Cơn gió bất ngờ

Thật khó tin rằng những diễn biến chung quanh việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (New START) lại đột nhiên “xuôi chèo mát mái” đến vậy, sau những khoảng thời gian lâm vào tình trạng cực kỳ bế tắc. Thiện chí của nước Nga rõ ràng là nguyên nhân quyết định, nhưng bên cạnh đó, còn lý do nào khác?

Chỉ trong vòng hai ngày, gió đột ngột xoay chiều.

Sau khi Oa-sinh-tơn (Washington) từ chối đề xuất của Mát-xcơ-va (Moscow) về vấn đề gia hạn vô điều kiện New START thêm một năm, và cho rằng bất cứ đề xuất nào như vậy cũng sẽ phải bao gồm cả việc phong tỏa toàn bộ đầu đạn hạt nhân, ngày 20-10, Ðiện Krem-lin (Kremlin) tuyên bố: nước Nga sẵn sàng phong tỏa toàn bộ số đầu đạn hạt nhân của mình, nếu nước Mỹ cũng làm như vậy, để gia hạn một năm cho New START.

Ngay cuối chiều 20-10, Bộ Ngoại giao Mỹ, thông qua người phát ngôn M.Oóc-ta-gớt (Morgan Ortagus) đáp lời: “Chúng tôi đánh giá cao thiện chí của Liên bang Nga nhằm đạt tiến triển về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân”. Bà cũng khẳng định: Nước Mỹ “sẵn sàng lập tức gặp gỡ để hoàn tất một thỏa thuận có thể xác minh được”, và hy vọng “nước Nga cũng trao quyền cho các nhà ngoại giao của mình để làm điều tương tự”.

Cánh cửa đàm phán, tưởng chừng vẫn còn đóng chặt bởi bao nhiêu bất đồng và tính toán suốt quãng thời gian qua đã đột nhiên bật mở.

Mới chỉ một tuần trước, giới quan sát quốc tế vẫn còn dự đoán rằng câu chuyện sẽ tiếp diễn với rất nhiều trắc trở, khi chưa có bất cứ tín hiệu nào cho thấy bế tắc có thể được khai thông.

Ngày 14-10, cho dù nước Mỹ đồng ý về các nguyên tắc để có thể tiến tới việc gia hạn START với Nga, thì những phản ứng từ phía Nga vẫn là khá lạnh nhạt. Mỹ muốn Nga hạn chế và đóng băng kho vũ khí của mình, nhưng Mát-xcơ-va xem đề xuất này là rất khó chấp nhận, bởi nó như thể một kiểu đổ trách nhiệm cho nước Nga, về sự chấm dứt của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác.

Và trước đó, suốt cả năm qua, những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa hai cường quốc quân sự hùng mạnh nhất thế giới cũng đã tiếp diễn như thế, với những điểm nghẽn tưởng chừng không thể giải tỏa. Ai cũng có lý do để bảo vệ quan điểm của mình, và công kích phía bên kia.

Theo những điều khoản của START cũ (được ký năm 2010, và chuẩn bị hết hiệu lực), Mỹ và Nga mỗi nước chỉ có thể triển khai 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm (SLBM), và máy bay ném bom tầm xa mang bom hạt nhân; không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân tầm xa; và không quá 800 bệ phóng ICBM, SLBM, máy bay ném bom có thể mang bom hạt nhân được triển khai hoặc chưa được triển khai.

START mới, nếu được gia hạn, chắc chắn sẽ ít nhất duy trì được tình trạng cân bằng tạm thời trên. Và nếu cả hai phía đồng ý hạn chế cũng như tiến tới đóng băng các kho vũ khí hạt nhân của mình, sẽ là sự bảo đảm tuyệt đối cho hòa bình, an ninh và ổn định trên thế giới - một thế giới đã quá mệt mỏi bởi những vấn đề chung như thiên tai, dịch bệnh hay suy thoái kinh tế.

Ðó có lẽ là lý do tiên quyết để cả Ðiện Krem-lin lẫn Nhà trắng tiến về phía nhau gần thêm một bước, khi những sự căng thẳng cùng viễn cảnh về một cuộc chạy đua vũ trang mới không hề mang lại ảnh hưởng tích cực nào cho cả thế giới.

Và khuất lấp sau những vấn đề đó, có lẽ, ở trước thềm một sự kiện chính trị được cả thế giới quan sát chăm chú như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chuẩn bị diễn ra, bất cứ thành tựu ngoại giao nào cũng sẽ rất đáng giá. Ðối với chính quyền Tổng thống Mỹ đương nhiệm đã đành, mà với nước Nga, việc sớm đạt được một thỏa thuận quan trọng như New START sẽ giảm phụ thuộc rất nhiều vào những biến thiên khó lường ở chính trường Mỹ, sau khi khép lại năm 2020.