Sứ mệnh của ai?

“Hiện tại, nước Anh muốn tham gia sứ mệnh mà nước Mỹ đề ra. Nhưng chúng tôi sẽ không làm như vậy. Chúng tôi hướng tới một sứ mệnh châu Âu”. Bộ trưởng Ngoại giao Ðức H.Ma-át (Heiko Maas) đã khẳng định, khi một lần nữa từ chối lời đề nghị của Mỹ, về việc tiếp tục gia tăng sức ép lên I-ran (Iran).

Lời đề nghị đó đã được đưa ra từ cuối tháng 7, khi tình hình eo biển Hoóc-mút (Hormuz) còn chưa căng thẳng đến như bây giờ. Oa-sinh-tơn (Washington) đề nghị các quốc gia trên thế giới (bao gồm lực lượng chủ chốt là các đồng minh châu Âu truyền thống như Anh, Pháp, Ðức…) gia nhập một liên minh quốc tế tuần tiễu và hộ tống các tàu hàng trên tuyến đường hàng hải đi qua eo biển Hoóc-mút.

Ngay từ khi đó, nước Ðức - nền kinh tế lớn nhất trong Liên hiệp châu Âu (EU) - đã tỏ ra không mấy mặn mà với ý tưởng này. Nói như Phó Thủ tướng Ðức O.Schon (Olaf Scholz), nước Ðức “sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn việc căng thẳng leo thang tại Vùng Vịnh”. Và ông nhận định rằng trong khi điều quan trọng là tránh xung đột quân sự trong khu vực nóng bỏng ấy, thì lời đề nghị về việc thành lập liên minh hải quân của Mỹ lại có nguy cơ kéo các bên vào một cuộc xung đột lớn hơn.

Ðể rồi, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ðức nói thẳng: Chính phủ Ðức cho rằng chiến lược gia tăng tối đa sức ép nhắm vào I-ran của Mỹ là sai lầm.

Nước Mỹ, thật ra, còn nhắm đến mục tiêu gì nữa khi đưa ra lời đề nghị đó?

Hãy nghe một nhà phân tích hàng đầu nước Nga - Phó Giáo sư Khoa học chính trị A.Pe-ren-đơ-gi-ép (Alexander Perendzhiev) bình luận: “Tất nhiên, tuyên bố này là một phương pháp tác động tâm lý đến I- ran. Ngoài ra, Mỹ cũng thăm dò quan điểm của các đồng minh, xem họ có sẵn sàng tham gia xây dựng một đội quân hay không”.

Giới chuyên môn cũng cho rằng nước Mỹ muốn tạo dựng liên minh hải quân ấy vì hai lý do: Vượt qua các chuẩn mực quốc tế để phục vụ lợi ích của mình; và san sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng cho các nước khác, tiết kiệm nguồn lực cho nước Mỹ. Quả thật, khi đường đua đến vị trí Tổng thống Mỹ năm 2020 xem như đã mở, mọi khoản chi đều có thể trở thành “vũ khí” để các đối thủ cạnh tranh công kích ông chủ Nhà trắng hiện tại.

Cùng suy nghĩ với Phó Giáo sư Pe-ren-đơ-gi-ép, chuyên gia I-ran A.Ma-hơ-đi (Ahmed Mahdi) phân tích: “Việc Nga không được mời tham gia cho thấy rằng tuyên bố về việc thành lập liên minh hải quân ấy chỉ là một động thái gây tiếng vang”.

Thế nên, không có gì bất ngờ khi nước Ðức tỏ ra hờ hững với lời đề nghị này. Có những lợi ích cốt lõi mà họ không sẵn sàng hy sinh, để phục vụ lợi ích cốt lõi của một cường quốc khác.

Trên cương vị là một trong hai quốc gia “đầu tàu” EU (cùng nước Pháp), nước Ðức sẽ cố gắng nâng cao vị thế của mình cũng như của EU càng nhiều càng tốt. Họ thậm chí còn hướng đến việc trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - điều xứng đáng với vị thế hiện tại của họ, và thật ra đã thể hiện gián tiếp qua việc Ðức đứng cạnh nhóm P5 (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc) để cùng ký thỏa thuận lịch sử về hạt nhân với I-ran năm 2015.

Nước Ðức muốn bảo vệ thỏa thuận ấy. Nó không chỉ gắn liền với các giá trị trừu tượng, mà còn liên quan chặt chẽ đến lợi ích thiết thực của các doanh nghiệp Ðức, trong tiến trình đầu tư tái thiết I-ran đang diễn ra. Không chỉ vậy, cả nước Ðức lẫn EU đều đã từng “mếch lòng” với những chỉ trích từ phía đương kim Tổng thống Mỹ, quanh chuyện đóng góp vào hoạt động chung của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO). Một “quân đội châu Âu” riêng biệt là điều đã liên tục được nghiêm túc nhắc đến trong mấy năm qua.

Châu Âu, quả thật, có những “sứ mệnh” của riêng mình.