Cơn thịnh nộ của tương lai

Chấn động, đó là những gì đã xảy ra tại Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ). Ở đó, thế giới không chỉ một lần nữa nghe thấy những lời cảnh báo gay gắt từ các chuyên gia về hiện trạng tồi tệ của nền nhiệt toàn cầu, mà còn chứng kiến cả một cơn giận dữ bùng phát thành tiếng thét tuyệt vọng của thế hệ kế cận.

G.Thăn-Béc (Greta Thunberg), sẽ không ai có thể quên gương mặt biến dạng và giọng nói run rẩy vì giận dữ, ánh mắt đầy giông bão cùng những ngôn từ rực lửa mà cô bé 16 tuổi ấy cất lên, giữa nơi hội tụ của “những người lớn” đầy quyền lực.

“Sao các người dám?” - câu hỏi lặp đi lặp lại, vừa giống như một bản luận tội, vừa là một nỗi đau đớn âm ỉ. “Cắt giảm một nửa lượng khí thải trong 10 năm tới, cũng sẽ chỉ cho chúng ta 50% cơ hội để mức tăng nhiệt độ nằm dưới mốc 1,5 độ C. Còn 50% cơ hội nữa để xảy ra hàng loạt những phản ứng mà con người không thể kiểm soát được. 50% có thể làm vừa lòng các người. Song, con số đó không bao gồm những điểm biến đổi nhiệt độ đến mức không thể hồi phục được, những phản ứng cực đoan, những độc hại… Con số 50% ấy còn phụ thuộc vào khả năng của thế hệ chúng tôi, khi phải đi xử lý hàng trăm tỷ tấn khí CO2 mà các người để lại, bằng những công cụ mà đến nay còn chưa xuất hiện rõ ràng!”.

Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tơ-rét (Antonio Guterres) có lẽ không thể trông chờ một tiếng đồng vọng nào giàu sức lay động hơn cho bài phát biểu của mình. Cũng như nhiều lần khác, ông cảnh báo rằng thế giới sẽ phải đối mặt nguy cơ Trái đất nóng lên ít nhất ba độ C vào cuối thế kỷ. Cũng như nhiều lần khác, ông nhấn mạnh rằng “đây là cuộc chiến chúng ta đang thua, nhưng vẫn hoàn toàn có thể thắng”, nếu nỗ lực gấp năm lần hiện tại. Nhưng lần này, LHQ có những đồng minh vô giá – thế hệ trẻ.

Bao gồm G.Thăn-béc, 16 trẻ em (tuổi từ 8 đến 17) trên khắp thế giới gửi đơn khiếu nại, rằng các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã thất bại trong việc giải quyết khủng hoảng biến đổi khí hậu, và như vậy là vi phạm quyền trẻ em. Cả hội trường rung chuyển trong tiếng vỗ tay như sấm dậy, khi G.Thăn-béc dõng dạc: “Hệ sinh thái đang sụp đổ. Chúng ta đang đứng trên bờ vực diệt vong. Vậy mà điều duy nhất các người nói đến vẫn chỉ là tiền, là câu chuyện cổ tích về nền kinh tế tăng trưởng vĩnh cửu ư? Các người nói rằng các người đã làm tất cả những gì cần thiết ư? Sao các người dám?!”.

Đúng như cô bé ấy nhận định, thế hệ kế cận sẽ phải gánh vác tránh nhiệm cứu vớt Hành tinh Xanh – ngôi nhà chung của nhân loại. Nhưng, chắc chắn họ sẽ thất bại, nếu không được đặt trên một cơ sở, một nền tảng, một bệ phóng cần thiết ngay từ lúc này.

Thật may mắn, bởi giữa lúc băng tan nhanh hơn ở Bắc Cực hay lửa còn mãi không tắt trên những cánh rừng nguyên sinh A-ma-dôn (Amazon), còn nhiệt độ trung bình toàn cầu liên tục phá các kỷ lục tăng so với thời tiền công nghiệp, những chuyển động tích cực nối nhau xuất hiện.

Ngày 21-9, Thủ tướng Nga Đ.Mét-vê-đép (Dmitri Medvedev) ký sắc lệnh thông qua Hiệp định Pa-ri (Paris) về chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Hai ngày sau, Mát-xcơ-va (Moscow) tuyên bố sẽ phân phối các nguồn lực tài chính đến các nước đang phát triển, nhằm giúp họ ngăn ngừa và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết sẽ thực hiện mọi điều khoản, nghĩa vụ trong khuôn khổ Hiệp định.

Cùng ngày 23-9, 66 chính phủ quốc gia trên thế giới cam kết giảm lượng khí thải về 0 vào năm 2050. Từ Đông - Nam Á, cộng đồng ASEAN cũng cam kết đồng hành cùng cộng đồng quốc tế, trên cuộc hành trình gian lao này.

Đến cả giới tài phiệt ngân hàng quốc tế cũng đã sẵn sàng xoay chiều. Họ - nhóm những ngân hàng lớn nhất thế giới, với tổng trị giá tài sản hơn 47.000 tỷ USD, đã thông qua nguyên tắc “ngân hàng trách nhiệm”, theo đó sẽ ưu ái nhiều hơn cho các dự án thân thiện với môi trường.

Vấn đề là, phản ứng của người đứng đầu nước Mỹ, cũng chính là người đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định Pa-ri về chống biến đổi khí hậu - đối với cơn thịnh nộ của G.Thăn-béc, thì lại vẫn chỉ là một dòng thông điệp khen ngợi vô thưởng vô phạt, trên mạng xã hội Twitter…