.

Ngày 1-10, Chính phủ Y-ê-men kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) tiến hành các biện pháp can thiệp “ngay lập tức”, để chấm dứt việc phong tỏa viện trợ lương thực cho quận Ðu-ray-mi (Durayhmi), thành phố cảng Hô-đê-i-đa (Hodeidah), cánh cửa mở ra thế giới của Y-ê-men trên bờ Hồng Hải.

Ðộng thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi lực lượng đối lập Hu-thi (Houthi) tại Y-ê-men tuyên bố phóng thích 350 tù nhân, dưới sự giám sát của LHQ. Và nó là đoạn tiếp nối của một thỏa thuận được xác nhận gần hai tháng trước. Ngày 4-8, nói như người phát ngôn Chương trình Lương thực LHQ (WFP), “WFP và Hu-thi đã ký một thỏa thuận cấp cao, một bước quan trọng tiến tới bảo đảm trách nhiệm tiến hành các hoạt động nhân đạo ở Y-ê-men”.

Thế nhưng, hiện tại, Y-ê-men vẫn là “thảm họa nhân đạo trầm trọng nhất thế giới”, với khoảng 24 triệu người dân (khoảng hai phần ba dân số, bao gồm cả người già, trẻ em và phụ nữ) cần được nhận cứu trợ khẩn cấp.

Bộ trưởng Hành chính địa phương Y-ê-men A.Pha-ti (Abdul-Raqueed Fatih) vừa cáo buộc Hu-thi ngăn cản WFP đưa lương thực đến tay các cư dân thành phố Hô-đê-i-đa. Bởi vậy, ông khẩn khoản đề nghị các nhân vật có trách nhiệm của LHQ gây áp lực trực tiếp lên lực lượng ấy.

Một lời đề nghị thấm đẫm nỗi u buồn, và có lẽ là khá viển vông. Bởi vì, nếu có thể, nếu cơ chế được xem là cơ quan quyền lực tối cao của hành tinh có đủ quyền lực cũng như các công cụ thi hành quyền lực cần thiết, những cuộc xung đột, những cuộc chiến tranh, những thảm họa nhân đạo tồi tệ… như Y-ê-men đã không thể hiện hữu, chứ đừng nói là hiện hữu năm này qua năm khác như vậy.

Y-ê-men, cũng như Xy-ri (Syria), không chỉ còn bị nung chảy bởi những ngọn lửa thù hận “nồi da xáo thịt”, mà đều đã trở thành những cuộc xung đột bị quốc tế hóa, những điểm giao tranh cục bộ của các trung tâm quyền lực khu vực và toàn cầu. LHQ vẫn có thể cùng cất lời kêu gọi với họ về những phận người bị cuốn vào binh lửa, vẫn có thể cố gắng xúc tiến các giải pháp hòa bình hay cứu trợ nhân đạo. Song, gây áp lực trực tiếp lên một lực lượng tham chiến lại là chuyện khác, cho dù là để đạt được mục đích nhân đạo cao cả.

Câu chuyện ấy gắn bó mật thiết với những vận động “bí ẩn” cách xa vùng chiến sự, nhằm phục vụ điểm cốt lõi: Lợi ích của các cường quốc liên quan.

Đó là lý do mà trong một số trường hợp ở quá khứ, như tại I-rắc (Iraq) hay Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan), LHQ có thể hành động rất “mạnh tay”. Cách gây áp lực mạnh mẽ nhất là bằng biện pháp quân sự, mà ở những nơi đó, binh sĩ Mỹ có đủ lý do cũng như điều kiện thuận lợi để áp đặt sức ép, thậm chí là để ở lại “đóng đồn” đến cả thập niên.

Song, thời thế đã thay đổi, mà Y-ê-men cũng không liên quan quá nhiều đến lợi ích cốt lõi của nước Mỹ, hay bất cứ cường quốc phương Tây nào khác. Và thực tế, lực lượng đang giao tranh với những chiến binh Hu-thi trên đất Y-ê-men không chỉ là quân đội chính phủ Y-ê-men, mà còn là liên quân A-rập do A-rập Xê-út (Saudi Arabia) dẫn đầu. Ai cũng biết, A-rập Xê-út là đồng minh lâu đời và quan trọng đến thế nào của Mỹ ở Vùng Vịnh. Ở Y-ê-men, có thể nói là họ đang “cáng đáng” thay đồng minh hùng mạnh bên kia Ðại Tây Dương của mình một sứ mệnh không lấy gì làm dễ chịu, khi tiến lên đối diện với Hu-thi - lực lượng bị họ cáo buộc là được I-ran (Iran) hậu thuẫn.

Trong 350 tù nhân mà Hu-thi tuyên bố sẽ phóng thích, có những người lính A-rập Xê-út. Trên những lộ trình đàm phán, những điểm thỏa hiệp từ các phía đã, đang và sẽ dần hé lộ.

Vậy thì, có lý do nào để LHQ đáp ứng yêu cầu của Chính phủ Y-ê-men? Hay đúng hơn, có thể đáp ứng yêu cầu ấy như thế nào?