Một lợi ích, hai đại dương

Cuộc hội đàm song phương và tuyên bố chung được đưa ra tại Niu Đê-li (New Delhi) từ Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump) cùng Thủ tướng Ấn Độ N.Mô-đi (Narendra Modi), một lần nữa, tô đậm thêm những lợi ích chung mà hai cường quốc chia sẻ. Từ điểm cốt lõi đó, mối quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện mà họ đang xây dựng đang sẵn sàng trở thành trung tâm trên bản đồ địa chính trị khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo tuyên bố chung được Bộ Ngoại giao Ấn Độ công bố, hai bên nhất trí sớm hoàn tất các cuộc đàm phán đang diễn ra - vốn được kỳ vọng có thể trở thành một hiệp định thương mại song phương toàn diện, phản ánh tiềm năng đầy đủ của quan hệ thương mại song phương, thúc đẩy thịnh vượng, đầu tư và tạo việc làm ở cả hai nước. Hai bên đồng thời công nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của khía cạnh thương mại và đầu tư trong mối quan hệ Ấn Độ - Mỹ và nhu cầu ổn định thương mại lâu dài mang lại lợi ích cho cả hai nền kinh tế.

Rất đáng chú ý, theo Bộ Công thương Ấn Độ, trong tài khóa 2018 - 2019, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt tới 87,95 tỷ USD, vượt kim ngạch thương mại song phương Ấn Độ - Trung Quốc (87,07 tỷ USD). Tiếp nối xu hướng đó, trong chín tháng đã qua của tài khóa 2019 - 2020, kim ngạch thương mại song phương Ấn Độ - Mỹ đạt 68 tỷ USD, trong khi con số tương tự ở mối quan hệ thương mại Ấn Độ - Trung Quốc là 64,96 tỷ USD.

Và đó là những gì họ đã đạt được, khi còn chưa ký kết với nhau xong một hiệp định thương mại tự do (FTA) hoàn chỉnh.

Đi kèm với lợi ích kinh tế, đương nhiên sẽ là vị thế và tầm ảnh hưởng địa chính trị. Những tham vọng mới cũng đã được khẳng định ngay trong Tuyên bố chung, rằng mối quan hệ đối tác thân cận Ấn Độ - Mỹ sẽ là trung tâm của một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, hòa bình và thịnh vượng.

Quan hệ đó được họ khẳng định bằng việc thừa nhận tính trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN), việc ghi nhận những nỗ lực hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), việc tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng tự do hàng hải cũng như giải quyết các tranh chấp hàng hải theo luật quốc tế.

Đồng thời, Thủ tướng Ấn Độ cũng như Tổng thống Mỹ nhất trí quyết định tăng cường tham vấn từ các cơ chế mở rộng, như Hội nghị cấp cao ba bên Mỹ - Ấn Độ - Nhật Bản hay tứ giác Mỹ - Ấn Độ - Nhật Bản - Ô-xtrây-li-a (Australia).

Người ta có thể nhận thấy sự vắng mặt của quyền lực kinh tế hàng đầu châu Á và thứ hai thế giới trong các tuyên bố này. Cho dù, trong giai đoạn 2013 - 2018, Trung Quốc chính là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ.

Đặt những bước phát triển vượt bậc trong quan hệ Ấn Độ - Mỹ vào bối cảnh thế giới vẫn đang nghiêng ngả bởi những hệ lụy của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, và đặt cạnh “đại kế hoạch” mang tên “Một vành đai - một con đường” mà Bắc Kinh chủ xướng, có lẽ nhiều khía cạnh sẽ trở nên dễ nắm bắt hơn.

Nói một cách ngắn gọn, khát vọng nâng cao vị thế quốc tế của Ấn Độ trong thời kỳ mới, nhất là tại châu Á, tương thích với các tính toán địa chính trị “xoay trục” của Oa-sinh-tơn (Washington), và ngày càng trở nên khăng khít nhờ được thắt chặt bởi những lợi ích kinh tế.

Xu hướng này đang ngày càng trở nên rõ rệt, và cho dù việc biến nó trở thành trọng tâm đích thực của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn còn rất nhiều rào cản, thì mối quan hệ ấy cũng đã thật sự trở thành đối trọng của bất cứ tham vọng nào khác. Vấn đề là, những phản ứng dây chuyền tiếp nối sẽ xuất hiện, và làm phức tạp thêm những vấn đề vốn đã khá nhạy cảm ở châu Á.

Đơn cử, khi vũ khí Mỹ xuất hiện ngày một nhiều hơn ở Ấn Độ thông qua các kế hoạch hợp tác quốc phòng, liệu Pa-ki-xtan (Pakistan) lựa chọn xích lại gần trung tâm quyền lực nào, để bảo vệ những lợi ích cốt lõi của mình? Và trung tâm quyền lực nào sẽ sẵn sàng chìa tay với họ?