Lá phiếu nào cho những tiếng bom?

Sẽ là một ngày quan trọng của Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan), ngày 28-9 tới, ngày mà các cử tri đi bỏ phiếu để lựa chọn người lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ tổng thống mới. Song, cứ như chẳng có gì thay đổi so kỳ bầu cử trước. Những nỗi kinh hoàng đầy tính hăm dọa vẫn ngang nhiên xuất hiện, ngay trước thềm cuộc đua quyền lực.

Ngày 17-9, Áp-ga-ni-xtan lại rung chuyển bởi những tiếng bom khủng bố.

Tại tỉnh miền trung Pa-rơ-oan (Parwan), thành phố Cha-ri-ka (Charikar), 24 người thiệt mạng và 32 người bị thương (bao gồm cả người già, phụ nữ và trẻ em) sau khi một đối tượng đánh bom liều chết cố gắng tiến công vào một địa điểm vận động tranh cử của đương kim Tổng thống A.Ga-ni (Asraf Ghani). Cùng ngày, tại Thủ đô Ca-bun (Kabul), một vụ nổ lớn cũng cướp đi sinh mạng của sáu người, và làm hàng chục người khác bị thương.

Một ngày sau, lực lượng phiến quân đối lập Ta-li-ban (Taliban) - thế lực đã bị hất nhào khỏi vũ đài quyền lực tại Áp-ga-ni-xtan năm 2001 - lên tiếng thừa nhận trách nhiệm về những vụ tiến công khủng bố này.

Và đó là điều hoàn toàn không có gì bất ngờ.

Bạo lực không chỉ là một phương thức báo thù của Ta-li-ban. Bạo lực còn là công cụ để lực lượng đó gieo rắc bầu không khí sợ hãi, đe dọa cả các ứng viên lẫn cử tri, ngăn cản tiến trình bầu cử, tiếp tục duy trì trạng thái cát cứ giữa những khoảng trống quyền lực… để chờ đợi cơ hội trỗi dậy.

Kỳ bầu cử trước, những tiếng bom cũng liên tục vang rền. Kỳ bầu cử này, Ta-li-ban không hề giấu giếm ý đồ biến mọi địa điểm vận động bầu cử cũng như mọi địa điểm bỏ phiếu trở thành các khu vực hoang vắng. Và dường như họ đang thực hiện ý đồ này thành công. Giới quan sát quốc tế hiện vô cùng lo ngại, rằng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu lần này sẽ tụt xuống rất thấp, bởi không ai muốn mạo hiểm sinh mạng của mình.

Thế mà, tổng tuyển cử đã, đang và vẫn sẽ được xem là phương tiện hàn gắn các vết thương trong quá khứ của đất nước đầy đau thương và chia rẽ này. Sự chia sẻ và chuyển giao quyền lực trong hòa bình chỉ có thể thực hiện dựa trên ý nguyện thể hiện bằng các lá phiếu của cử tri, đó là điều tất cả đã nghĩ đến sau những năm dài chờ đợi binh sĩ Mỹ triệt thoái khỏi nơi đây.

Và thế mà, không ít phía liên quan cũng đã, đang và sẽ còn tiếp cận vấn đề theo cách mời Ta-li-ban tham dự lộ trình đó, bình đẳng như mọi thế lực chính trị khác. Đó là sự thỏa hiệp với hy vọng sẽ xoa dịu những thù hận chất chứa suốt gần 20 năm qua, trong tâm khảm những kẻ thất thế.

Nhưng, có lẽ, chỉ chừng đó nhượng bộ vẫn còn là chưa đủ. Ta-li-ban chưa bằng lòng với những điều kiện được nêu ra. Họ muốn nhiều hơn thế, nếu không phải là còn muốn giành lại tất cả những gì đã mất.

Có điều, ở một khía cạnh rộng lớn hơn, tình trạng mất an ninh trầm trọng cũng như bạo lực liên tiếp xuất hiện trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Áp-ga-ni-xtan lại có thể nằm trong mong muốn của không ít thế lực quốc tế.

Bối cảnh hiện tại ở Áp-ga-ni-xtan đang gợi lại rõ rệt hình ảnh của đất nước I-rắc (Iraq) trong quá khứ, khi quân đội Mỹ rời đi. Quyền lực nhà nước của chính phủ Bát-đa (Baghdad) khi ấy chưa đủ mạnh, thế nên các khoảng trống quyền lực nhanh chóng bị chiếm lĩnh bởi một thế lực đầy hung bạo: Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Rất nhanh chóng, IS đẩy lùi quân đội I-rắc, kiểm soát phần lớn lãnh thổ đất nước ấy. Để rồi, sau bao nhiêu đau thương và mất mát, với bao nhiêu hệ lụy tang tóc, cùng rất nhiều nỗ lực góp sức chung của các liên minh quân sự quốc tế, đội quân hung bạo ấy mới bị quét khỏi các thành phố lớn của quốc gia này.

Nếu chính phủ Ca-bun không thể khống chế nổi tình hình, không thể đoan chắc là Áp-ga-ni-xtan không đứng trước nguy cơ tương tự. Và đó sẽ là cái cớ để các binh sĩ Mỹ được đưa trở lại mảnh đất ấy. Bởi vì, nước Mỹ hiện tại đang được điều hành theo hướng khác hẳn với nước Mỹ thời cựu Tổng thống B.Ô-ba-ma (Barack Obama)…