Thời điểm để đối thoại

Sau những diễn biến nối nhau dồn dập xuất hiện, mối quan hệ Mỹ - Iran) dường như đã chạm đến giới hạn cuối cùng của sự căng thẳng. Song, chính là lúc này, những giải pháp ngoại giao thông qua một kênh trung gian uy tín hoàn toàn có thể phát huy tác dụng tối đa.

Đáp trả lại lời tuyên bố của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23-7 trên trang Twitter cá nhân - rằng: “Gửi Tổng thống Hassan Rouhani: Đừng bao giờ, đừng bao giờ đe dọa nước Mỹ thêm một lần nào nữa, nếu không các ông sẽ phải hứng chịu những hệ quả chưa từng thấy trong lịch sử!” - Bộ Ngoại giao I-ran điềm tĩnh nhận định rằng thực chất đó chỉ là một thủ thuật “chiến tranh tâm lý”.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Tehran, cũng đã lập tức thể hiện là họ sở hữu những biện pháp đáp trả tương xứng với những lời đe dọa. I-ran trả lại một ngọn “đòn gió”, với bình luận: “Bối cảnh hiện tại mà Mỹ đang phải đối mặt, như một quốc gia bị cô lập, đã gia tăng thái độ giận dữ thái quá trong giới cầm quyền Mỹ. Do sự thiếu hiểu biết về chiều sâu các vấn đề chính trị và ngoại giao, một số chính khách sử dụng một số từ mà chính họ không hiểu hết ý nghĩa của những từ này. Trong thế giới ngày nay, cách cư xử đó tương đương với cuộc đối thoại vô ích”.

Và sau đó là một sự tự tin: “Nếu chúng tôi không thể tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ, các nước khác cũng sẽ không thể làm điều đó”.

MẤU chốt của vấn đề đã được hé lộ ở đó. Việc Mỹ đòi tái đàm phán thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama giữa Iran với các cường quốc trong nhóm P5+1 (gọi tắt là JCPOA), rồi việc Mỹ gia tăng sức ép thông qua các biện pháp trừng phạt, và mới nhất là lời hăm dọa trên, thực chất, liên quan mật thiết đến khía cạnh kinh tế - thương mại.

Một Iran cúi đầu và hoàn toàn khuất phục sẽ có thể đưa đến nhiều lợi ích cho Mỹ cũng như các đồng minh ở Vùng Vịnh hơn gấp bội, so với một Iran “ngang ngạnh” và đủ tiềm lực uy hiếp các đồng minh đó. Đơn giản nhất, cũng như một kịch bản u ám đã được phác thảo từ năm 2012, I-ran hoàn toàn có thể làm trì trệ cả một dòng chảy những chuyến tàu chở dầu đi khắp thế giới, chỉ bằng cách phong tỏa eo biển Hormuz - một tuyến hàng hải mang ý nghĩa yết hầu mà họ nắm giữ.

Những gì đang diễn ra giữa Mỹ và I-ran đã có thể xem là một cuộc “chiến tranh kinh tế”. Và với viễn cảnh thủy lôi rải đầy trên cửa biển Hormuz, câu chuyện có thể phát triển thành “một cuộc chiến tranh đích thực vì kinh tế”.

Liệu ai thật sự muốn căng thẳng đẩy đến tận mức ấy, vào lúc này? Không phải Iran, dĩ nhiên. Họ, khó khăn lắm mới thoát được quãng thời gian dài bị cấm vận, cần sự ổn định cùng những nguồn đầu tư để tái thiết đất nước hơn.

Không phải các cường quốc trong nhóm P5+1, bởi cả Anh, Pháp, Đức và Trung Quốc đều nhìn thấy những cơ hội làm ăn đầy hứa hẹn khi ký kết JCPOA. Đó cũng là lý do chính để họ “ngọt nhạt” với Mỹ hết lần này đến lần khác nhằm bảo vệ thỏa thuận này, và thậm chí tuần trước còn tuyên bố sẵn sàng kích hoạt các điều khoản bảo vệ cam kết.

Không phải Nga, rõ ràng là thế. Iran, cùng Syria là những đồng minh gần gũi nhất của Moscow ở Trung Đông, là những “căn cứ địa” ảnh hưởng và vị thế không thể buông bỏ.

Và ngay cả nước Mỹ cũng chưa chắc đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu mới nóng bỏng đến vậy. Sức mạnh quân sự áp đảo cũng không phải là sự bảo đảm rằng Iran không thể phong tỏa Hormuz, bởi đó là lãnh hải của quốc gia Hồi giáo ấy, là “sân nhà” của họ. Mà khuất lấp phía sau, vừa hoan hỉ khép lại Hội nghị cấp cao Nga - Mỹ mới được một tuần, hẳn Nhà trắng cũng phải cân nhắc phản ứng của Điện Kremlin.

Bởi vậy, thực ra, sẽ còn gì êm đẹp và hợp lý hơn, nếu có một hoặc nhiều thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bước ra, gợi ý về khả năng đối thoại, làm “hạ nhiệt” bầu không khí thù địch này, và mở đường cho những cơ hội “xuống thang” mà không ai phải mất mặt, cho cả hai bên?