Kết thúc liệu có là khởi đầu?

Lại một “thỏa thuận lịch sử” nữa mà nước Mỹ ký kết. Theo đó, như lời đương kim Tổng thống Mỹ Ð.Trăm (Donald Trump), việc đạt được những sự đồng thuận quan trọng với lực lượng Ta-li-ban là bước đi để “sau cùng chấm dứt cuộc chiến dài nhất mà nước Mỹ tham dự, cũng như đưa các binh sĩ Mỹ về nhà”. Tuy nhiên…

Tuy nhiên, ngay sau vòng đàm phán được xem là thành công, và ngay sau sự lạc quan mà ông chủ Nhà trắng hiện tại bày tỏ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ M.E-xpơ (Mark Esper) vẫn phải “đăng đàn” để nhấn mạnh: “Nếu Ta-li-ban không tuân thủ cam kết, họ sẽ đánh mất cơ hội đàm phán với Chính phủ Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan) trong việc thảo luận về tương lai của đất nước. Và khi đó, Mỹ sẽ không ngần ngại hủy bỏ thỏa thuận này”.

Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu Lầu Năm góc lại phải “cẩn thận” như vậy. Chỉ trong những ký ức từ năm 2018 trở lại đây thôi, ít nhất hai lần các cuộc tiếp xúc hướng tới đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Ta-li-ban đã bị gián đoạn, bởi những vụ tiến công của Ta-li-ban nhằm vào binh sĩ Mỹ (hồi tháng chín và tháng 12 năm ngoái).

Còn trước đó nữa? Trước đó nữa, kể từ khi quân đội Mỹ tiến vào Thủ đô Ca-bun (Kabul) năm 2001, đánh bật Ta-li-ban khỏi trung tâm quyền lực của quốc gia Nam Á này, duy trì một đội quân đồn trú thường trực (vẫn còn tới 12.000 binh sĩ cho đến hiện tại)…, Mỹ và Ta-li-ban đều đã luôn xem nhau là “ác quỷ”. Thù hận 20 năm, làm sao tiêu biến trong một sớm một chiều?

Chính vì thế, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ M.Mai-lây (Mark Milley) cảnh báo: “Ðừng hy vọng bạo lực sẽ chấm dứt ngay lập tức và biến mất hoàn toàn khỏi Áp-ga-ni-xtan”.

Cũng chính vì thế, trong lộ trình 14 tháng triệt thoái binh sĩ khỏi Áp-ga-ni-xtan mà Lầu Năm góc đưa ra có một điểm dừng: sau khi cắt giảm quân số đồn trú xuống còn 8.600 người trong vòng 135 ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tạm dừng để đánh giá tình hình. Cho dù, tiến trình rút quân ấy sẽ diễn ra ngay trong vòng 10 ngày sau vòng đàm phán và thỏa thuận lịch sử (ngày 1-3).

Nước Mỹ đã quá mệt mỏi vì cuộc chiến này. Ðã đến lúc mà họ (và đương kim tổng thống của họ) thật sự cảm thấy cần phải hoàn tất những gì mà chính quyền các nhiệm kỳ trước từng khởi xướng. Song, điều đó không có nghĩa là họ có thể dễ dàng ngay lập tức “buông tay” và mặc kệ tất cả, miễn rằng có thể rút chân khỏi một “vũng lầy”. I-rắc (Iraq) cũng đã từng là một vũng lầy như thế, và quá trình “phủi tay” quá vội vã của nước Mỹ ở I-rắc cũng đã trở thành một bài học đắt giá.

Chưa ai quên, những lá cờ đen chết chóc của lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã phất lên từ hận thù, từ những khoảng trống quyền lực ở I-rắc như thế nào, và đã dễ dàng “nuốt chửng” cả một nửa lãnh thổ của quốc gia ấy khi chính quyền Bát-đa (Baghdad) còn quá non yếu ra sao.

Ở một khía cạnh khác, nếu quá vội vàng để tuột quyền kiểm soát tình hình Áp-ga-ni-xtan (bằng các công cụ quân sự), khoảng trống mà nước Mỹ để lại cũng hoàn toàn có thể dễ dàng được lấp đầy bởi không ít quyền lực khu vực và quốc tế. Nằm sát cạnh “chảo lửa” Trung Ðông - nơi đang chuyển biến vô cùng phức tạp với những cuộc xung đột bị quốc tế hóa, Áp-ga-ni-xtan thực chất là một “trọng địa” chiến lược rất khó để buông bỏ. Ðiều này không chỉ là lợi ích địa chính trị, mà còn liên quan mật thiết đến “chuyện làm ăn” tại các mỏ dầu ở vùng Vịnh.

Bởi vậy, tuyên bố của người đứng đầu Lầu Năm góc cần phải được “thưởng thức” với những “ý vị” khác, khuất dưới những khát khao chung của cộng đồng quốc tế về một Áp-ga-ni-xtan hòa bình, ổn định và phát triển. Ðó là đòi hỏi Ta-li-ban cần phải “biết điều” với những lợi ích cốt lõi mà nước Mỹ đã và đang nắm giữ ở quốc gia ấy.

Thế nhưng, nếu còn bóng dáng lính Mỹ, Áp-ga-ni-xtan sẽ vẫn có gì đó giống như một vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Mà đó lại chính là một trong những lý do chủ chốt Ta-li-ban đưa ra để duy trì cuộc chiến của mình, suốt 20 năm nay…