Tia sáng cuối đường hầm

Ít nhất là trên lý thuyết, Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) về vấn đề phát triển hạt nhân của I-ran (Iran) đã nhận được những cam kết bảo vệ từ các cường quốc tham gia ký kết năm 2015, ngay trên bờ vực sụp đổ. Dù thế nào, những động thái đó cũng vô cùng cần thiết, sau dồn dập những biến cố căng thẳng đã và đang diễn ra quanh thỏa thuận “lịch sử” này.

Cuối tuần này, ngày 28-7, đại diện của năm trong số sáu cường quốc nhóm P5+1, bao gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Ðức (và tất nhiên là không có đại diện của nước Mỹ) sẽ gặp đại diện phía I-ran tại Thủ đô Viên (Vienna) của Áo, để thảo luận về những giải pháp khả thi nhằm cứu vãn JCPOA - H.Smít (Helga Schmidt), Tổng Thư ký Ủy ban đối ngoại Liên hiệp châu Âu (EU), thông báo.

Cuộc gặp bất thường này, tổ chức ở cấp bộ trưởng và thứ trưởng, diễn ra theo đề nghị của Pháp, Ðức, Anh và I-ran, sẽ “tập trung xem xét những vấn đề liên quan đến việc thực thi thỏa thuận JCPOA trong mọi lĩnh vực”.

Và trước tuyên bố ấy, Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp (Sergei Lavrov) cùng Bộ trưởng Ngoại giao Pháp G.Y. Lơ Ðri-ăng (Jean-Yves Le Driand) đã điện đàm thảo luận về các vấn đề quốc tế mà hai phía cùng quan tâm. Trong cuộc trao đổi đó, hai bên nhất trí tiếp tục nỗ lực duy trì JCPOA.

Ðó có lẽ là những tin tức không mấy “dễ nghe” đối với Oa-sinh-tơn (Washington).

Chỉ mới vài ngày trước đó thôi, đổ vỡ còn là một kịch bản đầy tính hiện thực đối với JCPOA.

Trong khi những khó khăn do áp lực trừng phạt từ phía Mỹ không hề giảm, I-ran lún sâu hơn vào những mâu thuẫn phức tạp khác. Tê-hê-ran (Tehran) thừa nhận tăng lượng dự trữ urani vượt mức quy định trong JCPOA, và cho dù mức đó còn ở rất thấp so mức cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân (4,5% so với 90%), EU vẫn buộc phải lên tiếng chỉ trích.

Song, đó có lẽ chỉ là cách để I-ran “nhắc nhở” các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thuộc phương Tây rằng mình thật sự hoàn toàn có thể quay ngược tiến trình JCPOA về như thời kỳ mà thỏa thuận đó chưa được ký kết, nếu Anh, Pháp và Ðức không có những động thái mạnh mẽ hơn.

Tương tự, việc con tàu treo cờ Anh mang tên Stena Impero bị I-ran bắt giữ, dù được giải thích với lý do là để điều tra về một vụ va chạm với tàu cá địa phương, vẫn gợi lên những liên tưởng về chuyện tàu Grace-1 của I-ran bị phía Anh bắt giữ tại eo biển Gi-bran-ta (Gibraltar) hai tuần trước, cũng như nhấn mạnh khả năng phong tỏa cửa biển Hoóc-mút (Hormuz) huyết mạch, khẳng định vị trí án ngữ đường vào “rốn dầu thế giới” mà I-ran sở hữu. Nếu vạn nhất điều đó trở thành hiện thực, sẽ không chỉ nền kinh tế của các quốc gia châu Âu bị tổn thương, mà quy mô tác động sẽ là toàn cầu. Luân Ðôn hiểu điều đó, bởi họ đã buộc phải khuyến cáo các tàu hàng của mình tạm thời đừng xuất hiện ở khu vực ấy, nghĩa là phải đi vòng lênh đênh trên đại dương, với chi phí đội lên gấp bội.

Và một chiến hạm Mỹ, con tàu mang tên USS Boxer, thông báo đã bắn rơi máy bay trinh sát không người lái của I-ran, khi đang rẽ sóng tiến về phía Vùng Vịnh. Nhưng, Tê-hê-ran khẳng định chiếc máy bay đó đã hoàn thành nhiệm vụ do thám, và trở về căn cứ an toàn.

Cuối cùng, bất kể các áp lực từ phía Mỹ, các thành viên còn lại của nhóm P5+1 cũng đã tạm quyết định: Ðối thoại, chứ không đối đầu. Nói cách khác, những lợi ích thiết thân và cốt lõi của chính họ đã lên tiếng - những tiếng nói mang trọng lượng không hề thua kém áp lực từ phía Mỹ.

Trong khi đó, từ điện Krem-li (Kremlin), Tổng thống Nga V.Pu-tin (Vladimir Putin) kín đáo bộc lộ thái độ qua việc đánh giá rằng sự căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ và I-ran “gây bất ổn ngay gần đất nước của chúng tôi, và tác động tiêu cực đến tình hình an ninh thế giới”.

Chỉ còn duy nhất một mình nước Mỹ vẫn còn muốn tiếp tục áp đặt những hình phạt hà khắc nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo đó. Một cách khá lẻ loi…