Nhiệm vụ đầu tiên

Khoan hãy bàn đến những gì cao xa hơn. Chỉ riêng chuyện phải có tới 20.000 vệ binh quốc gia Mỹ được điều động để bảo đảm an ninh cho lễ nhậm chức của tân Tổng thống G.Bai-đơn (Joe Biden) cũng đã là quá đủ để khắc họa mối nguy hiểm lớn đang đe dọa cường quốc số 1 thế giới ấy. Không gì khác, đó là sự chia rẽ nội tại.

Sự chia rẽ ấy bộc lộ ở rất nhiều khía cạnh, từ kinh tế - xã hội đến những vấn đề chính trị, đối ngoại.
 
 “Cuộc chiến pháp lý” mà Tổng thống mãn nhiệm Đô-nan Trăm (Donald Trump) dẫn đầu, với những nỗ lực đến tận quãng thời gian cuối cùng nhằm lật ngược kết quả bầu cử, và lên đến đỉnh điểm căng thẳng với việc đám đông ủng hộ ông một cách quá khích tràn vào tàn phá tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Đồi Ca-pi-tôn (Capitol Hill) là minh chứng rõ nét nhất cho việc Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đang đánh mất tính chất “hợp chúng” của mình như thế nào.
 
 Những người ủng hộ Đô-nan Trăm và những người chống lại ông (một tập hợp bao trùm lên cả khái niệm “các cử tri đảng Dân chủ” lẫn “những người phản đối cựu tổng thống, bất kể khuynh hướng chính trị”), trong thời gian qua, đã thật sự đứng ở hai phía của một chiến tuyến vô hình.
 
 Trong bối cảnh ấy, việc liên tiếp xuất hiện những cảnh báo về các kịch bản bạo loạn, việc cho đến lúc này vẫn tiếp tục có hàng trăm kẻ quá khích bị bắt, việc bất chấp chỉ còn ít ngày tại vị, ông Trăm vẫn phải đối diện những luồng ý kiến đòi truất phế ông, việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ N.Pê-lô-xi (Nancy Pelosi) đòi hỏi phải có biện pháp tịch thu “va-li hạt nhân” từ ông, khiến các tướng lĩnh của Liên quân Mỹ phải ra thông báo rằng họ và quân đội sẽ không can dự vào các biến động chính trị… càng khắc sâu thêm những đường nét bất ổn.
 
 Khi ngay cả nội bộ đảng Cộng hòa, sự chia rẽ về tư tưởng cũng hiện hữu, thì ai cũng có thể hình dung: Những mâu thuẫn hay đối lập về tư tưởng giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ (đang nắm giữ quyền lực ở cả Nhà trắng, Thượng viện và Hạ viện), giữa những công dân Mỹ vẫn muốn thấy quyền lợi của “nước Mỹ trên hết (American first - khẩu hiệu tranh cử từ năm 2016 của ông Đô-nan Trăm)” với những công dân Mỹ muốn thấy nước Mỹ bớt “ích kỷ” hơn… là rất gay gắt.
 
 Thật ra, sự bế tắc trên chính trường Mỹ - ánh phản chiếu của những chia rẽ ấy - đã được thể hiện rõ kể từ cuộc bầu cử năm 2016, khi không một chính trị gia “chuyên nghiệp” và “truyền thống” nào cản bước nổi ông Đô-nan Trăm. Nhưng trước đó 5 năm, phong trào “Chiếm lĩnh phố Uôn - Occupy Wallstreet” cũng đã làm bộc lộ rõ xung đột liên quan bất bình đẳng lợi ích - căn nguyên của rạn nứt về tư tưởng, tâm trạng mất lòng tin, biểu hiện quá khích và cực đoan trong xã hội Mỹ.
 
 Và 12 tháng qua, đại dịch toàn cầu Covid-19 cùng những hệ lụy kinh khủng của nó tiếp tục làm gia tăng khoảng cách, thông qua sự khốn khó, nỗi sợ hãi, tâm lý giận dữ và nhu cầu thay đổi.
 
 Như mọi tổng thống đắc cử, tân Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn cũng đã phác họa cho mình một chương trình hành động toàn diện, từ ngoại giao đến nội trị. Cho dù là vì chương trình hành động của ông thuyết phục được nhiều cử tri, hay cho dù vì đa số cử tri không muốn nước Mỹ tiếp tục hành trình với ông Đô-nan Trăm nữa, thì một chặng đường mới cũng đã mở.
 
 Có lẽ, khi đưa ra khẩu hiệu tranh cử “Hàn gắn quốc gia - Heal the Nation”, Tổng thống G.Bai-đơn cùng ê-kíp của mình cũng chưa hình dung được những biến động dữ dội đưa đến bối cảnh hiện tại, ngày ông chính thức tiếp nhiệm, với súng ống tua tủa canh gác từng ngóc ngách Thủ đô Oa-sinh-tơn (Washington).
 
 Chính vì thế, vượt trên mọi kế hoạch về ngăn chặn đại dịch, khôi phục kinh tế hay lấy lại vị thế dẫn dắt của nước Mỹ trong những vấn đề toàn cầu, “Heal the Nation” từ một slogan trở thành một nhiệm vụ bức bách. Làm sao “con đại bàng Mỹ” có thể bay cao, khi tự làm rách đôi cánh của mình bằng chia cách và cả hận thù!