Cuộc chiến chưa kết thúc

Thất bại trên chiến trường thực địa không có nghĩa là kết thúc. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), ở nhiều khía cạnh, đã trở nên nguy hiểm hơn nhiều, kể từ sau khi gần như bị quét sạch khỏi các căn cứ tại Trung Ðông.

Ngày 13-5, Cơ quan Liên bang bảo vệ Hiến pháp Ðức (BfV), còn gọi là Cơ quan an ninh nội địa Ðức, tổ chức một hội nghị chuyên đề truyền thống, với chủ đề “Khả năng huy động trong chủ nghĩa cực đoan chính trị”, đề cập những vấn đề liên quan hội nhóm cùng các phần tử cực đoan, ở cả cánh hữu lẫn cánh tả.

Song, điều đáng chú ý nhất không phải là chủ đề đó, mà là việc trong hội nghị này, BfV cảnh báo: Dù trên quan điểm quân sự thì IS đã bị đánh bại tại Trung Ðông, song lực lượng này vẫn là một tổ chức khủng bố nguy hiểm, có thể đe dọa đến các giá trị của phương Tây. Chủ tịch BfV, T.Han-đen-vang (Thomas Haldenwang) nói thẳng: Chúng ta “không nên bị đánh lừa bởi những điều diễn ra trên khía cạnh quân sự trong thực tế”, bởi IS “đã rút vào hoạt động ngầm”, và hoàn toàn “đủ khả năng kích hoạt những kẻ khủng bố đang ẩn náu ở những khu vực khác trên thế giới”.

Vụ thảm sát tại Niu Di-lân (New Zealand) tháng trước, hay chuỗi vụ đánh bom vào các nhà thờ Thiên Chúa giáo tại Xri Lan-ca (Sri Lanka) vào đúng lễ Phục sinh, là những minh chứng hùng hồn cho tính cấp bách của việc gióng lên những tiếng chuông cảnh báo này.

Thật ra, ngay từ khi IS bắt đầu thất thế trên thực địa chiến trường I-rắc (Iraq) và Xy-ri (Syria), giới quan sát quốc tế đã tiên liệu đến tình trạng trong hiện tại. Chiến thuật “những con sói đơn độc” đã được đề cập và phân tích khá kỹ càng ngay từ khi ấy, với những cách thức mà chúng có thể được áp dụng, trên toàn thế giới.

Song, có lẽ, chưa bao giờ các tổ chức khủng bố khắp nơi liên kết với nhau chặt chẽ đến như vậy. IS lập tức nhận trách nhiệm về vụ đánh bom các nhà thờ ở Xri Lan-ca, và khẳng định rằng điều đó là để “trả thù cho vụ thảm sát tại các thánh đường Hồi giáo Niu Di-lân”. Trước vụ trả thù xuyên lục địa đó, vào tháng 1-2019, IS tuyển mộ các thành viên cũ của tổ chức A-bu Xay-áp (Abu Sayyaf) ở Phi-li-pin (Philippines), để tiến công vào một nhà thờ Thiên chúa giáo, làm 23 người thiệt mạng.

Giấc mơ về một lãnh thổ cùng một Nhà nước Hồi giáo cụ thể - “hậu thân” của Ðế quốc Hồi giáo mênh mông thời Trung cổ - đã tan vỡ. Tuy nhiên, thay thế nó lại là một lãnh địa khác, trừu tượng hơn nhưng rộng lớn hơn nhiều: Toàn cầu. Không còn cần đến sự hiện diện của các lãnh đạo cấp cao như thời của IS hay An Kê-đa (al Qaeda), các thành phần cực đoan hiện tại đã bắt đầu quen với việc tự hoạch định cũng như tự thực hiện các kế hoạch gieo rắc kinh hoàng.

Điều đáng sợ hơn cả là chuyện: Khác với suy nghĩ truyền thống, rằng những kẻ đánh bom cảm tử thường xuất thân từ các giai tầng thấp, tích tụ nhiều bất mãn với cuộc đời, đã có không ít trong số các phần tử cực đoan trên toàn thế giới (kể cả những kẻ trực tiếp kích hoạt bom) xuất thân từ tầng lớp trung lưu trở lên.

Hành động của chúng đã được liên kết và thúc đẩy bằng những thứ động lực đặc biệt, giàu thù hận cũng như đậm chất “cuồng tín” hơn gấp bội. Theo đánh giá của BfV, đó là bởi IS đã áp dụng một thủ đoạn mới: Gần gũi, thân thiện với những người dân bình thường, rồi sau đó “đầu độc” họ bằng những tư tưởng cực đoan, những thông tin sai lệch, nhất là tại các cộng đồng Hồi giáo lớn trên thế giới.

Hình thức chiêu mộ này, từ trước khi BfV cảnh báo, đã diễn ra ở rất nhiều khu vực, xuyên suốt nhiều tầng lớp kinh tế - xã hội. Và thật dễ hiểu, những thanh niên mới lớn đang cảm thấy bế tắc trước các ngã rẽ của cuộc đời (gắn liền với các biến động về tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu) sẽ dễ “ngả nghiêng” như thế nào.

Mà trong khi đó, ở những quốc gia vốn vẫn thường được coi là các xứ sở thanh bình, tinh thần cảnh giác cũng như khả năng ứng phó của các cơ quan chức năng thường chỉ bộc lộ khi thảm kịch đã diễn ra…