Cửa mở từ dưới vách tường

Ðiều phải đến cuối cùng cũng đã đến. Ngày 7-8, theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia Hồi giáo ấy đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Mỹ về “một số vấn đề nhất định”. Và quan trọng hơn, một phái đoàn ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã lên đường tới Oa-sinh-tơn (Washington), trong một lịch trình gấp rút đáng kinh ngạc.

Vẫn còn là quá sớm để cho rằng một tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước cùng là thành viên khối Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) ấy đã chính thức được kích hoạt. Song, cũng chẳng phải là quá lạc quan, khi xem những động thái nhanh chóng này là một sự tái khởi động, biểu đạt nguyện vọng “dàn hòa” vẫn đang bị che khuất suốt thời gian vừa qua.

Cũng như mối quan hệ phức tạp với nước Nga, khi Thổ Nhĩ Kỳ đã từng tỏ ra rất cứng rắn và rồi đột nhiên mọi thứ được đưa trở về quỹ đạo tích cực, lần này, những kết nối với nước Mỹ cũng xoay chiều trong khá nhiều sự ngỡ ngàng của giới quan sát quốc tế.

Mới một tuần trước thôi, giữa họ còn đang là những vách đá dựng đứng. Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố đưa Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ vào danh sách trừng phạt, bởi hai vị Bộ trưởng ấy có vai trò quan trọng trong quyết định bắt giam một thành phần chống đối chính phủ: Linh mục A.Brăn-xơn (A.Brunson). Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả rằng quốc gia này sẽ “trả đũa”, và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.T.Éc-đô-gan (R.T.Erdogan) thêm một lần nhấn mạnh: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không nhượng bộ trước bất cứ đe dọa nào!”.

Nhưng bây giờ, chỉ sau một cuộc điện đàm (ngày 7-8) giữa Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-pê-ô (M.Pompeo) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ M.Ca-vu-xô-glu (M.Cavusoglu), mọi chuyện đã thay đổi chóng mặt. Như thế giới được thông báo, họ đã “trao đổi với nhau về các vấn đề còn tồn đọng” giữa hai nước. Ðồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ H.A-ka (H.Akar) cũng gọi điện cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ G.Mát-tít (J.Mattis) để thảo luận về các thỏa thuận quốc phòng song phương, cuộc chiến chống khủng bố và tiến trình tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Xy-ri (Syria).

Ðó chắc chắn không thể là tất cả những gì đã diễn ra giữa hai bên, mà chỉ là điều họ sẵn lòng tiết lộ cho giới phân tích quốc tế ở thời điểm hiện tại. Nhưng, qua những thông tin ít ỏi ấy, những biến chuyển về cục diện các khu vực địa chính trị có sự tham gia của cả hai phía dường như cũng đã trở nên rõ rệt hơn.

Đầu tiên, phải khẳng định là khi quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng (suốt từ cuộc đảo chính bất thành năm 2016), cả hai đều không được lợi lộc gì. Dù thế nào, Mỹ cũng vẫn đang là cường quốc lãnh đạo NATO. Và dù thế nào, Thổ Nhĩ Kỳ cũng vẫn còn là một thành viên quan trọng với thực lực quân đội hùng hậu cũng như vị trí địa lý then chốt của tổ chức quân sự đó.

Sẽ là vô cùng mạo hiểm cho phương Tây, nếu để Thổ Nhĩ Kỳ ngả hẳn về phía Nga. Nhất là vào thời điểm hiện tại, khi Nga đang phản ứng hết sức gay gắt khi NATO lật lại kế hoạch kết nạp Gru-di-a (Georgia) - điều mà Mát-xcơ-va (Moskva) xem là hành động thù địch làm ảnh hưởng đến không gian an ninh quốc phòng của mình, và cảnh báo có thể sẽ “châm ngòi một cuộc xung đột tồi tệ”, như lời Thủ tướng Nga Ð.Mét-vê-đép (D.Medvedev).

Cũng sẽ là rất phiêu lưu cho An-ca-ra (Ankara), nếu hy sinh những ưu thế của mình (trong việc đứng độc lập, hoặc nói cách khác là “mặc cả với tất cả”: Nga, Mỹ, châu Âu) để lựa chọn đứng hẳn về một phía. Họ còn muốn trở thành thành viên Liên hiệp châu Âu (EU). Họ cũng muốn duy trì và phát triển những mối liên kết kinh tế với nước Nga. Họ, dĩ nhiên, còn muốn khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng của mình ở Trung Ðông, nơi đã sẵn có một cuộc nội chiến được quốc tế hóa, với sự tham gia của khá nhiều đối thủ trong khu vực: I-ran (Iran), A-rập Xê-út (Saudi Arabia) và I-xra-en (Israel), với những mâu thuẫn - xung đột chằng chịt.

Vậy nên, không cần thiết phải siết chặt thêm những nút thắt nữa. Từ một sự vụ mang tính chất tương đối “nhỏ lẻ”, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã có cớ để mở ra những cánh cửa đối thoại trực tiếp. Ít nhất, điều đó cũng đã là một sự khởi đầu.