Đốm sáng giữa đêm

Vô cùng bất ngờ, Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan) đột ngột trở lại với trạng thái yên bình, khi những tiếng súng giao tranh im bặt. Điều đó trở thành một “cơ hội không thể bỏ lỡ” cho hòa bình. Tuy nhiên…

Từ ngày 23-5 đến ngày 27-5, đúng như lời tuyên bố của phát ngôn viên lực lượng Ta-li-ban (Taliban) - G.Mu-gia-hít (Zabihullah Mujahid), Ta-li-ban đã “thực hiện các biện pháp đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trong nước và không tiến hành bất cứ chiến dịch nào ở bất cứ đâu”.

Đó hiển nhiên là một động thái đầy thiện chí, được đưa ra với lý do là nhân dịp tháng lễ Ra-ma-đan (Ramadan, tháng lễ của các tín đồ Hồi giáo) kết thúc. Nó khép lại một chặng giao tranh ác liệt, với hàng loạt vụ xung đột gia tăng dữ dội trên đất nước ấy, kể từ khi quân đội Mỹ đạt được một thỏa thuận với Ta-li-ban, về tiến trình triệt thoái binh sĩ của mình. Trong chặng đường máu lửa vừa tạm thời khép lại ấy, đã có tới 420 dân thường thiệt mạng cùng 906 người bị thương.

Ba ngày Ta-li-ban ngừng bắn đơn phương, vì thế, là một quãng nghỉ vô giá.

Trong vòng 24 giờ sau tuyên bố đó từ phía Ta-li-ban, Chính phủ Áp-ga-ni-xtan đã lập tức phóng thích 100 tù nhân Ta-li-ban đầu tiên, từ nhà tù Ba-gram. Đây được xem là chặng khởi đầu của tiến trình trả tự do cho 2.000 tù nhân Ta-li-ban, nhằm thể hiện thiện chí của Chính phủ Ca-bun (Kabul).

Đương kim Tổng thống Áp-ga-ni-xtan A.Ga-ni (Ashraf Ghani), ngày 24-5, cam kết sẽ đẩy nhanh tiến trình này. Đổi lại, ông cũng đề nghị phía Ta-li-ban thúc đẩy việc trả tự do cho các binh sĩ cũng như nhân viên chính phủ bị phía Ta-li-ban giam giữ. Theo thỏa thuận hòa bình mà Ta-li-ban ký kết với Mỹ, Ca-bun sẽ phóng thích khoảng 5.000 tù nhân, và Ta-li-ban trả tự do cho khoảng 1.000 người.

Với một cái nhìn lạc quan, có thể nói lòng tin giữa hai bên đã bắt đầu được nhen nhóm, để hướng tới những cuộc đàm phán hòa bình đúng nghĩa trong tương lai, đúng như lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Gu-tơ-rét (Antonio Guterres): “Tất cả các bên liên quan cần phải nắm lấy cơ hội này, để đi theo tiến trình hòa bình do Áp-ga-ni-xtan đứng đầu và làm chủ. LHQ ủng hộ chính phủ và người dân Áp-ga-ni-xtan trong tiến trình đó”.

Và ngày 26-5, Chính phủ Ca-bun xác định: “Điều quan trọng là phải kéo dài được tình trạng ngừng bắn”.

Tạm gác những màu sắc hy vọng sang một bên, câu hỏi thực tế đặt ra là: Vì sao khi Ca-bun đề nghị ngừng bắn ở đầu tháng lễ Ra-ma-đan thì Ta-li-ban từ chối, nhưng lại bất ngờ đơn phương ngừng bắn khi tháng lễ ấy kết thúc?

Câu trả lời, có lẽ, chỉ đơn giản là Ta-li-ban muốn hoàn toàn nắm quyền chủ động về “nhịp độ trận đấu”, khi quân đội Mỹ, như đương kim Tổng thống Mỹ Đ.Trăm một lần nữa xác nhận ngày 27-5, chắc chắn sẽ triệt thoái toàn bộ khỏi mảnh đất đó. Thậm chí, ông còn muốn những người lính Mỹ trở về nhà kịp cho ngày bỏ phiếu cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (và đương nhiên, đa số trong họ sẽ ủng hộ người đưa họ “về nhà”).

Ta-li-ban, ngay sau khi “thỏa thuận mang tính lịch sử” với Mỹ được ký kết, đã liên tục thực hiện những cuộc tiến công vào các trạm gác, các cơ sở an ninh và cả các cơ quan nhà nước của Chính phủ Ca-bun. Họ từng bước chứng minh sức mạnh của mình, và chứng minh rằng sẽ rất khó khăn cho Chính phủ Ca-bun, nếu muốn áp đặt quyền lực của mình lên toàn bộ lãnh thổ đất nước mà không có sự hỗ trợ của các lực lượng binh sĩ nước ngoài.

Bởi vậy, khi đột ngột ngừng lại những đợt công kích, nếu đi đến bàn đàm phán, Ta-li-ban đã có trong tay nhiều lợi thế hơn, để đòi hỏi nhiều hơn và nhân nhượng ít hơn.

Ca-bun chắc chắn cũng đọc được những tính toán đó, và cũng đã có những biện pháp ứng phó. Có điều, sau ngày 27-5, những cuộc tiến công sẽ có thể được Ta-li-ban sử dụng bất cứ lúc nào, như một công cụ tranh giành quyền lực chính trị.

Ba ngày yên bình, thật ra chưa đủ để phác thảo chắc chắn một khung cảnh thanh bình lâu dài.