Chiến lũy trên chính trường

Không còn rào cản nào nữa. Ngày 3-9, theo người phát ngôn Lầu năm góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ M.E-xpơ (Mike Esper) đã ký quyết định chuyển ngân sách từ 127 “dự án quân sự bị trì hoãn” cả trong và ngoài nước, để xây dựng bức tường biên giới phía nam ngăn cách Mỹ với Mê-hi-cô (Mexico).

Đây hiển nhiên là một thắng lợi của đương kim Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump), cho dù thắng lợi ấy chưa được trọn vẹn như những gì ông mong muốn.

Ba năm trước, khi đưa ra ý tưởng này trong cương lĩnh tranh cử của mình, ứng cử viên Đ.Trăm lúc đó còn muốn tiến xa hơn nữa. Ông dự định sẽ đòi hỏi Mê-hi-cô đóng góp chi phí cho bức “trường thành ngăn người nhập cư bất hợp pháp” ấy – điều dĩ nhiên là người láng giềng phía nam của nước Mỹ dứt khoát từ chối, và đến giờ vẫn không bỏ ra một đồng ngân sách nào.

Hai tháng trước, con số mà Lầu Năm góc đưa ra cho dự án chuyển mục tiêu giải ngân theo yêu cầu của Nhà trắng là năm tỷ USD. Nhưng hiện tại, Bộ trưởng M.E-xpơ chỉ có thể ký quyết định chuyển 3,6 tỷ USD ngân sách.

Song, ít nhất, ý tưởng mà ba năm trước bị không ít người xem là “điên rồ” này cuối cùng cũng đã có đủ điều kiện tài chính để thực thi.

Và như vậy, nghĩa là những nỗ lực ngăn cản dự án ấy trở thành hiện thực từ phe đối lập trong chính trường Mỹ (hay nói cách khác, từ các nghị sĩ đảng Dân chủ) đã không đạt được mục đích.

Mới nhất, trung tuần tháng 8-2019, phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ còn lên kế hoạch đề nghị chính quyền của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm chuyển đổi số tiền năm tỷ USD để xây tường ngăn biên giới như dự định thành nguồn kinh phí phục vụ công tác kiểm soát súng đạn trong xã hội dân sự. Còn trước đó, thậm chí họ từng khơi dậy cả những trận “sóng gió chính trường” từ Đồi Ca-pi-tôn (Capitol Hill, nơi đặt trụ sở Quốc hội Mỹ), đến mức độ ông chủ Nhà trắng phải sẵn sàng sử dụng cả quyền phủ quyết tối cao của mình để vô hiệu hóa các dự luật mà phe Dân chủ đưa ra nhằm không cho phép “đứa con tinh thần” mà ông ấp ủ chào đời.

Cuối cùng, có thể xem như Tổng thống Mỹ đã chạm được tay vào giấc mơ của mình. Ông cần bức tường đó, như bằng chứng bảo đảm rằng ông đã giữ đúng cam kết đối với các cử tri ủng hộ mình trong quá khứ. Và tương lai, nhờ bức tường ấy, nhờ những người ủng hộ ấy, ông sẽ có đủ tiềm lực cũng như lòng tự tin để hướng đến chuyện đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.

Ở một khía cạnh nào đó, bức tường này không chỉ là công cụ ngăn cản dòng người nhập cư bất hợp pháp từ Mỹ la-tinh, mà còn là một thứ “cứ điểm phòng ngự”, một chiến lũy bảo vệ uy tín cũng như vị trí của Tổng thống Đ.Trăm.

Dự án bức tường biên giới đó cũng trở thành một công cụ hữu ích giữ cho ngọn cờ “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại – Make America great again (khẩu hiệu tranh cử của ông năm 2016)” có thêm sức tập hợp, đặc biệt là đối với tầng lớp trung lưu.

Song, sâu xa hơn, khi nói được và làm được, làm đến cùng một dự án khó khăn đến như vậy, sức nặng của khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết!” cũng theo đó mà gia tăng. Ít nhất, cho dù phản ứng thế nào về bức tường đó, Chính phủ Mê-hi-cô cũng đã phải chấp nhận ký các điều khoản của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mới (mang tên mới là USMCA) vào tháng 9 năm ngoái.

Ít nhất, cho dù gặp nhiều khó khăn đến đâu, dường như đương kim Tổng thống Mỹ vẫn đang dẫn đầu, ở một khoảng cách khá an toàn, trên đường đua đến Nhà trắng sẽ kết thúc vào cuối năm sau…