Ở hai chiều sức ép

Ðó là điều không làm ai ngạc nhiên. Vấn đề đáng quan tâm chỉ là nước Mỹ sẽ còn tiếp tục gia tăng áp lực đến mức độ nào, và I-ran (Iran) sẽ phản ứng dữ dội đến đâu?

Một dự thảo sửa đổi biết chắc là sẽ bị phản đối dữ dội, nhưng vẫn cứ được tiến hành.

Ngày 11-8, Oa-sinh-tơn (Washington) đưa ra Liên hợp quốc (LHQ) một dự thảo, trong đó đề xuất kéo dài vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với I-ran. Ðộng thái này được cho là nhằm tìm cách giành thêm sự ủng hộ tại Hội đồng Bảo an LHQ. Theo một số nguồn tin, nó đã được thu gọn lại so với những phác thảo hồi tháng sáu - văn bản đã phải nhận rất nhiều chỉ trích, trước tiên là bởi chứa đựng những điều khoản vượt khỏi phạm vi điều chỉnh của nghị quyết kéo dài lệnh cấm vận vũ khí đối với I-ran (thí dụ điều khoản cho phép tất cả các quốc gia có quyền kiểm tra hàng hóa ra vào lãnh thổ của họ, nếu có nguồn gốc hay điểm đến là I-ran).

Trước đó, ngày 5-8, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo (Mike Pompeo) tuyên bố sẽ kích hoạt cơ chế trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 - mà I-ran ký với nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Ðức) - nhằm áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt.

Bởi vì, đến ngày 18-10 tới, lệnh cấm bán vũ khí thông thường cho I-ran trong khuôn khổ thỏa thuận ấy sẽ hết hiệu lực. Và suốt bốn năm qua trong nhiệm kỳ đương kim Tổng thống Mỹ Ð.Trăm (Donald Trump), bất chấp mọi đòn đánh, Tê-hê-ran (Tehran) vẫn chưa gục ngã.

Ngày bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới đang tới mỗi lúc một gần. Ông chủ Nhà trắng hiện tại, giữa tứ bề phong ba những vấn đề kinh tế - xã hội xuất phát từ các ảnh hưởng ghê gớm của đại dịch toàn cầu Covid-19, đang cần hướng sự chú ý của dư luận ra bên ngoài hơn lúc nào hết.

Có lẽ mối dây liên hệ giữa cuộc bạo loạn tàn phá thành phố Chi-ca-gô (Chicago) ngày 11-8 với những điều khoản mỗi lúc một cứng rắn dành cho Tê-hê-ran là không thật sự rõ ràng. Cũng có lẽ chuyện các tập đoàn hàng đầu của Mỹ phản đối việc hạn chế người lao động nhập cư cũng xảy đến như một diễn biến riêng rẽ. Tuy nhiên, bất cứ lúc nào, giới quan sát quốc tế cũng có thể đặt các sự kiện ấy vào một hàng cạnh nhau, với sợi chỉ xuyên suốt là những gì có thể sẽ tiếp nối ở điểm cuối cùng - ngày bầu cử.

Nhìn từ khía cạnh này, không hẳn chỉ I-ran là phía phải đương đầu với sức ép. Một thứ sức ép khác, khó nắm bắt hơn, đang bủa vây và tác động đến các quyết sách của Oa-sinh-tơn - thứ sức ép của quyền lực trên vũ đài chính trị.

I-ran nói riêng và chính sách đối ngoại nói chung, bởi vậy, đang được lựa chọn để trở thành những thứ "van xả" của các vấn đề nội tại trong xã hội Mỹ.

TÊ-HÊ-RAN, thực tế, có nhiều lý do để lo lắng hay không?

Có, và không. Có thể tin rằng chính quyền Mỹ sẽ vẫn còn tiếp tục duy trì sự thù địch với họ. I-ran đã, đang và vẫn sẽ là một "cái gai trong mắt" cường quốc số một thế giới, một mắt xích mấu chốt trong tiến trình định hình trật tự toàn cầu trên các lằn ranh giữa nước Mỹ và những kình địch.

Nhưng ở phương diện khác, dường như nước Mỹ vẫn còn khá đơn độc với cách ứng xử mà họ lựa chọn dành cho I-ran. Các đồng minh phương Tây của họ, kể cả khi đồng ý rằng nên gia hạn lệnh cấm vận vũ khí, cũng vẫn sẽ ưu tiên nhiều hơn cho việc duy trì thỏa thuận hạt nhân, bởi "một thỏa thuận không hoàn hảo còn hơn là không có thỏa thuận nào", như lời Thủ tướng Ðức A.Méc-ken (Angela Merkel).

Dự thảo mà nước Mỹ đề xuất cần có sự đồng thuận của ít nhất chín thành viên Hội đồng Bảo an LHQ mới có thể thông qua. Vấn đề là, Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ dùng quyền phủ quyết để bác bỏ nó. Ðiều này khiến cho bản dự thảo "hiện nguyên hình" là một thứ "đòn gió".

Nếu nó vô hiệu, thì hệ quả sẽ là thế nào đối với những tính toán chính trị của Nhà trắng hiện thời?

VÕ HOÀNG