Đoạn kết xám

Mọi chuyện vẫn còn tiếp diễn. Nhưng dù sao, một kỷ nguyên cũng đã vừa chấm dứt tại Bô-li-vi-a (Bolivia). Có điều, cách mà người lãnh đạo quốc gia Mỹ la-tinh ấy rời khỏi vũ đài chính trị không chỉ gợi lên những cảm xúc trái ngược, mà còn đặt ra một câu hỏi: Vì sao chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, đất nước ấy lại có thể lún sâu đến như vậy vào hỗn loạn?

Ngày 10-11, người vừa tái đắc cử Tổng thống Bô-li-vi-a sau cuộc bầu cử hôm 20-10 - E.Mô-ra-lét (Evo Morales) - tuyên bố từ chức. Quyết định này của ông được đưa ra sau lời đề nghị thẳng thừng rằng ông hãy thực hiện điều đó, từ những người đứng đầu quân đội và cảnh sát Bô-li-vi-a.

Và bởi vậy, cho dù ngay trước đó đã chấp nhận tổ chức lại một cuộc tổng tuyển cử khác nhằm tìm kiếm hòa bình cho đất nước, cựu Tổng thống E.Mô-ra-lét - người thực tế là bị đảo chính - vẫn phải ra đi. Cùng rời khỏi cương vị với ông là hàng loạt quan chức cao cấp, bao gồm cả Phó Tổng thống A.G.Li-ne-ra (Alvaro Garcia Linera) - người không che giấu nỗi công phẫn khi tố cáo phe đối lập “đánh cắp những lá phiếu ủng hộ Tổng thống Mô-ra-lét”, nhưng cũng vẫn cam kết sẽ “tiếp tục đấu tranh để quay trở lại, vì tương lai của đất nước”.

Chính trường Bô-li-vi-a rơi vào một tình thế kỳ lạ, khi tất cả những người đủ thẩm quyền đảm nhiệm cương vị Tổng thống theo quy định của Hiến pháp đều không còn tại vị. Và rồi, đến ngày 12-11, Tòa án Hiến pháp Bô-li-vi-a phê chuẩn việc Phó Chủ tịch Thượng viện G.A-nét (Jeannine Anez) trở thành Tổng thống lâm thời.

Cuộc khủng hoảng chính trị này đã bắt đầu từ những vấn đề còn chưa được làm rõ về cơ chế kiểm phiếu của cuộc bầu cử, và nó bùng lên thành một “đám cháy” dữ dội suốt ba tuần qua, với cả những tác nhân từ bên trong lẫn bên ngoài. Sẽ còn phải mất rất nhiều thời gian để giới quan sát quốc tế phân tích cặn kẽ những tác nhân đó. Song, nếu tạm đặt sang một bên những toan tính quyền lực của phe đối lập và tác động của thế lực quốc tế, thì còn lại những gì?

Cần phải khẳng định rằng cựu Tổng thống E.Mô-ra-lét hoàn toàn có đủ lý do cũng như tư cách để tuyên bố: Một thập niên qua, chính phủ của ông đã đem đến cho Bô-li-vi-a nhiều thành quả, và phe đối lập không nên phá hoại những thành quả mà đất nước đang đạt được về công bằng xã hội, tăng trưởng kinh tế hay giảm đói nghèo…

Là một nhà lãnh đạo cánh tả điển hình, chính phủ của ông đã luôn hướng về phía người nghèo (và cả các nhóm sắc tộc bản địa). Ngay từ khi mới đắc cử tổng thống lần đầu (năm 2005), ông đã không ngại ngần “đụng chạm” đến quyền lợi của giới đại tài phiệt, thông qua những biện pháp khá “mạnh tay”: chia lại ruộng đất từ tay đại điền chủ vào tay dân nghèo, quốc hữu hóa nhiều doanh nghiệp ở các ngành then chốt, hạn chế tầm ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở Bô-li-vi-a, mở rộng quan hệ với nhiều quốc gia Mỹ la-tinh khác… Và tất cả những điều đó đã trở thành bệ phóng cho đất nước của ông cất cánh.

Tuy nhiên…

Đã 15 năm, E.Mô-ra-lét tại nhiệm, và đã ra tranh cử tới lần thứ tư. Nhu cầu thay đổi trong xã hội Bô-li-vi-a là có thật; cũng như những dấu hiệu trì trệ thể hiện ở các chính sách cũng là không thể phủ nhận.

Trước sức ép của chủ nghĩa tân tự do (mà nước Mỹ dùng hết sức để quảng bá toàn cầu), Bô-li-vi-a vẫn duy trì một tư tưởng kinh tế có phần đơn giản và “lệch trụ”. Nền kinh tế ấy chủ yếu vẫn dựa vào việc xuất khẩu tài nguyên. Nó thiếu sức bật, sự năng động, tính linh hoạt, công nghệ cũng như nhiều yếu tố khác để thích ứng với tình hình, chuyển đổi cơ cấu, duy trì khả năng tăng trưởng.

Trong khi đó, những sự sụt giảm mức sống không thể tránh khỏi giữa các cơn biến động kinh tế toàn cầu càng lúc càng làm tích tụ thêm nhiều mâu thuẫn cũng như những nỗi thất vọng trong xã hội Bô-li-vi-a.

Và, kết quả bầu cử chỉ là một cái cớ. Mười năm trước, chắc chắn những lời kêu gọi của cựu Tổng thống E.Mô-ra-lét sẽ được hưởng ứng nồng nhiệt, chứ không rơi vào thinh không…