Cuộc chơi chưa hồi kết

Những chiếc chìa khóa đã bắt đầu được cầm trên tay. Song, trong cuộc khủng hoảng ngoại giao ấy, cả Mỹ lẫn I-ran (Iran) đều chưa muốn tiến đến gần cánh cửa quá sớm. Trò chơi cân não vẫn tiếp diễn.

Và nó tiếp diễn, trong nỗi lo lắng tăng dần của khá nhiều bên liên quan.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Anh - Bộ trưởng G.Hăn (Jeremy Hunt), ngày 15-7, tuyên bố trên trang Twitter của mình rằng: Cho dù những hành động của I-ran (tuyên bố vượt qua giới hạn cho phép làm giàu uranium) đang “gây bất ổn sâu sắc”, ông vẫn muốn làm giảm chứ không phải gia tăng căng thẳng, nhằm tránh việc hạt nhân hóa cả một khu vực.

Thông điệp ấy được truyền đi, trong lúc Bộ trưởng Ngoại giao Anh đang trên đường tới Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Liên hiệp châu Âu (EU) diễn ra tại Bỉ, với chủ đề của chương trình nghị sự chính là những vấn đề chung quanh Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận lịch sử về hạt nhân ký kết năm 2015 giữa nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) với I-ran.

Và khi cuộc họp kết thúc, Cao ủy EU về đối ngoại và chính sách an ninh F.Mô-ghê-ri-ni (F.Mogherini) tuyên bố: Không bên nào của JCPOA coi những vi phạm của Tê-hê-ran (Tehran) là nghiêm trọng; cũng chưa bên nào trong thỏa thuận này thông báo ý định kích hoạt điều khoản về cơ chế cho phép thực hiện các biện pháp trừng phạt khi có sự không tuân thủ. Có nghĩa là, giải pháp ngoại giao vẫn được ưu tiên cho cuộc khủng hoảng.

Song, đó có lẽ không phải là điều nước Mỹ hướng đến. Cho dù Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pôm-pê-ô (Mike Pompeo) đã đồng ý cấp thị thực cho người đồng cấp I-ran - Bộ trưởng Ngoại giao M.G.Gia-ríp (Mohammed Javad Zarif) tới Niu Oóc (New York) tham dự một cuộc họp của Liên hợp quốc (LHQ) vào tuần tới; cho dù Hạ viện Mỹ (do các nghị sĩ đảng Dân chủ kiểm soát) cố gắng ngăn chặn các hành động chiến tranh nhằm vào I-ran…, thì hoạt động xuất khẩu dầu của I-ran vẫn đang bị Nhà trắng “làm khó dễ” đủ bề. Sự vụ bắt giữ tàu chở dầu mang tên Grace-1 của I-ran (và con tàu này chỉ được thả với điều kiện bảo đảm về đích đến) là một kiểu “đòn dằn mặt” quen thuộc của cường quốc số 1 thế giới. Nó không làm ai ngạc nhiên. Kể cả I-ran, dĩ nhiên.

I-ran tuyên bố vẫn sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu. I-ran hối thúc các quốc gia châu Âu tham gia JCPOA đưa ra những quyết định “thiết thực, hiệu quả và có trách nhiệm” nhằm cứu vãn thỏa thuận lịch sử này. Trước hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EU, I-ran cảnh báo rằng nếu các cam kết JCPOA không được bảo vệ, thậm chí họ sẵn sàng đưa tình hình quay ngược trở lại như thời kỳ chưa có thỏa thuận đó.

Dẫu vậy, I-ran cũng liên tục hé lộ khả năng quay trở lại bàn đàm phán. Dù điều kiện cho việc ấy chưa bao giờ thay đổi: Mỹ phải chấm dứt các biện pháp trừng phạt. Trên thực tế, đó là một đòi hỏi “phi thực tế”.

Và khi hai bên - cả Mỹ lẫn I-ran - vẫn đang cùng “không lùi một bước” như vậy, có không ít những khía cạnh mới manh nha hé lộ. Chẳng hạn, EU không chỉ là nạn nhân bị “kẹt giữa hai làn đạn”, mà cũng đang đối diện với cơ hội củng cố vị thế chiến lược của mình, trong vai trò trung gian. Chẳng hạn, khi I-ran đặt điều kiện đàm phán với Mỹ về chương trình tên lửa đạn đạo của mình nếu Mỹ ngừng bán vũ khí cho các đồng minh - khách hàng truyền thống ở Trung Đông, những mâu thuẫn cũ đang được xới lên, hậu thuẫn cho lời cáo buộc rằng Mỹ đang cố gắng vẽ lại bản đồ địa chính trị khu vực ấy. Ngay lúc này, chính quyền Pa-le-xtin (Palestine) cũng lên tiếng tố cáo “sự thiên vị mù quáng” mà Mỹ dành cho I-xra-en (Israel).

Những động thái ấy có thể tác động đến chính trường Mỹ không?

Có, nhưng có lẽ chỉ là trong vai trò “vũ khí” công kích lẫn nhau, khi cuộc đua mới đến chiếc ghế Tổng thống Mỹ xem như đã bắt đầu…